|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khẩu vị đầu tư của SoftBank năm 2021: Startup bán lẻ và tiêu dùng lên ngôi

07:22 | 06/09/2021
Chia sẻ
Mặc dù tốc độ đầu tư và quy mô đầu tư có phần chững lại, SoftBank Group vẫn là một trong những nhà đầu tư startup năng động nhất hiện nay.

SoftBank Group, "ông lớn" Nhật Bản do ông Masayoshi Son dẫn dắt, thực hiện nhiều khoản đầu tư lớn vào các xu hướng tương lai.

SoftBank bắt đầu các hoạt động đầu tư từ năm 2017 khi nó ra mắt quỹ đầu tư công nghệ Vision Fund với quy mô lên tới 100 tỷ USD. Năm 2019, SoftBank tiếp tục giới thiệu quỹ đầu tư Latin American Fund với quy mô 5 tỷ USD và quỹ Vision Fund II quy mô gần 30 tỷ USD.

Năng lực tài chính giúp SoftBank trở thành đơn vị sở hữu các startup "kỳ lân" đầu tư nhiều thứ hai thế giới. Tuy nhiên, SoftBank cũng phải đối mặt với những hoài nghi lớn khi không ít startup mà nó thực hiện đầu tư lớn gặp khó khăn, ví dụ như WeWork hay Uber.

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020, SoftBank tiết lộ khoản lỗ gần 18 tỷ USD từ quỹ Vision Fund 1, trong đó có 10 tỷ USD đến từ các WeWork và Uber. Dù vậy, SoftBank vẫn có thể bù đắp được khoản lỗ này từ lợi nhuận ở các khoản đầu tư khác.

Một số khoản đầu tư lớn của SoftBank bắt đầu mang về "trái ngọt", ví dụ như "ông lớn" thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang với màn IPO trên đất Mỹ thành công ở định giá 56,6 tỷ USD. Mặc dù lỗ nặng trong năm tài chính 2020, lợi nhuận của SoftBank bật tăng trở lại lên mốc 46 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021.

Cho đến thời điểm hiện tại, trong năm 2021, SoftBank đang đầu tư vào một số lượng thương vụ kỷ lục. CB Insights dự đoán SoftBank có thể sẽ đầu tư vào 197 startup trong năm 2021, gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2019.

Săm soi danh mục đầu tư startup của 'ông lớn' SoftBank trong năm 2021: Phần lớn dành cho bán lẻ và tiêu dùng - Ảnh 1.

(Nguồn: CB Insights, Việt hoá: Thái Sơn).

Trong vài năm trở lại đây, CB Insights quan sát thấy xu hướng quy mô đầu tư trên mỗi thương vụ của SoftBank giảm dần. Dù vậy, SoftBank thực hiện đầu tư vào nhiều startup đầu tư lần đầu hơn để đa dạng hoá danh mục và mở rộng hệ sinh thái. Dưới đây là những khoản đầu tư mà SoftBank đã thực hiện trong năm 2021. 

Săm soi danh mục đầu tư startup của 'ông lớn' SoftBank trong năm 2021: Phần lớn dành cho bán lẻ và tiêu dùng - Ảnh 2.

(Nguồn: CB Insights, Việt hoá: Thái Sơn).

Săm soi danh mục đầu tư startup của 'ông lớn' SoftBank trong năm 2021: Phần lớn dành cho bán lẻ và tiêu dùng - Ảnh 3.

SoftBank đầu tư vào 35 công ty ở mảng bán lẻ và tiêu dùng trong năm 2021 tính đến thời điểm hiện tại. Như vậy, đây là mảng mà SoftBank quan tâm nhất trong năm nay với các lĩnh vực chủ chốt bao gồm:

Giao đồ ăn và hàng tươi sống

SoftBank tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào mảng giao đồ tiêu dùng để bổ sung vào các cổ phần hiện hữu trong Uber hay Didi Chuxing.

SoftBank đã tham gia đầu tư vào Gopuff, nền tảng cửa hàng tiện lợi theo yêu cầu, ở hai vòng trong năm nay, bao gồm 1,15 tỷ USD (vòng Series G vào tháng 3) và 1 tỷ USD (vòng Series H vào tháng 7). Gopuff mới đây cũng công bố hợp tác với Uber trong đó nó cho phép người dùng Uber có thể truy cập được dịch vụ của Gopuff tại Mỹ.

Một số công ty thuộc mảng này mà SoftBank cũng đầu tư có thể kể đến Swiggy (Ấn Độ), Rappi (Colombia), Dingdong Maicai (Trung Quốc, đã IPO hồi tháng 6), Oda (Na Uy) và Kitopi (UAE).

Thương mại điện tử

Trong quá khứ, những khoản đầu tư thành công nhất của SoftBank thường được dành cho lĩnh vực thương mại điện tử với những ví dụ điển hình như Alibaba (Trung Quốc) và Coupang (Hàn Quốc).

