|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngôi sao sàn UPCoM: Đứng thứ 9 bảng xếp hạng lợi nhuận toàn thị trường năm 2022, top đầu về đóng góp ngân sách cho Quảng Ngãi

15:40 | 22/03/2023
Chia sẻ
Kể từ khi hoạt động, Lọc hoá dầu Bình Sơn là một trong những động lực phát triển của kinh tế tỉnh Quãng Ngãi, thường xuyên đứng đầu về số tiền nộp cho ngân sách của địa phương. Năm 2022, doanh nghiệp có doanh thu cao thứ hai và lợi nhuận sau thuế đứng thứ 9 trên thị trường chứng khoán.

(Đồ hoạ: Alex Chu).

CTCP Lọc Hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) tiền thân là Công ty TNHH MTV Lọc Hoá dầu Bình Sơn được thành lập vào năm 2008 bởi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Tính đến cuối năm 2022, Lọc Hoá dầu Bình Sơn có vốn điều lệ 31.005 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ hơn 92%.

Công ty được giao nhiệm vụ quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLD Dung Quất), nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam và cùng với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đang đáp ứng khoảng 80% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước.

Sau hơn 14 năm hoạt động kể từ tháng 2/2009, NMLD Dung Quất đã sản xuất và cung cấp cho thị trường nội địa gần 84 triệu tấn sản phẩm, đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 203 nghìn tỷ đồng.

Có thể nói nhà máy là điểm sáng của kinh tế tỉnh Quãng Ngãi khi có tỷ trọng đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách. Tính riêng năm 2022, đơn vị này ước tính đóng góp 14.940 tỷ đồng, chiếm gần 44% tổng thu ngân sách của tỉnh Quãng Ngãi.  

Vào cuối năm 2022, Lọc Hoá dầu Bình Sơn đang sở hữu hai công ty con là CTCP Nhà và Thương mại Dầu khí (tỷ lệ nắm giữ 83,26%) và CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (tỷ lệ nắm giữ 61%).

Kế hoạch niêm yết vẫn còn bỏ ngỏ

Lọc Hoá dầu Bình Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hoá vào cuối năm 2017 và ngay đầu năm tiếp theo, công ty đã tiến hành IPO.

Ngày 1/3/2018, cổ phiếu BSR chính thức giao dịch trên hệ thống UPCoM. Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu BSR tăng trần và đóng cửa ở mức giá 31.300 đồng/cổ phiếu. Sau đó, thị giá BSR liên tục lao dốc trước khi quay lại vùng đỉnh cũ vào giữa năm 2022, trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao do tác động của tình hình địa chính trị thế giới.

Đến hết ngày 17/3, theo dữ liệu của HNX, Lọc Hoá dầu Bình Sơn có 224 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM và cổ phiếu BSR kết phiên ở mức 15.800 đồng/cổ phiếu.

Tại UPCoM, vốn hoá của BSR đứng thứ 4 với gần 49.000 tỷ đồng, chiếm 5% tỷ trọng của sàn, lần lượt xếp sau ba ông lớn khác là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (Mã: ACV, vốn hoá: 183.082 tỷ đồng); Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Mã: VGI, vốn hoá: 61.485 tỷ đồng) và Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (Mã: VEA, vốn hoá: 50.494 tỷ đồng).

Giữa năm 2020, doanh nghiệp từng nộp hồ sơ niêm yết lên sàn HNX, nhưng đến tháng 11/2020, công ty đã xin rút hồ sơ với lý do lùi kế hoạch niêm yết để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Vào thời điểm đó, tác động của dịch COVID-19 đã khiến doanh nghiệp ghi nhận lỗ luỹ kế 4.063 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm. Trong khi quy định niêm yết trên HNX, công ty phải không có lỗ luỹ kế tính đến thời điểm niêm yết.

Câu chuyện niêm yết của Lọc Hoá dầu Bình Sơn là một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm bởi liên quan đến lộ trình thoái vốn của PVN. Trong buổi gặp gỡ các nhà phân tích vào năm ngoái, lãnh đạo công ty cho biết có kế hoạch niêm yết cổ phiếu BSR lên sàn HOSE trong năm nay.

