|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thương hiệu quốc dân giày Thượng Đình bỗng 'hot' khắp Tiktok: Tồn tại hơn nửa thế kỉ, thua lỗ triền miên hậu cổ phần hóa

11:39 | 13/03/2023
Chia sẻ
Gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ ở những thập niên trước, gần đây thương hiệu giày Thượng Đình bỗng viral trở lại khắp mạng xã hội Tiktok. Thực tế, hậu cổ phần hoá, công ty này thua lỗ triền miên, bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục nhiều năm liên tiếp.

Những ngày gần đây, thương hiệu giày Thượng Đình bỗng hot trở lại khắp mạng xã hội Tiktok nhờ các KOL sử dụng để phối đồ. Điều đáng nói đây là mẫu giày có giá chưa tới 200.000 đồng/đôi, khá rẻ so với loạt thương hiệu nước ngoài được giới trẻ ưa chuộng như Adidas, Nike, Puma,… Ghi nhận trên các trang thương mại điện tử, các mẫu giày Thượng Đình cũng đang được bán với tốc độ nhanh hơn bình thường, một số trang còn báo hết hàng.

 Ảnh: Chụp màn hình từ Tiktok.

Thương hiệu giày 'quốc dân' vang bóng một thời

CTCP Giày Thượng Đình, đơn vị sản xuất ra thương hiệu cùng tên, được thành lập từ năm 1957 với tiền thân là xưởng X30 thuộc Cục quân nhu – Tổng cục Hậu cần, chuyên sản xuất mũ cứng, dép cao su phục vụ quân đội.

Giai đoạn 1960 – 1972, khi cả nước đang trong chiến tranh, xưởng đã xuất khẩu gần 40.000 đôi giày sang Liên Xô và Đông Âu cũ. Tháng 9/1992, lô hàng đầu tiên của xí nghiệp này đạt tiêu chuẩn quốc tế và xuất sang thị trường Pháp và Đức.

Sản phẩm giày Thượng Đình từng được nhiều người sử dụng ở những thập niên trước 2000. (Ảnh: Giày Thượng Đình).

Từ năm 2005 công ty đã đầu tư mở rộng sản xuất thêm một nhà máy mới tại khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam nâng năng lực sản xuất của công ty lên thành 5 triệu đôi/năm trong đó 2 triệu đôi là giầy xuất khẩu và 3 triệu đôi tiêu thụ trong nước.

Thị trường xuất khẩu chính của công ty là các nước thành viên khối EU, Nhật (chiếm 80% sản lượng giày xuất khẩu), ngoài ra còn xuất sang các nước khác như Mexico, Mỹ, Australia và một số nước trong khu vực Đông Nam Á. 

Tại thị trường nội địa, với thiết kế đơn giản, đế cao su dẻo dai, sản phẩm giày Thượng Đình được nhiều đối tượng, lứa tuổi lựa chọn, trở thành thương hiệu "quốc dân" vì giá thành rẻ và bền. Những người trung niên sử dụng giày như là đồ bảo hộ lao động, trong khi lớp trẻ bấy giờ dùng để chơi thể thao. 

Lép vế trước các đối thủ ngoại, thua lỗ triền miên hậu cổ phần hóa

Đến năm 2008, 2009, các thương hiệu giày thế giới như Adidas, Nike,… bắt đầu thành lập công ty để đưa sản phẩm gần hơn với người Việt, đã đẩy Giày Thượng Đình vào cuộc chiến khốc liệt giữa các thương hiệu giày dép ngoại và hàng nội địa.

Trong khi Biti’s cố gắng cho ra nhiều mẫu mã để cạnh với hàng ngoại, hay chi hàng tỷ đồng để làm marketing, đầu tư video ca nhạc (MV) với mục đích thu hút giới trẻ, Giày Thượng Đình vẫn chưa có nhiều bước đột phá về mẫu mã để tái khẳng định thương hiệu.

Hiện Giày Thượng Đình có hai nhà máy, một nhà máy tại 277 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội với sản lượng trung bình 250.000 - 300.000 đôi/tháng. Nhà máy số hai đặt tại khu công nghiệp Đồng Văn - Hà Nam, tỉnh Hà Nam, với sản lượng trung bình 50.000 – 60.000 đôi/tháng.

Tháng 6/2015, Giày Thượng Đình đã tổ chức đấu giá chào bán hơn 1,9 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với giá khởi điểm 10.000 đồng/cp. Kết quả phiên đấu giá thành công với giá bình quân là 48.177 đồng/cp.

