|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lịch họp năm 2024 của Fed: Diễn ra vào những ngày nào và dự kiến bao giờ hạ lãi suất?

07:00 | 05/03/2024
Chia sẻ
Sau cuộc họp tháng 1, Fed còn 7 cơ hội để cân nhắc hạ lãi suất trong năm nay.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh minh hoạ: Bankrate/Getty Images).

Còn 7 cuộc họp trong năm 2024

2022 có lẽ là năm khó quên nhất đối với các nhà đầu tư toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trượt dốc, riêng S&P 500 mất 19,4%. Đồng tiền ảo lớn nhất thế giới là bitcoin bị bán tháo trầm trọng.

Sau đó, 2023 đi vào lịch sử như một năm mất mát của ngành ngân hàng Mỹ. Chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, lần lượt ba ngân hàng khu vực lớn là Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank phải đặt dấu chấm hết cho chính mình.

Nhìn chung, các sự kiện nói trên đều có liên quan đến chiến dịch thắt chặt tiền tệ chưa từng có của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong hơn 40 năm qua, với mục đích là khống chế áp lực lạm phát.

Cũng vì có sức ảnh hưởng lớn như vậy, Fed luôn là tâm điểm của hệ thống tài chính toàn cầu. Lẽ dĩ nhiên, các cuộc họp của Fed cũng là sự kiện mà nhà đầu tư khắp nơi quan tâm. Mỗi quyết định của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hay mỗi bình luận của các quan chức đều được thị trường nghiền ngẫm.

 

Hàng năm, FOMC (cơ quan hoạch định chính sách của Fed) sẽ tổ chức 8 cuộc họp thường kỳ, cách nhau khoảng một tháng rưỡi. Tại đây, các thành viên FOMC sẽ đưa ra quyết định về lãi suất và cung tiền.

Cuộc họp đầu tiên của năm 2024 đã diễn ra vào ngày 30 - 31/1, cho nên Fed còn 7 cuộc họp khác trong năm nay. Cuộc họp tiếp theo dự kiến được tổ chức vào ngày 19 - 20/3 và cuộc họp cuối cùng sẽ diễn ra vào ngày 17 - 18/12.

Ngay sau cuộc họp, Chủ tịch Fed - hiện nay là ông Jerome Powell - sẽ tham gia họp báo để giải thích quyết định chính sách và giải đáp thắc mắc của truyền thông. Khoảng ba tuần sau đó, Fed sẽ tiết lộ biên bản cuộc họp, nêu chi tiết những nội dung mà các quan chức đã thảo luận.

Riêng trong các cuộc họp vào tháng 3, 6, 9 và 12, Fed còn công bố thêm dự báo về tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát,...

Trong một số trường hợp đặc biệt, Fed có thể tổ chức họp bất thường. Đơn cử, vào tháng 3 và 5/2020, Fed đã liên tiếp hạ lãi suất về gần 0 để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch. Đây chính là một phần nguyên nhân khiến lạm phát đi lên vào năm 2021.

Khi nào Fed giảm lãi suất?

Để ghìm cương lạm phát, Fed đã tăng lãi suất 11 lần trong giai đoạn từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023. Tại cuộc họp cuối cùng của năm 2023, ngân hàng trung ương này phát tín hiệu sẽ hạ lãi suất ít nhất ba lần trong năm 2024, mỗi lần 25 điểm cơ bản.

Ở cuộc họp đầu tiên của năm 2024, Fed đã giữ nguyên lãi suất chuẩn trong phạm vi 5,25 - 5,5%. Đây là mức cao nhất trong hơn 22 năm qua, như thể hiện ở biểu đồ thứ 4 trong bài viết.

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch Jerome Powell cho biết nhiều khả năng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất vào tháng 3 vì các quan chức cần có đủ tự tin về tốc độ hạ nhiệt của lạm phát.

Trong nhiều tuần qua, nhiều quan chức cũng nhấn mạnh rằng họ sẽ tập trung vào dữ liệu tương lai và muốn thấy thêm bằng chứng chứng tỏ lạm phát chắc chắn đang quay về mức mục tiêu 2%.

Lạm phát tính theo thước đo ưa thích của Fed là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (hay PCEPI lõi) vẫn đang trên mức 2%, cụ thể là 2,8% vào tháng 1. Vì vậy, giới chức Fed muốn hành động một cách thận trọng và chậm rãi.

