Doanh thu thị trường nước ngoài của Vinamilk tăng quý thứ 5 liên tiếp
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.537 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,6% so với cùng kỳ.
Trong quý III, động lực tăng trưởng của Vinamilk tiếp tục là thị trường nước ngoài khi ghi nhận doanh thu thuần tăng quý thứ 5 liên tiếp, đạt 2.609 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ.
Riêng xuất khẩu đạt 1.375 tỷ đồng, tăng 10,3% và duy trì mức tăng trưởng hai chữ số từ quý II/2024, và các chi nhánh nước ngoài đạt 1.234 tỷ đồng, tăng 8,5%.
Còn thị trường trong nước ghi nhận doanh thu thuần 12.928 tỷ đồng, giảm 2,4% trong quý III do ảnh hưởng bởi yếu tố thiên tai (cơn bão Yagi) đã tác động tới tâm lý người tiêu dùng.
Biên lợi nhuận gộp đạt 41,2% quý III, suy giảm so với mức 42,4% quý II và giảm so với cùng kỳ (41,9%) do bị ảnh hưởng bởi tình hình bán hàng trong nước.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong quý ghi nhận 3.758 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24,2% trên doanh thu thuần, không thay đổi đáng kể so với cùng kỳ.
Trừ đi các chi phí, Vinamilk ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) 2.404 tỷ, giảm 4% so với cùng kỳ. Công ty ghi nhận lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ sau 5 quý tăng trưởng liên tục.
Luỹ kế 9 tháng, Vinamilk đạt 46.306 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 7.269 tỷ; tăng lần lượt 3% và 11% so với cùng kỳ.
Trong đó, thị trường nội địa đem về 37.957 tỷ, tăng 1,1% so với cùng kỳ còn doanh thu thị trường nước ngoài tăng gần 16% lên 7.218 tỷ đồng.
Sau ba quý, ông lớn số 1 ngành sữa đã thực hiện được 78% kế hoạch lợi nhuận năm.
Phía Vinamilk cho biết công ty duy trì kế hoạch tổng doanh thu 63.163 tỷ đồng (tăng trưởng 4,4%) và lợi nhuận trước thuế 11.516 tỷ đồng (tăng trưởng 5%) cho cả năm.
Động lực tăng trưởng doanh thu đến từ tâm lý tiêu dùng hồi phục ở thị trường trong nước và duy trì đà tăng trưởng của các thị trường xuất khẩu. Lợi nhuận gộp được hỗ trợ bởi tăng trưởng doanh thu, cải thiện cơ cấu sản phẩm và tối ưu hóa chi phí hoạt động sản xuất.
Thông tin về diễn biến giá nguyên liệu sữa cũng như kế hoạch tồn kho, doanh nghiệp cho hay giá các nguyên liệu trong năm 2024 đang diễn biến ổn định. Với các nguyên liệu quan trọng đang có mức giá tốt, công ty đã chủ động tăng cường thu mua để tối ưu cơ cấu chi phí sản xuất cho các quý tiếp theo.
Do đó, ban điều hành Vinamilk lạc quan về sự phục hồi biên lợi nhuận gộp trong năm 2024. Bên cạnh đó, tăng trưởng doanh thu cao hơn sẽ mang đến lợi thế kinh tế nhờ quy mô và mở rộng biên lợi nhuận gộp.
Tính tới cuối quý III, quy mô tài sản của Vinamilk là 57.677 tỷ. Trong đó, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất nằm ở tiền, tiền gửi ngân hàng với 28.599 tỷ đồng. 9 tháng, khoản này đem về cho doanh nghiệp 1.041 tỷ lãi tiền gửi.
Cập nhật về dự án nhà máy sữa Hưng Yên, Vinamilk chia sẻ đã hoàn thành san lấp mặt bằng và có quy hoạch 1/500. Công ty dự kiến khởi công nhà máy trong năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Còn Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò của Vinamilk và tập đoàn Sojitz đã được khởi công vào đầu năm 2023 tại Vĩnh Phúc, việc xây dựng tổ hợp trang trại - nhà máy chế biến đang bám sát kế hoạch. Công ty dự kiến vận hành tổ hợp và đưa sản phẩm ra thị trường trong quý IV năm nay.