Năm 2016, công ty chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần và đưa 9,3 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 16/12 với mã chứng khoán GTD.

Hậu cổ phần hóa diễn ra không hề suôn sẻ khi năm 2017 - 2021, công ty liên tiếp làm ăn thua lỗ. Lỗ lũy kế của công ty tính đến hết năm 2021 là 49 tỷ, chiếm hơn một nửa vốn điều lệ (93 tỷ).

 Doanh thu thuần của Giày Thượng Đình giảm sút dần hậu cổ phần hóa, nhưng vẫn giữ được trên 100 tỷ đồng mỗi năm. (Nguồn: MH tổng hợp từ BCTC đã kiểm toán của GTD).

Chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp (chi phí dịch vụ mua ngoài, nhân viên quản lý và tiền thuê đất) chiếm tỷ trọng lớn khiến Giày Thượng Đình thua lỗ triền miên. (Nguồn: MH tổng hợp từ BCTC đã kiểm toán của GTD).

Công ty Giày Thượng Đình lý giải nguyên nhân, năm 2021 dịch COVID vẫn có diễn biến phức tạp, các mặt hàng giày tiêu thụ trong nước bị ảnh hưởng rất nhiều của việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào. Trong khi đó giá bán ra tăng không nhiều do giá bán ra luôn cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Ngoài ra chi phí leo thang vì chi phí khấu hao tăng lên sau hậu cổ phần hóa. Chi phí tiền thuê đất cũng cao, ngay từ đầu năm 2021 Giày Thượng Đình còn nợ tiền thuê đất 5,9 tỷ đồng do khó khăn về dòng tiền của năm 2020 nên công ty này chịu tiền phạt chậm nộp.

Từ năm 2018, tức hơn một năm sau khi lên sàn, cổ phiếu GTD đã nằm trong danh mục những cổ phiếu bị cảnh báo, bị hạn chế giao dịch và thị giá rơi từ mức 44.000 đồng/cp xuống ngưỡng mệnh giá. Cổ phiếu GTD rơi vào tình trạng này bởi kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2017 tới năm 2021.

Riêng năm 2021, Công ty Kiểm toán AFC Việt Nam lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của Giày Thượng Đình, khi nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn (vượt 2 tỷ đồng).

Tính đến hết năm 2021, tổng tài sản của Giày Thượng Đình gần 109 tỷ đồng, trong đó tiền mặt gần 4 tỷ. Trong khi đó, công ty đi vay gần 22 tỷ, chiếm 1/3 tổng nợ phải trả.

Các khoản phải thu là 21 tỷ và hàng tồn kho hơn 26 tỷ, lần lượt chiếm 19% và 24% tổng tài sản.

Tuy nhiên những tháng cuối năm 2021, công ty cho biết đã nhận được nhiều đơn xuất khẩu, các khoản nợ đến hạn của công ty đã được thanh toán trước hạn và ban tổng giám đốc cam kết duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Chưa thể thoái vốn nhà nước do vướng khu đất vàng

Hiện UBND TP Hà Nội nắm gần 68,7% vốn điều lệ của Giày Thượng Đình. (Nguồn: MH tổng hợp từ BCTC đã kiểm toán năm 2021 của GTD).

Theo kế hoạch, UBND TP Hà Nội buộc phải thoái toàn bộ 68,67% số vốn tại Giày Thượng Đình trước ngày 31/12/2020, nhưng đến hiện tại việc thoái vốn vẫn chưa hoàn tất bởi những tranh chấp và khó khăn trong việc xác định giá trị của các khu đất vàng mà Giày Thượng Đình đang sở hữu cho mục đích làm nhà xưởng nằm tại phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân và Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Khu đất này cũng chính là thứ giúp công ty thu hút được giới đầu tư thời điểm IPO. Thực tế, công ty cũng đang muốn di dời nhà máy ra khu vực ngoại đô để tránh tiền thuê đất đắt đỏ, giảm bớt các gánh nặng chi phí.

Trụ sở chính của CTCP Giày Thượng Đình tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, trong đó 36.000 m2 đất được sử dụng làm nhà xưởng. (Ảnh: Giày Thượng Đình).

Minh Hằng

Tác động nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump đến chứng khoán Việt Nam
Sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc, mọi ánh mắt đang đổ dồn vào những gì chính quyền mới của ông Donald Trump sẽ làm khi nhậm chức vào đầu năm 2025. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, có không ít lo ngại về tác động của sự kiện này đối với nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.