|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nền kinh tế 'check inbox' tại Việt Nam đang vận hành thế nào?

08:00 | 19/12/2020
Chia sẻ
Với dân số trẻ, tỉ lệ người dân tiếp cận internet cao, nền kinh tế online tại Việt Nam được dự báo sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn tới, song vẫn ẩn chứa rất nhiều nguy cơ rủi ro cao.
Nền kinh tế 'check inbox' tại Việt Nam đang vận hành thế nào? - Ảnh 1.

"Chị Xuân Nam Định hai cái chốt đơn nhé. Chị Ngọc Anh: 'Người nặng 44 kg thì mặc lên như thế nào?', chị check inbox giùm em nhé, bên em sẽ gửi bộ ảnh mẫu mặc cho các chị coi thêm. Rồi ok tiếp chị Thu Hoà 10 đơn, chốt nhé."

Ngồi trước 3 chiếc smartphone đang cùng chạy chương trình livestream (phát trực tiếp) của Facebook, Kiều Oanh - một người chuyên bán quần áo online, nhanh nhẹn cầm món hàng trên tay ném sang một bên khi những cái tên trên màn hình điện thoại được đọc lên và khách chốt đơn mua.

Những buổi livestream bán hàng như vậy của Oanh thường thu hút tới vài trăm người theo dõi, kéo dài trong khoảng một giờ đồng hồ và mang về vài chục đơn hàng mới.

Nền kinh tế 'check inbox' tại Việt Nam đang vận hành thế nào? - Ảnh 2.

Cứ đều đặn vào 20h mỗi tối các ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 7 trong tuần, Oanh - một giáo viên mầm non tại Nam Định, lại ngồi trước màn hình 3 chiếc smartphone để "lên sóng" bán hàng online. Mới 26 tuổi nhưng Oanh đã có 5 năm kinh nghiệm kinh doanh online, từ Facebook tới các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Sendo,…

Tốt nghiệp sư phạm mầm non và có việc làm ổn định tại Hà Nội, nhưng sau vài năm bám trụ nơi thành phố, Oanh quyết định nghỉ làm. Về quê, Oanh xin vào làm tại một trường gần nhà, đồng thời nhập hàng về bán online trên Facebook.

Sau một thời gian thấy công việc kinh doanh cho thu nhập tốt, Oanh kéo chồng đang làm việc tại một sân golf ở Hà Nội về bán cùng. Đến nay bán hàng online trở thành nguồn thu nhập chính cho cả hai vợ chồng, nuôi sống gia đình với 4 miệng ăn.

Oanh kể, ban đầu vợ chồng Oanh nhập hàng nông sản về bán, nhưng sau thấy mặt hàng này lãi ít mà nhanh hỏng, khó bảo quản, cả hai quyết định chuyển hướng sang bán đồ gia dụng và quần áo. Lúc đầu cũng chỉ đăng bài viết rồi đăng bán trên Facebook, nhưng càng về sau thấy cách này không hiệu quả Oanh bèn mò mẫm học cách livestream để giới thiệu sản phẩm.

Cứ đều đặn như thế thì trung bình mỗi tháng vợ chồng cô có thể chốt được cả triệu đơn hàng, cả bán sỉ và bán lẻ, thu nhập lên tới hàng chục triệu đồng.

"Nhờ thu nhập từ bán hàng online thì kinh tế gia đình mới có đồng ra đồng vào và nuôi hai đứa con chứ trông chờ vào đồng lương giáo viên còm thì sao sống được", Oanh chia sẻ.

Nền kinh tế 'check inbox' tại Việt Nam đang vận hành thế nào? - Ảnh 3.

Sau hai tháng tham gia bán hàng online, một ngày đầu tháng 12 Nguyễn Duy Giang, ngụ tại Hà Nội, khoe trên trang cá nhân rằng vừa chốt xong đơn hàng thứ 127 trong ngày. Tổng doanh thu ngày hôm đó của Giang là 19,9 triệu đồng.

Được biết cơ sở của Giang chuyên phân phối đồ bọc gói hàng, bán cả sỉ lẫn lẻ. Trước đó, trong tháng đầu tiên tham gia bán hàng online, Giang cũng thu về 52,4 triệu đồng và tháng thứ hai là 45,7 triệu đồng.

Có thể thấy, công việc bán hàng online trên các trang mạng xã hội hay thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến và trở thành phương thức kiếm tiền chính của rất nhiều người.

Lần đầu tiên trong lịch sử kinh doanh, người bán không cần lo chi phí mặt bằng, không cần thuê nhân viên, không lo nhà xưởng,… vẫn có thể dễ dàng chốt hàng trăm đơn hàng chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ.

Những người bán hàng online này thường tận dụng nơi ở của mình để chứa hàng, và đồng thời cũng là nơi để livestream quảng cáo sản phẩm.

Nền kinh tế 'check inbox' tại Việt Nam đang vận hành thế nào? - Ảnh 4.

