|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

[Mini Magazine] Ác mộng đêm Giáng sinh của Apple

07:43 | 13/12/2021
Chia sẻ
Với Apple, mùa mua sắm cuối năm nay trở thành một cơn ác mộng mà có lẽ "ông lớn" này chưa từng nghĩ tới.

Vào đầu tháng 10 hàng năm, khi phần lớn Trung Quốc đóng cửa tận hưởng kỳ nghỉ Tuần lễ vàng, các nhà máy là đối tác quan trọng của Apple lại tăng tốc sản xuất. Đây là tuần mà Foxconn, Pegatron và nhiều nhà máy khác đẩy mạnh sản xuất 24 giờ/ngày để nỗ lực lắp ráp những chiếc iPhone mới kịp đón mùa mua sắm cuối năm.

Thế nhưng năm nay thì khác khi công nhân được nghỉ thay vì phải làm việc tăng ca. Lần đầu tiên trong hơn một thập niên, dây chuyền sản xuất iPhone và iPad ngưng trệ trong vài ngày vì thiếu hụt cung ứng và lệnh hạn chế sử dụng năng lượng tại Trung Quốc, một số nguồn tin nói với Nikkei.

"Vì nguồn cung chip và linh kiện hạn chế, việc làm việc thêm giờ vào kỳ nghỉ hay trả thêm lương cho công nhân không còn ý nghĩa", một quản lý chuỗi cung ứng chia sẻ. "Điều này chưa từng có tiền lệ. Tuần lễ vàng tại Trung Quốc trước đây luôn là thời điểm tăng tốc sản xuất".

Sau khi ra mắt loạt iPhone 13 và iPad mới hồi tháng 9, Apple đang thiếu hụt hàng triệu máy so với mục tiêu sản xuất và đứng trước nguy cơ mất hàng tỷ USD doanh thu. Ở nhiều quốc gia, giờ là quá muộn nếu người dùng muốn mua các sản phẩm của Apple để kịp làm quà giáng sinh.

Apple từng là nỗi "ghen tị" của ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng khi bán được hơn 200 triệu iPhone, 20 triệu MacBook, 50 triệu iPad và 70 triệu AirPods mỗi năm. Quyền lực là vậy, ngay cả Apple cũng bị ảnh hưởng bởi những "náo loạn" trong chuỗi cung ứng năm nay. 

Điều tồi tệ nhất là cơn ác mộng này lại đến vào đúng dịp Giáng sinh, tức mùa mua sắm cuối năm. Nhà máy đóng cửa do dịch bệnh, các rắc rối về logistics và đợt thắt chặt sử dụng năng lượng cùng lúc ập đến khiến làng công nghệ thế giới điêu đứng.

d - Ảnh 1.

iPhone 13 Pro Max gồm hơn 2.000 linh kiện. (Ảnh: Nikkei).

Qua phỏng vấn với hơn 20 chuyên gia trong ngành ở 3 châu lục đồng thời "truy vết" các linh kiện bên trong iPhone 13 Pro Max, Nikkei mới đây hé lộ những thách thức mà Apple chưa từng phải đối mặt. Ngay cả trước khi COVID-19 ập đến, những rắc rối đã nhen nhóm xuất hiện trong ngành công nghệ khi quan hệ thương mại Mỹ - Trung "cơm không lành, canh chẳng ngọt".

Trong tháng 9 và tháng 10, sản lượng iPhone 13 thấp hơn 20% so với kỳ hoặc trước đó. Điều này vẫn xảy ra ngay cả khi Apple đã ưu tiên linh kiện vốn được dùng để sản xuất iPad và một số dòng iPhone cũ hơn cho những chiếc iPhone mới nhất.

Cùng kỳ, sản lượng sản xuất iPad thậm chí thấp hơn kế hoạch tới 50%, trong khi con số này của các dòng iPhone cũ hơn là 25%. Tình hình với iPad và các dòng iPhone cũ không được cải thiện trong tháng 11, theo Nikkei.

Apple buộc phải giảm quy mô mục tiêu sản xuất trong năm 2021. Đầu tháng 12, Apple lên kế hoạch sẽ sản xuất từ 83 triệu đến 85 triệu máy iPhone 13 trong năm 2021, thấp hơn so với kế hoạch ban đầu là 95 triệu. Nhìn chung, dù đẩy mạnh sản xuất trong tháng 11, Apple vẫn thiếu khoảng 15 triệu iPhone so với mục tiêu sản xuất 230 triệu máy trong năm nay. Apple từ chối bình luận về vấn đề này.

Ác mộng đêm Giáng sinh chưa từng có tiền lệ của Apple - Ảnh 2.

Nhìn vào bên trong iPhone 13 Pro Max, một thiết bị điện tử với hơn 2.000 linh kiện, đủ để thấy những khó khăn cho Apple. Điểm nghẽn không đến từ việc sản xuất các linh kiện đắt đỏ như vi xử lý lõi (45 USD) hay tấm nền màn hình OLED (105 USD).

d - Ảnh 2.