Năm nay, SoftBank đã đầu tư vào nền tảng đặt chỗ khách sạn Yanolja và nền tảng đồ gia đình MadeiraMadeira. Bên cạnh đó, SoftBank cũng "chống lưng" cho các công ty như Perch và GlobalBees. Hai startup này chuyên mua lại để tăng quy mô các nhà bán hàng trên Amazon và một số sàn thương mại điện tử khác.

Công nghệ sức khoẻ và thể chất

SoftBank đầu tư vào Gympass, một startup cung cấp các dịch vụ liên quan đến gym, trong nhiều vòng từ năm 2019. Gần đây, khi ngày càng có nhiều người phải ở nhà vì COVID-19, SoftBank quan tâm nhiều hơn đến các thương hiệu thể chất trực tuyến như Keep hay Tempo.

Công nghệ giáo dục (edtech)

SoftBank đầu tư vào khá nhiều startup edtech trong năm 2021, từ gia sư AI Riiid, nền tảng giáo dục trực tuyến Unacademy cho tới startup nâng cao năng lực nhân sự Go1.

Phần lớn các startup này đều đang nỗ lực số hoá các hoạt động liên quan đến giáo dục truyền thống.

Săm soi danh mục đầu tư startup của 'ông lớn' SoftBank trong năm 2021: Phần lớn dành cho bán lẻ và tiêu dùng - Ảnh 4.

Fintech là lĩnh vực đầu tư được SoftBank quan tâm thứ hai trong năm 2021 với 26 startup nhận được vốn đầu tư với các lĩnh vực chủ chốt bao gồm:

Dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp

Danh mục đầu tư fintech của SoftBank gồm nhiều startup cung cấp dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp. Ví dụ, Konfio cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng và cho vay. Human Interest mang đến cho doanh nghiệp các giải pháp tài khoản lương hưu dễ tiếp cận và minh bạch. Trong khi đó, Clearco chuyên cung cấp vốn tăng trưởng cho doanh nghiệp nhỏ.

Dịch vụ tài chính mã hoá và blockchain

Thương vụ đầu tư fintech lớn nhất của SoftBank trong năm 2021 dành cho sàn giao dịch tiền mã hoá FTX với quy mô đầu tư tới 900 triệu USD. SoftBank cũng hỗ trợ nhiều startup mã hoá khác như công ty đầu tư Hashdex, sàn giao dịch Mercado Bitcoin hay ví tài sản số O3 Labs.

Ngân hàng số

Mảng ngân hàng số ngày càng hấp dẫn hơn trong vài năm trở lại đây khi các mô hình ngân hàng bán lẻ thách thức (challengers bank) xuất hiện để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người dùng.

SoftBank tham giao vào vòng đầu tư gần nhất của Revolut để đưa định giá của nó lên mốc 33 tỷ USD. Bên cạnh đó, SoftBank cũng đầu tư vào ngân hàng bán lẻ thách thức Greenwood. Một số startup khác cũng nhận được vốn có thể kể đến ứng dụng quản lý tài chính M1 Finance, nhà cung cấp dịch vụ BaaS (banking-as-a-service) Zeta và ứng dụng chuyển tiền Afriex.

Săm soi danh mục đầu tư startup của 'ông lớn' SoftBank trong năm 2021: Phần lớn dành cho bán lẻ và tiêu dùng - Ảnh 5.

Năm 2021, SoftBank đầu tư 23 công ty ở mảng doanh nghiệp, trong đó có các công ty cung cấp dịch vụ IT, điện toán đám mây, bảo mật, nhân sự, phát triển và các giải pháp phần mềm doanh nghiệp nói chung.

Nhiều startup nhận vốn đầu tư của SoftBank hướng tới cải thiện hoạt động của doanh nghiệp thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Ví dụ như SambaNova Systems chuyên phát triển phần mềm và phần cứng AI ứng dụng vào hoạt động doanh nghiệp hay AInnovation chuyên cung cấp các giải pháp AI ở mảng bán lẻ, tài chính và sản xuất.

SoftBank cũng đầu tư vào các công ty an ninh, bảo mật như Cybereason hay Lumu.

Săm soi danh mục đầu tư startup của 'ông lớn' SoftBank trong năm 2021: Phần lớn dành cho bán lẻ và tiêu dùng - Ảnh 6.

16 startup chăm sóc sức khoẻ đã nhận được đầu tư của SoftBank.

Một lĩnh vực mà SoftBank quan tâm là khám phá dược phẩm. Các công ty nhưu Insitro, Deep Genomics và Exscientia dùng AI để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển thuốc. Bên cạnh đó, SoftBank cũng đầu tư vào startup robot phẫu thuật CMR Surgical.

Ngoài các lĩnh vực nói trên, SoftBank còn đầu tư vào khá nhiều startup lĩnh vực khác song với quy mô nhỏ hơn, có thể kể đến công nghiệp và sản xuất, xe, chuỗi cung ứng – logistisc hay truyền thông, giải trí.

Nam Khánh