|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngôi sao sàn UPCoM: Á quân thị phần bán lẻ xăng dầu, doanh thu trên trăm nghìn tỷ đồng nhưng vướng loạt rào cản để niêm yết

07:00 | 29/03/2023
Chia sẻ
Những hệ lụy từ việc đầu tư, tiếp nhận Công ty Petec và đầu tư các nhà máy nhiên liệu sinh học khiến PV OIL lỗ lũy kế kéo dài cùng với khoản nợ xấu gần như mất trắng và loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán đẩy cổ phiếu rơi vào diện cảnh báo và chưa thể niêm yết.

 Đồ họa: Alex Chu.

Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL – Mã: OIL) ) là đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), được thành lập năm 2008, trên cơ sở hợp nhất Tổng Công ty Thương mại Dầu khí (Petechim - thành lập tháng 4/1994) và Công ty Chế biến và Kinh doanh Sản phẩm dầu (PDC - thành lập tháng 4/1996).

Cổ phiếu OIL được giao dịch trên UPCoM từ tháng 3/2018. Đến tháng 8/2018, công ty mẹ chuyển thành công ty cổ phần với quy mô 27 công ty con sở hữu trực tiếp và 10 công ty liên doanh liên kết.

Hiện vốn điều lệ của PV OIL hơn 10.342 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn PVN vẫn đang nắm đa số với 80,52% vốn điều lệ, SK Energy sở hữu 5,23%, còn lại là các cổ đông khác. Ngoài ra, trên báo cáo tài chính quý IV/2022 của Hàng không VietJet (Mã: VJC), công ty này đang nắm 50 triệu cổ phiếu OIL với giá trị gốc là 990 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông của PV OIL gồm Tập đoàn PVN, SK Energy, ngoài ra còn có thêm Hãng hàng không Vietjet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo. (Nguồn: MH tổng hợp từ BCTC của PV OIL).

Thị phần bán lẻ đứng thứ 2, xếp sau Petrolimex

Khác với Petrolimex, PV OIL là đơn vị duy nhất thực hiện nhiệm vụ xuất khẩu và kinh doanh dầu thô của Tập đoàn PVN, cung cấp dầu thô từ nguồn nội địa cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất (của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn) với sản lượng bình quân 7 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó công ty còn xử lý, sản xuất condensate và xăng E5.

Với lĩnh vực phân phối, PV OIL có khoảng 2.200 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (bao gồm 1.500 đại lí), con số này chỉ xếp sau Petrolimex với 5.500 cửa hàng. Hiện tại, mạng lưới bán lẻ trên cả nước có hơn 17.000 cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc tất cả các thành phần kinh tế.

Nguồn cung xăng dầu của PV OIL đến từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn khoảng 70%, doanh nghiệp tự pha chế và sản xuất chiếm khoảng 15 - 20%, và còn lại là nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc,.. theo hạn mức từ Bộ Công Thương giao.

Trong trường hợp Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, công ty sẽ tăng cường nhập khẩu nước ngoài với mức giá phù hợp để bù vào sản lượng thiếu hụt.

Với số lượng hàng nghìn cửa hàng trải dài cả nước, PV OIL cũng là doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có thị phần về tiêu thụ chiếm thứ hai với 17% (số liệu công bố năm 2021). Người dẫn đầu vẫn thuộc về Petrolimex với 50%, số còn lại thuộc về Saigon Petro và Thalexim (hoạt động chủ yếu ở phía Nam), Mipec (hoạt động chính ở miền Bắc).

PV OIL đang có kế hoạch gia tăng thêm thị phần lên 35% thông qua các hoạt động M&A và đẩy mạnh mở rộng các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.