Chỉ cần một chiếc điện thoại có chế độ quay video và được kết nối mạng internet, từ một người nông dân đến một KOL, ai cũng có thể trở thành người bán hàng trên nền tảng mạng xã hội.

Bán ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào, thậm chí là chỉ việc ngồi một chỗ để livestream hết năm này qua tháng nọ, miễn là họ có thể tạo ra tương tác tốt với khách hàng.

Nền kinh tế 'check inbox' tại Việt Nam đang vận hành thế nào? - Ảnh 5.

Để bán được hàng trên nền tảng trực tuyến như Facebook hay các sàn thương mại điện tử, người bán cũng phải tìm đủ mọi chiêu trò để tiếp cận khách hàng. 

Đơn cử như trên các sàn thương mại điện tử, để làm đẹp điểm số và giúp sản phẩm của mình có thể tiếp cận đầu tiên với khách hàng mỗi khi mở app, các shop bán hàng phải tích cực tạo đơn ảo, bình luận đánh giá ảo, thậm chí là mua lượt tương tác ảo.

Trong khi đó, trên Facebook, người bán cũng phải mua tài khoản ảo để chạy quảng cáo và tạo tương tác cho mỗi bài viết bán hàng hoặc các buổi livestream. 

Theo Q., một người chuyên buôn bán tài khoản Facebook, giá mỗi tài khoản ảo như vậy thường dao động từ vài chục tới vài trăm nghìn, thậm chí có thể lên tới vài triệu nếu tài khoản có lượng người theo dõi lớn.

Ngoài việc tạo tương tác ảo, những người bán online phải bỏ cả tiền triệu để chạy quảng cáo với mong muốn bán được nhiều hàng hơn.

Theo số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, trong năm ngoái doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt khoảng 648 triệu USD, trong đó Facebook chiếm 275 triệu USD, Google 174,9 triệu USD và các đơn vị khác.

Rõ ràng người Việt đã "đốt" rất nhiều tiền trên Facebook chỉ để bán hàng qua mạng. Tuy nhiên, "đốt" sao cho hiệu quả và tương tác ảo thế nào để tạo ra khách thật, tiền thật thì không phải người bán hàng online nào cũng biết.

Bởi thế các khoá học kinh doanh online mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa trong thời gian qua, thu hút được nhiều người quan tâm.

Tìm kiếm trên Google với từ khoá "học bán hàng online", chỉ sau 0,48s đã có 137 triệu kết quả trả về, với hàng loạt khoá học như "12 Bí quyết kinh doanh", "6 Bước bán hàng hiệu quả", "Tuyệt đỉnh bán hàng online",… thu hút học viên. Cũng không khó để tìm kiếm một video dạy cách bán hàng online làm sao để tăng doanh số nhanh trên nền tảng chia sẻ YouTube.

Nền kinh tế 'check inbox' tại Việt Nam đang vận hành thế nào? - Ảnh 6.

Mặc dù phát triển nhanh chóng, song nền kinh tế "check inbox" tại Việt Nam đa số phụ thuộc vào nền tảng công nghệ của các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook,… Thời gian vừa qua, khi Facebook xảy ra sự cố không truy cập được dịch vụ, những người kinh doanh trực tuyến như Oanh hay Giang "méo mặt" bởi không thể tương tác được với khách hàng.

Không những thế, mới đây Facebook cũng đã thay đổi thuật toán với các bài đăng bán hàng của người dùng, do đó nhiều người kinh doanh trên nền tảng này đứng ngồi không yên bởi lượng tương tác sụt giảm mạnh trong một thời gian ngắn. Với họ, tương tác giảm cũng đồng nghĩa với việc giảm lượt khách hàng tiếp cận được với sản phẩm.

Hoặc một khi rủi ro bị hack mất tài khoản, những người bán như chị Oanh cũng chỉ biết tìm cách xây dựng lại từ đầu, đồng nghĩa với việc một lượng lớn khách hàng quen thuộc cũng mất theo.

Trong khi đó, câu chuyện làm sao để thu thuế người bán và người cung cấp dịch vụ nền tảng (Facebook, Google) vẫn chưa bao giờ hết nóng trên nghị trường Quốc hội trong những năm gần đây. Ước tính mỗi năm Việt Nam thất thoát cả tỉ đồng tiền thuế bởi nền kinh tế ngầm này.

Mặt khác, vì không có địa điểm địa chỉ kinh doanh rõ ràng, không phải đăng kí kinh doanh theo luật định, các cơ quan chức năng cũng không thể quản lí hay kiểm soát được chất lượng hàng bán thông qua Facebook.

Nói đâu xa, đầu năm nay cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã triệt phá đường dây buôn bán hàng lậu với quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Đáng nói, các đối tượng đã sử dụng mạng xã hội Facebook để livestream bán hàng trong suốt một thời gian dài, với số lượng từ 100 - 200 đơn hàng mỗi buổi.

Ngoài những đối tượng này còn "nuôi" đội ngũ nhân sự lên đến 40 để người thường xuyên livestream suốt ngày đêm, trả lời bình luận và chốt đơn từ khách.

Thiên Trường