Ngôi sao sàn UPCoM: Thị phần đứng thứ hai ngành chuyển phát, cạnh tranh gay gắt ngày càng bào mỏng biên lợi nhuận
Tổng CTCP Bưu Chính Viettel (Viettel Post – Mã: VTP) là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel).
Viettel Post tiền thân là Trung tâm phát hành báo chí, được thành lập năm 1997 với nhiệm vụ ban đầu là phục vụ các cơ quan quân đội trong Bộ Quốc phòng. Năm 2006, công ty chuyển đổi từ mô hình hạch toán phụ thuộc sang hạch toán độc lập. Sau đó 3 năm (2009), Viettel Post hoạt động với tư cách công ty cổ phần.
Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực chuyển phát, logistic, thương mại.
Tính đến cuối năm 2022, vốn điều lệ của Viettel Post là hơn 1.132 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn Viettel vẫn là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 60,82%. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Tập đoàn Viettel dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu ở Viettel Post xuống 51%.
Viettel Post hiện có 63 chi nhánh ở các tỉnh, thành phố và sở hữu 5 công ty con với 100% vốn điều lệ gồm: Công ty TNHH MTV Thương Mại Điện tử Bưu Chính Viettel; Công ty TNHH MTV Logistics Viettel; Công ty TNHH MTV Công nghệ Bưu Chính Viettel; Công ty TNHH Mygo Campuchia; Công ty TNHH Mygo Myanmar.
Kế hoạch niêm yết vẫn bỏ ngỏ
Sau 9 năm cổ phần hoá, ngày 23/11/2018, Viettel Post có phiên giao dịch đầu tiên trên hệ thống UPCoM.
Giai đoạn dịch bệnh, cổ phiếu VTP vẫn âm thầm vượt đỉnh nhờ sự bùng nổ dịch vụ giao hàng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng trên nhanh chóng bị phá vỡ vào cuối năm 2022 khi thị giá VTP giảm mạnh do khối ngoại bán ròng triền miền. Nguyên nhân khiến cố phiếu VTP trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại là do cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực chuyển phát nhanh.
Chốt phiên ngày 24/3, cổ phiếu VTP dừng tại 26.500 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hoá khoảng 2.999 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, HĐQT Viettel Post đã thông qua phương án chuyển sàn cho cổ phiếu VTP từ UPCoM sang HOSE trong giai đoạn 2021 - 2022. Thời điểm đó, lãnh đạo công ty cho rằng, sàn UPCoM không còn phù hợp với quy mô, kế hoạch phát triển của công ty, nhất là khi, Viettel Post đặt mục tiêu trở thành công ty logistics số 1 Việt Nam vào năm 2025.
Tuy nhiên, phương án niêm yết cho cổ phiếu VTP không diễn ra đúng tiến độ. Giải trình tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, công ty cho rằng, nguyên nhân khiến việc chuyển sàn diễn ra chậm một phần là do dịch COVID-19. Công ty dự kiến nộp hồ sơ đến HOSE trong tháng 5/2022 sau khi có BCTC kiểm toán năm 2021 và dự kiến thời gian giao dịch trên HOSE vào quý III/2022.
Từ đó tới nay, kế hoạch niêm yết của VTP vẫn "giậm chân tại chỗ".
Biên lợi nhuận ngày càng mỏng
Có thể thấy, giai đoạn 2015 – 2022, doanh thu của Viettel Post liên tục bứt tốc và đạt đỉnh vào năm 2022 với 21.638 tỷ đồng. Mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp là chuyển phát nhanh chỉ chiếm 41% tổng doanh thu nửa đầu năm 2022 và chiếm lần lượt 34%, 38% trong năm 2021, 2022.
Trong khi đó, lợi nhuận của Viettel Post lại có xu hướng tăng trưởng chậm lại từ năm 2020 và sụt giảm trong năm 2021, 2022. Nguyên nhân là do giá vốn bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao khiến phần lãi của công ty bị ăn mòn.