(Nguồn: Nikkei, Việt hoá: Thái Sơn).

Mấu chốt của khó khăn đến từ các linh kiện phụ với giá thành thấp và thường ít được chú ý như chip quản lý điện năng từ Texas Instruments. Những con chip này không chỉ được dùng trong iPhone, điện thoại hay các thiết bị điện tử tiêu dùng nói chung mà còn được sử dụng trong máy tính, trung tâm dữ liệu, đồ điện gia dụng hay xe kết nối.

"Toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn không thể đáp ứng được nhu cầu, một phần lý do đến từ thời gian khai thác nguyên liệu thô tăng", một người phát ngôn của Nexperia, nhà sản xuất linh kiện thu phát, nói.

d - Ảnh 3.

(Nguồn: Nikkei, Việt hoá: Thái Sơn).

Apple và các nhà cung ứng cũng gặp nhiều khó khăn khác. Đợt giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng ở Việt Nam ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất mô-đun camera từ Sharp. Gián đoạn do COVID-19 ở Malaysia cũng đè nặng áp lực lên việc sản xuất nhiều linh kiện điện tử và chip. Quốc gia Đông Nam Á này đóng vai trò quan trọng trong quá trình thử nghiệm và đóng gói chip – những bước cuối cùng trong sản xuất chip. Cuối cùng, đợt thắt chặt sử dụng năng lượng ở Trung Quốc cũng khiến cơn ác mộng của Apple dài thêm.

"Ngay cả khi bạn có 99% linh kiện trong tay, nếu bạn thiếu một, hai hoặc ba linh kiện, bạn cũng không khởi động được quá trình lắp ráp sản phẩm cuối cùng", một nguồn tin nói với Nikkei.

d - Ảnh 2.

Tim Cook, CEO Apple, từng nói rằng những đứt gãy trong chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng đến Apple vào quý IV/2021. (Ảnh: AP).

2021 lẽ ra một năm tăng trưởng thần tốc của Apple khi công ty có cơ hội lấy được thị phần từ Huawei - thương hiệu gặp nhiều khó khăn do lọt vào "danh sách đen" của Mỹ. Trong 9 tháng đầu năm, lượng iPhone bán ra tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Thế nhưng, những áp lực trong những tháng cuối năm tăng dần. Tim Cook, CEO Apple, một trong những người có chuyên môn cao trong việc xây dựng và vận hành chuỗi cung ứng phức tạp của Apple trên toàn cầu, nhận ra những "cái giá" cho Apple đến từ việc khan hiếm nguồn cung.

Tim Cook nói rằng Apple mất khoảng từ 3 tỷ USD đến 4 tỷ USD doanh thu trong quý II năm nay. Con số này là 6 tỷ USD trong quý III và thậm chí những ảnh hưởng tiêu cực còn lớn hơn trong quý IV.

Ở thời điểm hiện tại, người dùng ở nhiều quốc gia nếu muốn mua iPad sẽ phải đợi thời gian giao máy là giữa đến cuối tháng 1. Với iPhone 13 và iPhone 13 Pro, thời gian đợi là 2 tuần, rút gắn so với thời gian 5 tuần của 1 tháng trước.

d - Ảnh 5.

(Nguồn: Apple/Nikkei, Việt hoá: Thái Sơn).

Ác mộng đêm Giáng sinh chưa từng có tiền lệ của Apple - Ảnh 7.

Nếu như Apple đang gặp khó khăn, những gì các công ty công nghệ khác phải hứng chịu có lẽ còn tồi tệ hơn, từ các nhà sản xuất smartphone như Samsung, Xiaomi hay OPPO, các nhà sản xuất máy tính như HP, Dell hay Acer, các nhà sản xuất máy chơi game như Sony hay Nintendo cho tới các nhà sản xuất thiết bị dùng trong nhà như Dyson hay LG. Theo các mức độ khác nhau, tất cả đều không sản xuất được đủ hàng hoá cho mùa mua sắm cuối năm.

Ví dụ, sản lượng máy chơi game Switch của Nintendo thấp hơn 20% so với kế hoạch trong năm tài chính sẽ kết thúc vào tháng 3/2022. Trong khi đó, đợt thiếu hụt chip làm Xiaomi hụt mất 20 triệu thiết bị. Một nỗi sợ hãi bao trùm là nhu cầu có thể tiêu tan sau khi các hãng bỏ lỡ đợt bán hàng trong mùa mua sắm cuối năm.

d - Ảnh 6.

Nhiều hãng công nghệ chịu ảnh hưởng ở mức độ lớn hơn so với Apple. (Ảnh: Nikkei).

Ông Jason Chen, chủ tịch và CEO Acer, nói rằng ông chưa từng thấy những thách thức lớn như vậy. "Dịp lễ giáng sinh không bị huỷ nhưng tới trễ với ngành công nghệ", ông nói và thừa nhận không ai trong ngành công nghệ biết cách để xử lý các vấn đề phức tạp chưa có tiền lệ này.

