Loạt doanh nghiệp ngành dược sắp chia cổ tức tiền mặt, cao nhất 80%
Nhìn lại năm 2020, đà tăng trưởng của các công ty ngành dược chậm lại vì ảnh hưởng của giai đoạn giãn cách xã hội và các chủ trương kiểm soát chặt chẽ người dân đến bệnh viện liên quan đến dịch COVID-19.
Chứng khoán SSI ước tính tổng doanh thu dược phẩm của Việt Nam (bao gồm cả sản xuất và nhập khẩu) năm 2020 chỉ tăng gần 3% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể mức bình quân 11,8% mỗi năm trong giai đoạn 2015 – 2019.
Bức tranh kết quả kinh doanh năm 2020 của nhóm ngành này ghi nhận sự phân hóa. Một số công ty như CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) ghi nhận mức lợi nhuận tăng 17% so với năm trước đó, mức tăng tốt nhất đạt được trong vòng 4 năm. Hay CTCP Dược phẩm Traphaco (Mã: TRA) hay CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) cũng tăng trưởng lợi nhuận năm 2020.
Ngược lại, cũng có một số doanh nghiệp khác báo lãi sau thuế đi ngang, thậm chí sụt giảm lợi nhuận như CTCP Pymepharco (Mã: PME) hay CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar (Mã: MKP),...
Với kết quả kinh doanh như trên, nhiều công ty ngành dược phẩm vẫn duy trì mức cổ tức tiền mặt trên 10% như các năm trước, thậm chí có công ty còn dự định chia với tỷ lệ 80%. Dưới đây là danh sách những doanh nghiệp sắp trả cổ tức cho cổ đông năm 2020.
Trong số đó có thể kể đến CTCP Dược phẩm Trung Ương 3 (Mã: DP3) trả cổ tức đến 80% tiền mặt. Công ty này hằng năm cũng chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ khá cao, cụ thể năm 2019 tỷ lệ chia là 70%, năm 2018 là 80% và năm 2017 là 40% tiền mặt.
Việc duy trì được cổ tức tiền mặt ở mức cao một phần vì lợi nhuận sau thuế của công ty liên tục đi lên trong giai đoạn 2012 - 2020, tăng gấp 21,8 lần. Đỉnh điểm năm 2020 vừa qua, công ty dược này ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 38% so với năm trước đó, đạt 114 tỷ đồng và thực hiện 67% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Ngành dược nội địa bị đe dọa khi khối ngoại đẩy mạnh M&A
Báo cáo mới công bố tháng 5/2021 của Chứng khoán Phú Hưng nhận định, kênh ETC (phân phối thuốc qua kênh bệnh viện) sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của ngành này trong dài hạn. Dự báo của Fitch Solution cho thấy ngành dược Việt Nam sẽ tăng trưởng 8,7% trong năm nay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự tăng trưởng của kênh ETC sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tại Việt Nam bởi nếu dịch còn phức tạp, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân sẽ giảm đi vì sợ lây nhiễm từ bệnh viện.
Do đó, riêng trong năm 2021, kênh ETC có thể sẽ không tăng trưởng đột biến như dự báo trước đây do tâm lý sợ lây nhiễm từ bệnh viện.
Điều đó sẽ góp phần làm cho kênh OTC (kênh phân phối qua nhà thuốc) phát triển. Mặt khác giá thuốc OTC không bị ràng buộc về luật đấu thầu nên sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dược cạnh tranh, cải tiến R&D và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.
Ngoài ra, vấn đề đáng chú ý của ngành dược Việt Nam chính là xu hướng M&A trong dài hạn.
Nhìn lại những năm qua, Nghị định số 54 có hiệu lực từ năm 2017 quy định chi tiết không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trực tiếp tham gia phân phối thuốc ở Việt Nam, mà chỉ có quyền nhập khẩu hoặc phân phối mặt hàng thuốc mà doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất tại Việt Nam.
Quy định này là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài thúc đẩy hoạt động M&A trong ngành dược mạnh mẽ.
Năm 2020, nổi bật với thương vụ Stada Service Holding B.V và cả tổ chức có liên quan là CTCP Đầu tư Well Light đã nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Pymepharco (Mã: PME) trên 98% vào cuối năm 2020. Điều này gần như cho thấy PME đã bị thâu tóm toàn bộ bởi cổ đông ngoại và cổ phiếu PME có khả năng sẽ dừng niêm yết trên sàn HOSE.
Theo phân tích, nhờ các Hiệp định thương mại, nhiều hàng rào bị dỡ bỏ, doanh nghiệp dược nước ngoài có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất và phân phối tại thị trường Việt Nam.
Do đó, thuốc ngoại sẽ có ưu thế lớn nếu sản xuất trực tiếp tại thị trường Việt Nam khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ và thời gian bảo hộ sản phẩm thuốc độc quyền tăng lên. Điều này sẽ tạo một làn sóng M&A mạnh mẽ hơn với ngành dược trong thời gian tới, trích dẫn nhận định từ Chứng khoán Phú Hưng.