Lần đầu tiên doanh thu vượt mốc trăm nghìn tỷ đồng

Năm 2022 đánh dấu mốc lần đầu tiên PV OIL ghi nhận doanh thu vượt mốc 100.000 tỷ đồng, tăng hơn 80% so với năm trước đó. Sản lượng kinh doanh tăng trưởng đột biến nhất kể từ trước đến nay với 4 triệu m3 xăng dầu các loại. Kết quả này có được là nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi mạnh sau đại dịch.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Theo báo cáo của Chứng khoán PSI, doanh thu của PV OIL phụ thuộc vào cơ chế giá bán lẻ xăng dầu của Bộ Công thương như sau:

Giá cơ sở = giá xăng dầu thế giới + chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam + chi phí kinh doanh định mức + mức trích lập Quỹ bình ổn giá + lợi nhuận định mức + chi phí về thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), thuế giá trị gia tăng) + phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Do vậy, ngoài lợi nhuận cố định thu được là 300 đồng/lít, biên lợi nhuận gộp của PV OIL sẽ biến động theo giá dầu tăng cao hay giảm mạnh của từng giai đoạn, cũng như chính sách thuế của cơ quan Nhà nước.

Diễn biến giá dầu brent trong 1 thập kỉ qua. (Nguồn: TradingView).

Biên lãi gộp của PV OIL sẽ biến động theo giá dầu tăng cao hay giảm mạnh của từng giai đoạn, cũng như chính sách thuế của cơ quan Nhà nước. (Nguồn: Tổng hợp từ Wichart).

Vì sao biên lợi nhuận của PV OIL kém cạnh hơn Petrolimex?

PV OIL chịu trách nhiệm bao tiêu cho hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, tức nguồn cung được đảm bảo, nhưng giá bán ra từ nhà máy lọc dầu lại không cạnh tranh được với nguồn hàng nhập khẩu từ thị trường quốc tế.

Trong khi đó, ngoài nguồn cung nội địa, Petrolimex còn nhập khẩu từ nước ngoài nên biên lãi gộp luôn nhỉnh hơn PV OIL.

Một điểm nữa cho thấy biên lãi gộp của Petrolimex vượt trội so với PV OIL là tập đoàn đã xây dựng được hệ thống kho đầu mối và hệ thống đường ống dẫn dầu, kho ngoại quan lớn nhất cả nước.

 Biên lợi nhuận gộp của Petrolimex luôn nhỉnh hơn chỉ số của PV OIL. (Nguồn: MH tổng hợp từ Wichart và báo cáo tài chính của doanh nghiệp).

Sự khác biệt trong hệ thống phân phối cũng là một nguyên nhân khiến cho biên lợi nhuận của Petrolimex thường xuyên cao hơn so với PV OIL, theo nhận định của Chứng khoán Bảo Việt.

Là đơn vị trực thuộc Tập đoàn PVN, PV OIL chủ yếu phục vụ các khách hàng công nghiệp (chiếm 20%) và bán hàng qua hệ thống đại lý/tổng đại lý (DODO) (chiếm 60%). Kênh bán lẻ của PV OIL đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu (so với mức gần 60% của Petrolimex). Tuy nhiên trong ba kênh phân phối, kênh DODO lại là kênh có biên lợi nhuận thấp nhất do mức chiết khấu áp dụng đối với các đại lý/tổng đại lý cao hơn.

Nguồn: Chứng khoán Bảo Việt.

Theo các nhà phân tích, sự khác biệt của biên lợi nhuận gộp còn đến từ việc ghi nhận cách hạch toán hàng tồn kho của hai doanh nghiệp.

PV OIL chọn cách hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp bình quân gia quyền, đem lại đường biên ổn định hơn so với Petrolimex lựa chọn phương pháp FIFO (phương pháp nhập trước xuất trước), tức giá ghi nhận sẽ biến động lớn hơn so với phương pháp bình quân gia quyền khi giá xăng tăng nhanh hay giảm mạnh.

Lỗ luỹ kế và nợ xấu khiến cổ phiếu vào diện cảnh báo

Trước cổ phần hóa, PV OIL đã gánh khoản lỗ hơn 1.977 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2017. Đây là các khoản đầu tư vào Tổng công ty thương mại kỹ thuật và đầu tư (Petec) và 3 nhà máy nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước cùng với khoản lỗ hàng tồn kho khi giá dầu giảm mạnh.