Công ty dự kiến sẽ xin ý kiến và thực hiện sau khi tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Đồng thời, phía doanh nghiệp cũng cho biết đã cơ bản đáp ứng được các điều kiện niêm yết trên HOSE.

Phương án mở rộng NMLD Dung Quất

Năm 2023, doanh nghiệp còn có kế hoạch vốn đầu tư 1.623 tỷ đồng, lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu. Trong đó, đầu tư vào dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất gần 955 tỷ đồng, mua sắm thiết bị tài sản cố định là gần 579 tỷ và còn lại là cho các hoạt động khác.

Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và PVN phê duyệt vào cuối năm 2014 với mục tiêu nâng công suất chế biến từ 148.000 thùng/ngày lên 192.000 thùng/ngày, tương đương 8,5 triệu tấn/năm.

Tổng vốn đầu tư cho dự án ở mức 1,8 tỷ USD - dự án được kỳ vọng sẽ giúp BSR cải thiện hai vấn đề cốt lõi gồm giải quyết vấn đề nguồn cung dầu thô Bạch Hổ đang cạn kiệt và vấn đề môi trường, đảm bảo sản phẩm lọc dầu đầu ra đạt tiêu chuẩn quốc tế Euro III và IV.

Tuy nhiên, BSR đánh giá dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất không còn khả thi tại thời điểm hiện nay do giá chào thầu gói thầu EPC giai đoạn 2 vượt giá gói thầu đã được phê duyệt; không có khả năng thu xếp đủ vốn do không còn bảo lãnh Chính phủ; hiệu quả tổng thể của dự án thấp và không đáp ứng điều kiện đầu tư của PVN.

ĐHĐCĐ thường niên 2022 đã thông qua việcđiều chỉnh đầu tư dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Trong đó, doanh nghiệp xin điều chỉnh quy mô công suất dự án xuống còn 171.000 thùng/ngày, tổng vốn đầu tư cũng được điều chỉnh giảm xuống còn 1,2 tỷ USD để phù hợp với khả năng thu xếp vốn và tối ưu chi phí đầu tư.

Theo kế hoạch này, 40% kinh phí đầu tư dự án sẽ được lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và 60% đến từ vốn vay, thời gian thực hiện trong vòng 37 tháng.

Doanh nghiệp sẽ tiếp tục báo cáo các cấp để xem xét, phê duyệt, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Sau khi được chấp thuận, đơn vị sẽ triển khai các bước tiếp theo nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: BSR). 

Hoạt động kinh doanh bị tác động trực tiếp bởi giá dầu

Về hoạt động kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận của Lọc Hoá dầu Bình Sơn đến từ hoạt động cốt lõi là kinh doanh các sản phẩm lọc hoá dầu; mảng nhiên liệu sinh học và sản xuất bao bì, thương mại chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Tuy nhiên, riêng với mảng nhiên liệu sinh học, doanh nghiệp đã liên tục ghi nhận các khoản lỗ thuần qua các năm.

 Mảng nhiên liệu sinh học liên tục lỗ thuần. (Nguồn: Đ.N tổng hợp).   

Năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sụt giảm, giá dầu thô và nhiên liệu cũng sụt giảm theo, do đó đã tác động đến tình hình hoạt động kinh doanh của Lọc Hoá dầu Bình Sơn.

Quý I/2020 và quý II/2020, doanh nghiệp lỗ sau thuế 2.348 tỷ đồng và 1.910 tỷ đồng. Mặc dù, hai quý kế tiếp, doanh nghiệp đã có lãi trở lại, nhưng luỹ kế cả năm 2020 vẫn lỗ sau thuế 2.858 tỷ đồng và doanh thu cũng sụt giảm 44% so với cùng kỳ xuống còn 57.959 tỷ đồng.

Sang đến năm 2021, tuy Việt Nam vẫn còn chịu tác động của COVID-19, song một số nước trên thế giới đã dần nới lỏng các lệnh hạn chế. Giá dầu thô và nhiên liệu bắt đầu tăng trở lại từ mức đáy của năm 2020, hỗ trợ tích cực cho kết quả kinh doanh của Lọc Hoá dầu Bình Sơn.