 

Chưa kể, nền kinh tế vẫn đang hoạt động bền bỉ khi tăng trưởng 2,5% trong năm 2023, vượt con số 1,9% vào năm 2022. Đáng chú ý là tăng trưởng GDP của Mỹ đã vượt mức 2% trong 6 quý liên tiếp, bất chấp một số lo ngại về suy thoái.

Tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp trong lịch sử là 3,7%. Trong giai đoạn từ tháng 3/2022 đến 1/2024, trung bình doanh nghiệp Mỹ tạo thêm 297.000 việc làm mỗi tháng, cao hơn mức trước đại dịch.

Tuần trước, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston - bà Susan Collins và Chủ tịch chi nhánh New York - ông John Williams nhận định đợt giảm lãi suất đầu tiên có thể diễn ra vào “khoảng sau của năm 2024”. Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta - ông Raphael Bostic sẵn sàng giảm lãi suất vào mùa hè này.

Theo dự đoán của phần đông nhà kinh tế tham gia khảo sát mới nhất của Reuters, khả năng cao là Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 6. Thị trường tài chính có cùng nhận định sau khi lần lượt lùi dự báo từ tháng 3 sang tháng 5 và bây giờ là sang tháng 6.

 

Lãi suất quỹ liên bang là gì?

Fed yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cất 10% tiền gửi tại tài khoản của ngân hàng trung ương. Các ngân hàng sẽ cho nhau vay nhằm duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc đó.

FOMC sẽ ấn định lãi suất mà các ngân hàng thu được từ việc cho ngân hàng khác vay tiền - đây chính là lãi suất quỹ liên bang mà chúng ta hay nhắc đến. Tuỳ thuộc vào thực tế, các ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất mà họ thu từ khách hàng.

Lãi suất quỹ liên bang là chuẩn mực cho lãi suất của mọi khoản vay khác, từ lãi suất thẻ tín dụng, khoản vay thế chấp mua nhà, mua xe,...

Khi FOMC nâng phạm vi mục tiêu của lãi suất, chi phí đi vay của người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ đắt đỏ hơn. Đơn cử, lãi suất thẻ tín dụng đã tăng từ mức 16,3% vào tháng 3/2022 lên gần 21% vào tháng 1/2024.

Song, việc ủy ban tăng lãi suất sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và đẩy lạm phát xuống thấp hơn. Đây chính là những gì chúng ta đã thấy trong gần hai năm qua.

Ngược lại, khi FOMC hạ lãi suất, việc đi vay sẽ trở nên dễ dàng hơn nhưng cũng có thể kích thích lạm phát tăng trở lại. Các quan chức Fed tỏ ra thận trọng một phần là vì lý do này.

Chi phí đi vay liên ngân hàng tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong hơn 22 năm.

Những ai quyết định chính sách của Fed?

Như đã nói, FOMC là cơ quan chịu trách nhiệm hoạch định chính sách tiền tệ của Fed. Ủy ban này gồm 12 thành viên, trong đó có 7 người thuộc Hội đồng Thống đốc, Chủ tịch Fed chi nhánh New York và 4 trong 11 chủ tịch chi nhánh còn lại.

4 người sau cùng sẽ phục vụ nhiệm kỳ một năm trên cơ sở luân phiên. Các ghế luân phiên được chọn từ 4 nhóm ngân hàng khu vực, mỗi nhóm chọn 1 người: Boston, Philadelphia và Richmond; Cleveland và Chicago; Atlanta, St. Louis và Dallas; và Minneapolis, Kansas City và San Francisco.

Các chủ tịch Fed chi nhánh không thuộc FOMC không có quyền bỏ phiếu nhưng có thể tham dự các cuộc họp, tham gia thảo luận luận và đóng góp ý kiến về nền kinh tế và các lựa chọn chính sách.

Fed chi nhánh New York là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm thực hiện chính sách tiền tệ do FOMC ban hành, đồng thời đóng vai trò là đại diện của toàn bộ hệ thống Fed trên thị trường tiền tệ.

Fed chi nhánh New York còn là ngân hàng duy nhất của Bộ Tài chính Mỹ, nắm giữ lượng tiền gửi khổng lồ của Bộ Tài chính và cũng là nơi cất giữ kho vàng lớn nhất thế giới. Vì những vai trò quan trọng nói trên, Chủ tịch Fed chi nhánh New York luôn là Phó Chủ tịch FOMC.

 

Yên Khê

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.