Trong đó, vào tháng 4/2013, PV OIL đã nhận sáp nhập Tổng công ty thương mại kỹ thuật và đầu tư (Petec) khi công ty này đang có khoản lỗ luỹ kế gần 1.200 tỷ đồng. Sau khi thành đơn vị thành viên của PV OIL từ năm 2013, Petec vẫn tiếp tục lỗ thêm. Nguyên do được đưa ra là bởi "quy mô tài sản lớn, lại trùng với hệ thống sẵn có của PV OIL nên khai thác không hiệu quả”. 

Sau gần 5 năm cổ phần hóa, PV OIL vẫn chưa thể xóa số lỗ này. Tại cuối năm 2022, số lỗ lũy kế của PV OIL còn hơn 185 tỷ đồng.

 Sau nhiều năm cổ phần hóa, PV OIL vẫn chưa thể xóa được lỗ lũy kế do những hệ quả của giai đoạn trước cổ phần hóa. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty). 

Bên cạnh việc chưa xử lý xong khoản lỗ lũy kế kéo dài, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 ghi nhận PV OIL đang có khoản nợ xấu gần 875 tỷ đồng. Đa số trong đó đều là nợ có khả năng mất trắng, với giá trị thu hồi chỉ gần 33 tỷ đồng.

Các khoản nợ này được ghi nhận trước thời điểm cổ phần hóa PV OIL năm 2018 và đều được trích lập dự phòng 100%. 

Theo PV OIL, các khoản nợ xấu này không ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh hiện tại. Khoản này có thể hoàn nhập, ghi nhận vào lợi nhuận khi thu hồi nợ.

Ngoài lỗ lũy kế và nợ xấu trên, phía công ty kiểm toán Deloitte còn đưa ra 3 ý kiến ngoại trừ liên quan tới nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, vấn đề thoái vốn Petec và một số thủ tục đất đai liên quan đến các công ty thành viên.

Những yếu tố trên khiến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có quyết định đưa hơn 201,4 triệu cổ phiếu OIL vào diện cảnh báo từ ngày 23/3/2023.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của PV OIL hơn 28.810 tỷ đồng, trong đó tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn lên tới 11.748 tỷ, chiếm 41% tổng tài sản. Các khoản phải thu hơn 8.090 tỷ, hàng tồn kho là 2.941 tỷ, lần lượt chiếm 28% và 10% tổng tài sản.

PV OIL gia tăng lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng theo năm. (Nguồn: MH tổng hợp từ số liệu của Wichart).

Về nguồn vốn, nợ vay của doanh nghiệp tính đến cuối năm 2022 là 2.764 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay từ ngân hàng, chiếm gần 1/10 tổng nguồn vốn. Bên cạnh đó, PV OIL còn ghi nhận hơn 4.600 tỷ đồng khoản phải trả, chủ yếu là thu hộ, trả hộ tiền dầu thô xuất khẩu ủy thác. Trong năm 2022, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu này phải trả gần 180 tỷ đồng chi phí lãi vay, trong khi thu về gần 418 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng.

 (Nguồn: MH tổng hợp từ số liệu của Wichart).

Triển vọng nào cho PV OIL khi giá dầu thế giới bất ổn?

Giá xăng, dầu trong nước thực tế phụ thuộc rất lớn và trực tiếp từ giá dầu thế giới. Biến số chiến sự Nga - Ukraine hay việc Trung Quốc mở cửa tới đâu sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID sẽ là ẩn số tác động lớn tới giá nhiên liệu này trong nước.

Theo một cuộc thăm dò của hãng Reuters công bố ngày 28/2, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ rơi vào cảnh thiếu hụt do Nga cắt giảm nguồn cung và Trung Quốc tăng lượng tiêu thụ. Kết quả thăm dò 49 nhà kinh tế và phân tích dự báo rằng giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình là 89,23 USD/thùng trong năm nay.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) Bùi Ngọc Bảo nhìn nhận, mặt bằng giá nhiên liệu vẫn biến động trong năm nay nhưng sẽ khó vượt mức đỉnh đã lập hồi giữa năm 2022, tức gần 33.000 đồng/lít xăng. Điều này giúp các danh nghiệp bán lẻ xăng dầu giảm thiểu rủi ro đánh giá lại hàng tồn kho.

