|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngoài Bách Hoá Xanh với lợi thế online-offline, những cái tên nào đang cạnh tranh ở mảng giao đồ tươi sống tại Việt Nam?

15:54 | 18/07/2021
Chia sẻ
Ngành hàng đồ tươi sống rất hứa hẹn với các "ông lớn" công nghệ tiêu dùng, thương mại điện tử song lại không dễ để gia nhập và cạnh tranh.

Đại dịch COVID-19 đang làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Một trong những xu hướng rõ rệt là người tiêu dùng đang dần chuyển sang mua sắm trực tuyến đối với ngành hàng đồ tươi sống trong bối cảnh nhiều khu vực bị phong toả hoặc giãn cách xã hội vì dịch bệnh.

Ngoài Bách Hoá Xanh với lợi thế online-offline, những 'cái tên' nào đang cạnh tranh ở mảng giao đồ tươi sống tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Giao đồ tươi sống tại Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng đón nhận, thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19. (Ảnh: MWG)

Sự tăng vọt về nhu cầu khiến nhiều công ty thương mại điện tử đang dành nhiều nguồn lực đầu tư vào cuộc chơi mới. Tại Việt Nam, Grab, Lazada và Shopee là ba công ty công nghệ tiêu dùng, thương mại điện tử khu vực đang cung cấp dịch vụ giao đồ tươi sống.

Grab bắt đầu triển khai dịch vụ GrabMart tại Việt Nam từ hồi cuối tháng 3 năm ngoái, trùng với thời điểm làn sóng COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam bùng phát và tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân. Ở thời điểm bắt đầu triển khai dịch vụ, GrabMart triển khai giao hàng từ khoảng 10 cửa hàng, siêu thị lớn.

Grab đã bắt đầu cho cuộc chiến giao đồ ăn từ cả trước đại dịch COVID-19. Năm 2018, Grab hợp tác với HappyFresh (Indonesia) để triển khai dịch vụ giao đồ tươi sống tại Indonesia và Thái Lan. Thực tế, quỹ đầu tư thúc đẩy Grab Ventures cũng là một nhà đầu tư vào HappyFresh. Bên cạnh việc mở rộng GrabMart từ năm ngoái, Grab cũng giới thiệu dịch vụ GrabSupermarket ở Malaysia.

Nhắc đến lĩnh vực giao đồ tươi sống ở Việt Nam, cũng sẽ là một thiết sót rất lớn nếu không đề cập đến Lazada. Đặc biệt là trong bối cảnh mới đây Alibaba, cùng Baring Private Equity Asia, đã dẫn dắt vòng đầu tư 400 triệu USD vào Masan Group. 

Khoản đầu tư này có thể là động lực thúc đẩy đối với Lazada, sàn thương mại điện tử mà Alibaba sở hữu. Lúc này, Lazada có thể mở rộng mối quan hệ với VinMart, một chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Masan. 

Ngay lập tức, Lazada sẽ có một chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi có độ phủ rộng lớn hàng đầu Việt Nam, một trong những cột trụ quan trọng khi Lazada muốn đẩy mạnh hoạt động giao hàng tươi sống vốn yêu cầu tốc độ cao.

Ở các quốc gia trong khu vực, điển hình là Singapore, Lazada đang triển khai giao đồ tươi sống thông qua LazMart, dịch vụ được "ông lớn" TMĐT này triển khai sau khi thâu tóm RedMart vào năm 2016.

Bên cạnh nhóm các sàn TMĐT đa quốc gia, nhiều startup và công ty lớn trong nước cũng đã bắt đầu triển khai dịch vụ giao đồ tươi sống. 

Bách Hoá Xanh là một trong những đại diện cho mô hình kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Trong khi đó, một số startup như Tiki, Chopp, FoodHub, Kamereo hay FoodMap hoạt động trên nền tảng số.

Ngoài Bách Hoá Xanh với lợi thế online-offline, những 'cái tên' nào đang cạnh tranh ở mảng giao đồ tươi sống tại Việt Nam? - Ảnh 2.

Phần lớn các startup giao đồ tươi sống ở Việt Nam đều đang nằm ở giai đoạn đầu, ngoại trừ trường hợp của Tiki.vn. (Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn)

Mặc dù cạnh tranh ở mảng giao đồ tươi sống được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt, triển vọng thị trường rất tươi sáng. Giao đồ ăn và đồ tươi sống là hai trong số các ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất của ngành thương mại điện tử trong năm 2020. 

Động lực thúc đẩy tăng trưởng từ đại dịch sẽ không nhanh chóng biến mất. Một nghiên cứu của Bain&Co vào năm 2020 cho thấy 47% trong số người dùng đồ tươi sống trực tuyến ở Đông Nam Á là người dùng mới. 76% trong số này cho biết tiếp tục dự định sẽ mua hàng tươi sống qua các kênh online.

Ngoài Bách Hoá Xanh với lợi thế online-offline, những 'cái tên' nào đang cạnh tranh ở mảng giao đồ tươi sống tại Việt Nam? - Ảnh 3.

Mảng thực phẩm và giao đồ tươi sống tăng trưởng nhanh cho tới năm 2025 tại Đông Nam Á. (Nguồn: Báo cáo e-Conomy SEA 2019, Đồ hoạ: Thái Sơn)

Nam Khánh