Theo Nikkei, các linh kiện đang tạo ra nút thắt là chip quản lý điện năng, chip Wi-Fi, chip LAN, bộ dao động tinh thể, đi-ốt, vi điều khiển, chip giao diện, chip âm thanh, bảng mạch tích hợp driver hay khuôn chip. Các linh kiện này đều không phải linh kiện lõi của thiết bị và quan trọng như chip xử lý hay chip đồ hoạ. Dù vậy, các linh kiện này là không thể thiếu trong việc lắp ráp nhiều thiết bị điện tử và xe.

Với các công ty không có sức mạnh đàm phán nguồn cung được như Apple hay Samsung, nguồn cung thậm chí còn hạn hẹp hơn. "Chúng tôi liên tục trao đổi với các nhà cung ứng. Nhưng so với các công ty sản xuất smartphone hay máy tính cho người dùng đại trà, các công ty máy tính công nghiệp có mức độ ưu tiên thấp hơn. Đôi khi các đối tác có chip trong tay nhưng không thể ưu tiên chúng tôi", ông Miller Chang, chủ tịch công ty Advantech, nói.

Đợt thiếu hụt vốn bị đổ lỗi cho COVID-19 thực ra lại có "nguồn gốc" từ trước đó, một phần do những căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung liên quan đến Huawei. Hiệu ứng này có thể so sánh với một hàng dài người đang đợi ở trạm xăng và có những dấu hiệu cho thấy xăng có thể sẽ hết.

Huawei bắt đầu tích trữ nhiều linh kiện quan trọng hơn hai năm trước khi bị Mỹ đưa vào "danh sách đen". Nỗi sợ không tiếp cận được nguồn cung nhanh chóng phủ lên cả ngành công nghệ Trung Quốc. Các công ty công nghệ thi nhau tích trữ linh kiện.

Ác mộng đêm Giáng sinh chưa từng có tiền lệ của Apple - Ảnh 9.

(Nguồn: Nikkei, Việt hoá: Thái Sơn).

Dĩ nhiên, COVID-19 cũng đóng một vai trò lớn. Ví dụ, với xu hướng làm việc từ xa, ngành công nghiệp PC đón nhận nhu cầu tăng tới 13% sau một thập niên tăng trưởng chậm. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp công nghệ nói chung cũng trải qua nhiều biến chuyển. Nhiều công nghệ mới như xe điện, 5G hay AI được đón nhận cũng khiến nhu cầu chip tăng cao.

Từ lâu Apple vẫn nổi tiếng là công ty có quyền lực đàm phán trong làng công nghệ. Apple hiếm khi trả giá cao hơn để có được đơn hàng vì phần lớn các nhà cung ứng sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ Apple. "Nếu không làm thế, họ có thể mất đơn hàng của Apple và chúng sẽ thuộc về các công ty đối thủ", một nguồn tin nói.

Với quyền lực này, Apple đã từng nghĩ năm 2021 sẽ trôi qua êm đẹp. Apple dự tính sản xuất iPhone 13 vào cuối tháng 8 và ra mắt đúng hạn vào mùa thu, khác với năm 2020 khi COVID-19 khiến sản phẩm ra mắt chậm vào tháng.

Dù vậy, đợt bùng phát dịch COVID-19 ở các nước Đông Nam Á vào mùa hè, khoảng 2 đén 3 tháng trước khi Apple đẩy mạnh sản xuất iPhone mới đã bất ngờ khiến Apple cũng rơi vào thế bị động.

Ác mộng đêm Giáng sinh chưa từng có tiền lệ của Apple - Ảnh 10.

Với nhiều nhà cung ứng lớn của Apple, 2021 là một năm buồn về tài chính. Pegatron, đối tác lắp ráp của Apple, đón lợi nhuận ròng giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý III năm nay.

"Chuỗi cung ứng phụ thuộc lớn vào Việt Nam và Malaysia", ông S.J. Lao, CEO Pegatron, chia sẻ. Ông nhấn mạnh tác động của đứt gãy là rất lớn.

Một làn sóng đầu tư vào ngành chip toàn cầu đang đến trong bối cảnh thiếu hụt năm nay. Tuy nhiên, phần lớn các đầu tư mới sẽ chưa đem đến hoạt động sản xuất số lượng lớn trong thực tế cho tới năm 2023.

Apple nói với các nhà cung ứng tăng tốc sản xuất trở lại cho tháng 11, 12 và tháng 1 năm tới sau khi gặp khó khăn trong vài tháng. "Nhu cầu iPhone 13 có thể mở rộng đến tháng 1 năm tới và Apple không muốn bỏ phí cơ hội để lấy thị phần từ Huawei, trong khi Samsung và Xiaomi đang chịu tình trạng thiếu chip và linh kiện không tương thích", một nguồn tin chia sẻ.

Thái Sơn