Trong trường hợp giá dầu thế giới biến đổi bất thường, giá xăng dầu trong nước cũng sẽ được cơ quan quản lý điều hành theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước thông qua Quỹ bình ổn xăng dầu, giảm thuế, phí,…

Đối với nguồn cung trong nước, hai nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Nghi Sơn sẽ thực hiện bảo dưỡng trong năm nay. Tuy nhiên, với dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2022, Bộ Công Thương đã giao tổng lượng xăng, dầu nhập khẩu cho các doanh nghiệp đầu mối gần 26 triệu m3, đồng nghĩa nguồn cung xăng dầu vẫn sẽ được đảm bảo cho những cửa hàng bán lẻ như PV OIL.

Các doanh nghiệp phân phối lớn như PV OIL được dự báo có thể có thêm được thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ khác, vốn có khả năng sẽ bị loại khỏi thị trường sau một năm 2022 đầy khó khăn. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Chứng khoán VNDirect dự báo các doanh nghiệp phân phối xăng dầu như Petrolimex và PV OIL sẽ phục hồi mạnh từ mức nền thấp của năm 2022 nhờ việc vừa qua Chính phủ đã ban hành cơ chế để Tập đoàn PVN xử lý vấn đề tài chính đối với Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đây sẽ là tiền đề để Nghi Sơn hoạt động ổn định trong những năm tới, giúp tăng tỷ trọng nguồn cung nội địa và giảm áp lực chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp phân phối.

Bên cạnh đó, các chi phí định mức cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh tăng trong tháng 10 và 11/2022. VNDirect cho rằng sự điều chỉnh này sẽ phản ánh sát hơn diễn biến thị trường, giảm bớt áp lực cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Ngoài ra, VNDirect cho rằng các doanh nghiệp phân phối lớn như PV OIL có thể có thêm được thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ khác, vốn có khả năng sẽ bị loại khỏi thị trường sau một năm 2022 đầy khó khăn.

Ngoài ra, trong năm 2022, PV OIL đã hợp tác với VinFast và nhanh chóng hoàn thành lắp đặt gần 300 trạm sạc xe điện tại các cửa hàng xăng dầu PV OIL trên toàn quốc. Việc hợp tác này được đánh giá là bước đầu thực hiện chiến lược để PV OIL thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, đưa PV OIL trở thành nhà cung cấp năng lượng đa dạng cho các phương tiện giao thông, không chỉ xăng dầu mà còn có cả năng lượng điện và hydro trong tương lai.

Với tiềm năng hợp tác này, PV OIL và VinFast cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm các địa điểm phù hợp để mở rộng số lượng trạm sạc, đáp ứng nhu cầu phát triển của cả hai bên.

Tuy nhiên, các chuyên gian nhận định doanh nghiệp bán lẻ này hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn nhất định trong đó phải kể đến thực trạng quỹ đất ở thành thị khá eo hẹp, và mật độ dân cư, phương tiện giao thông ở các khu vực nông thôn, quốc lộ còn thấp, cản trở việc mở rộng các dịch vụ phi xăng dầu.

PV OIL cũng đang có kế hoạch tham gia vào lĩnh vực cung cấp nhiên liệu bay JetA1, tận dụng lợi thế mối quan hệ với cổ đông lớn VietJet Air. Hiện tại chỉ có hai nhà cung cấp chính là Skypec phục vụ chủ yếu cho Vietnam Airlines, các hãng quốc tế và Petrolimex Aviation phục vụ cho Vietjet Air, Bamboo Airway,… nên dư địa cho các doanh nghiệp mới thâm nhập vào thị trường còn rất lớn, các chuyên gia đánh giá.

Minh Hằng