Sự hỗ trợ bởi giá dầu tiếp tục được duy trì đến năm 2022 khi tình hình địa chính trị trên thế giới tiếp tục có nhiều bất ổn, giá dầu liên tục bị đẩy lên cao, dầu Brent có thời điểm vượt 120 USD/thùng (theo dữ liệu của tradingeconomics.com).

Năm 2022, Lọc Hoá dầu Bình Sơn đạt doanh thu 167.124 tỷ đồng, là một trong 7 doanh nghiệp trên sàn có doanh thu trên 100.000 tỷ đồng và chỉ xếp sau Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX, doanh thu 304.080 tỷ đồng). 

Năm 2020, doanh thu doanh nghiệp sụt giảm 44% so với cùng kỳ, xuống còn 57.959 tỷ đồng. (Nguồn: Đ.N tổng hợp).  

Công ty lỗ sau thuế trong bối cảnh tác động của COVID-19, làm giảm nhu cầu xăng dầu. (Nguồn: Đ.N tổng hợp). 

Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá dầu thô và sản phẩm chính cũng được nới rộng giúp biên lợi nhuận gộp năm 2022 của doanh nghiệp đạt 9,6%, tăng 2 điểm % so với năm trước.

Cả năm, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp gấp 2,2 lần cùng kỳ lên 14.669 tỷ đồng, đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán năm 2022.

Giá nhiên liệu giảm mạnh vào năm 2020 khiến doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận âm năm 2020. (Nguồn: Đ.N tổng hợp). 

Năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất gần 95.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.628 tỷ đồng, lần lượt giảm 43% và giảm 89% so với kết quả kiểm toán năm 2022.

Nắm giữ tiền nhiều thứ 5 trên sàn chứng khoán

Tính đến ngày 31/12/2022, BSR công ty cùng với Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG); PV GAS (Mã: GAS); Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) và Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) là những doanh nghiệp đang nắm giữ nhiều tiền, tương đường tiền và các khoản đầu tư ngắn hạn nhất trên thị trường chứng khoán. 

5 công ty nắm giữ trên 1 tỷ USD các khoản tiền, tương đường tiền và đầu tư ngắn hạn tại ngày 31/12/2022. (Nguồn: Đ.N tổng hợp).  

Lọc Hoá dầu Bình Sơn duy trì tỷ lệ các tài sản có khả năng thanh khoản ngay lập tức ở mức cao. (Nguồn: Đ.N tổng hợp).    

Lọc Hoá dầu Bình Sơn thường xuyên duy trì tỷ lệ các khoản này chiếm trên 20% trong cơ cấu tài sản. Tuy nhiên, năm 2018, công ty đã thực hiện chi trả 6.848 tỷ đồng cổ tức khiến tỷ lệ này sụt giảm trong giai đoạn 2018-2019.

Xét đến hiệu suất hoạt động, doanh nghiệp phải thanh toán các khoản nợ trong thời gian ngắn hơn thời gian thu hồi công nợ từ khách hàng. Do đó, việc nắm tỷ lệ tiền mặt cao cũng giúp công ty đảm bảo khả năng thanh toán và doanh nghiệp có thể chủ động trong các kế hoạch mở rộng kinh doanh.

(Nguồn: Wichart). 

Đồng thời, các khoản tiền gửi ngân hàng cũng đã mang lại cho doanh nghiệp hơn 907 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2022. Đây là một nhân tố hỗ trợ lợi nhuận của Lọc Hoá dầu Bình Sơn qua các năm.

Tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp có tổng tài sản 78.488 tỷ đồng, tăng 17,5% so với đầu năm, chủ yếu do hàng tồn kho tăng 6.451 tỷ đồng, lên 16.809 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại cuối năm 2022 của công ty là 27.298 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay tài chính ở mức 8.954 tỷ đồng, toàn bộ là vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp đạt 51.190 tỷ đồng, gồm 14.652 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

(Nguồn: Đ.N tổng hợp). 