Biên lãi gộp của doanh nghiệp giảm mạnh, từ 9,9% năm 2019 xuống 4,1% vào năm 2020 và chỉ đạt 2,8%, 2,9% vào các năm 2021, 2022.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, trước câu hỏi của cổ đông về việc doanh thu tăng trưởng cao nhưng biên lợi nhuận thấp, ban lãnh đạo Viettel Post cho rằng, công ty có ba lĩnh vực kinh doanh chính là chuyển phát, logistics, thương mại. Trong đó, lĩnh vực thương mại mới được bổ sung vào chiến lược phát triển của công ty trước sự bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam nên hiệu quả chưa cao. Do đó, công ty sẽ có lộ trình tăng biên lợi nhuận trong thời gian tới sau khi đã tăng trưởng và đạt thị phần đủ lớn.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo, sang năm 2023, mảng dịch vụ chuyển phát sẽ dẫn dắt tăng trưởng doanh thu Viettel Post nhờ đà tăng trưởng mạnh của mảng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp có thể bị chững lại do sự cạnh tranh gay gắt và biên lợi nhuận thấp của mảng dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử.
Lãi tiền gửi nâng đỡ lợi nhuận
Về tình hình tài chính, cuối năm 2022, tổng tài sản của Viettel Post đạt 5.808 tỷ đồng tăng 7% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương với tiền, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 2.456 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản. Xét trong giai đoạn 2017 – 2022, tỷ lệ này luôn chiếm trên 40% cơ cấu tài sản của doanh nghiệp.
Nhờ thế hàng năm, Viettel Post đều thu về lượng lớn tiền lãi. Năm 2022, lãi tiền gửi của doanh nghiệp là hơn 105 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Đây là một nhân tố hỗ trợ lợi nhuận của Viettel Post qua các năm.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại cuối năm 2022 của công ty là 4.417 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay tài chính ở mức 1.297 tỷ đồng, toàn bộ là vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp đạt 1.392 tỷ đồng, gồm 237 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Áp lực tranh giành thị phần
Báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu dịch vụ toàn ngành bưu chính năm 2022 ước đạt 52.300 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2021. Trong đó, Viettel Post xếp vị trí thứ hai về thị phần chuyển phát nhanh, đứng sau VNPost.
Tuy nhiên, có một thực tế là các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm hơn 60% thị phần thị trường chuyển phát tại Việt Nam, số còn lại thuộc về doanh nghiệp nội địa. Có thể kể đến một số đơn vị đang tham gia vào lĩnh vực vận chuyển như VNPost, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, J&T, Gab, Gojek, Be, Ahavome…
Dù thị trườngxuất hiện nhiều đối thủ nhưng Viettel Post vẫn tự tin đặt mục tiêu tổng doanh thu trên 1 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 35% thị trường chuyển phát ở Việt Nam
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, biên lợi nhuận của mảng chuyển phát của Viettel Post sẽ giảm dần trong thời gian tới do cạnh tranh về giá trong các dịch vụ giao hàng ngày càng gay gắt, các sáng kiến cải thiện biên lợi nhuận và tối ưu hóa hoạt động thấp hơn dự kiến.
Trong năm 2023, VCSC kỳ vọng tăng trưởng tổng doanh thu Viettel Post sẽ được dẫn dắt bởi mảng dịch vụ với mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ. Sản lượng chuyển phát được kỳ vọng sẽ tăng 20% so với cùng kỳ trong năm 2023 do: Thị trường Việt Nam phục hồi hoàn toàn và thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh; Trung Quốc sẽ nới lỏng các quy định đối với logistic trong nước vào năm 2023. Tuy nhiên, hai yếu tố tích cực này sẽ bị ảnh hưởng một phần bởi sức mua yếu hơn của người tiêu dùng dẫn đến nhu cầu chi tiêu giảm do lạm phát.