Ngoài ra, giai đoạn 2012-2022, hoạt động kinh doanh cốt lõi luôn mang lại dòng tiền dương cũng đã hỗ trợ tích cực cho sự thâm hụt của dòng tiền hoạt động tài chính khi doanh nghiệp thực hiện thanh toán các khoản vay hay chi trả cổ tức. 

Năm 2022, doanh nghiệp đi vay 77.969 tỷ đồng nhưng thực hiện thanh toán 79.886 tỷ đồng gốc vay và 1.347 tỷ đồng cổ tức khiến dòng tiền tài chính âm 3.265 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh 7.088 tỷ đồng cùng dòng tiền hoạt động đầu tư 2.695 tỷ đồng đã giúp doanh nghiệp ghi nhận được 6.518 tỷ đồng lưu chuyển dòng tiền cả năm. 

Dòng tiền tài chính các năm 2015 và 2017 bị thâm hụt mạnh do công ty tiến hành chi trả các khoản nợ vay lớn. Đối với năm 2018, công ty cũng có sự thâm hụt lớn về dòng tiền tài chính do thực hiện chi trả cổ tức. (Nguồn: Đ.N tổng hợp). 

Triển vọng nào khi giá dầu liên tục trượt dốc?

Tính từ đầu tháng 3/2023, sự lo ngại về suy thoái toàn cầu gia tăng liên quan đến hệ thống ngân hàng tại Mỹ đã khiến giá dầu Brent đã giảm mạnh từ 78 USD/thùng xuống còn 66 USD/thùng (giá dầu WTI giảm từ 85 USD/thùng xuống còn 73 USD/thùng). 

Tuy nhiên, theo nhận định của Chứng khoán Mirae Asset, thời gian tới, giá dầu sẽ sớm quay về mức 80 USD/thùng bởi tín hiệu tích cực từ nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc và các quốc gia OPEC lẫn Nga đang cắt giảm sản lượng.

Diễn biến giá dầu Brent một năm qua. (Nguồn: nasdaq.com).

Bên cạnh đó, Chứng khoán VNDirect cho biết, đầu năm 2023, crack spread xăng tại châu Á đã tăng đáng kể lên mức 18 USD/thùng từ vùng giá âm ở tháng 10/2022 nhờ nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi sau khi quốc gia này mở cửa trở lại.

Đồng thời, mức tồn kho thấp tại Mỹ có thể kéo theo nhu cầu nhập khẩu cao hơn từ các quốc gia châu Á, qua đó hỗ trợ crack spread xăng tại châu Á trong ngắn hạn. 

Còn crack spread dầu diesel được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong những quý đầu năm 2023 và hạ nhiệt dần về cuối năm, tính trung bình cả năm ở mức 25 USD/thùng. Mức trung bình này thấp hơn 27% so với kỷ lục của năm 2022 nhưng cao hơn 82% so với năm 2019.

Bởi sự sụt giảm của các chỉ số trên so với mức đỉnh của năm 2022, đơn vị phân tích dự báo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có chững lại so với cùng kỳ. Song, crack spread xăng và diesel duy trì ở mức cao tiếp tục là động lực hỗ trợ chính cho tỷ suất lợi nhuận lọc dầu của công ty trong năm nay.

Năm 2023, Chứng khoán VNDirect dự phóng doanh thu của doanh nghiệp ở mức 120.393 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.581 tỷ đồng, giảm 28% và 41,5% so với kết quả năm 2022, nhưng cao hơn đáng kể so với kế hoạch tạm thời của doanh nghiệp.  

 

Bên cạnh đó, NMLD Dung Quất sẽ bước vào giai đoạn bảo dưỡng định kỳ lần 5 trong năm nay, dự kiến nhà máy sẽ đóng của hoàn toàn trong 50 ngày. Do đó, kết quả kinh doanh cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi công suất vận hành thấp hơn và chi phí phát sinh trong thời gian bảo dưỡng.

Tuy nhiên, Chứng khoán SSI cho biết doanh nghiệp có thể cân nhắc lùi kế hoạch bảo dưỡng nếu điều kiện thị trường thuận lợi và quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 4/2023.

Đăng Nguyên