[Infographic] Chỉ mất trung bình 2,5 năm để một kỳ lân trở thành siêu kỳ lân định giá 10 tỷ USD, phần lớn nằm ở lĩnh vực fintech
Hiện tại, các startup "kỳ lân" mất khoảng trung bình 7 năm để đạt định giá 1 tỷ USD. Đối với một số ít startup, chỉ khoảng 0,000125% startup toàn cầu, việc đạt từ định giá 1 tỷ USD lên tới 10 tỷ USD (còn gọi là "decacorn") chỉ mất trung bình 2,5 năm. Dưới đây là danh sách 33 startup "decacorn" ở thời điểm hiện tại.
Theo thống kê của Tech in Asia, 46% trong tổng số 33 startup "decacorn" có trụ sở tại Mỹ, trong khi đó startup ở Trung Quốc chỉ chiếm hơn 23%. Phần lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). Thực tế, trong vòng 7 năm trở lại đây, đầu tư vào các startup fintech đang tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên tới 59,2%, chỉ từ 4 tỷ USD trong năm 2013 lên tới 105 tỷ USD vào năm 2020.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã dẫn đến sự ra đời của hàng loạt challenger bank (mô hình ngân hàng bán lẻ thách thức) đồng thời thay đổi nhiều khía cạnh của ngành tài chính. Kể từ thời điểm đó, các nhà đầu tư cũng tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến các startup fintech, cùng với các xu hướng mới như "mua trước, trả sau" (BNPL).
Mặc dù Trung Quốc có ít startup "decacorn" hơn Mỹ nhưng các startup "decacorn" Trung Quốc đang xuất hiện với tốc độ nhanh hơn. Vì dụ, các startup Trung Quốc như Shein hay Yuanfudao chỉ mấy 1,4 năm để có định giá 10 tỷ USD từ định giá 1 tỷ USD. Ở Mỹ, khoảng thời gian này trung bình là 2,4 năm.
Với một số startup, quá trình từ "kỳ lân" thành "decacorn" mất nhiều thời gian hơn trung bình: công ty thanh toán Thuỵ Điển Klarna và nhà sản xuất đồ thể thao Mỹ Fanatics cần 9 năm để đạt được cột mốc 10 tỷ USD.
Trong khi đó, công ty thiết kế chip và phần mềm Trung Quốc Bitman Technologies đạt được cột mốc chỉ sau 1 năm. Cú tăng vọt giá trị trong năm 2018 của công ty này có thể một phần giải thích bởi sự tự tin của các nhà đầu tư sau cơn bùng nổ tiền mã hoá vào năm 2017. Có thời điểm lợi nhuận ròng của Bitman tăng 700% so với cùng kỳ năm trước.
Trong danh sách của Tech in Asia, SpaceX của tỷ phú Elon Musk là startup đầu tiên đạt được cột mốc "decacorn" trong năm 2017. SpaceX đạt định giá 10 tỷ USD sau 15 năm. Điều này cũng khá dễ hiểu vì việc thiết kế và tạo ra tên lửa tái sử dụng là điều không dễ đạt được.
Mặc dù có khá nhiều startup đã đạt được định giá 10 tỷ USD, không có một con đường cố định nào để các startup có thể đạt đến cột mốc này.
Nhà phát hành game Epic Games là công ty "lâu đời" nhất gia nhập câu lạc bộ "decacorn". Được thành lập vào năm 1992, Epic Games mất tới 25 năm để trở thành một "unicorn" và một "decacorn" trong cùng một năm. Các nhà phân tích nói rằng định giá 15 tỷ USD mà Epic Games đạt được là do phần mềm độc quyền Unreal Engine. Đây là phần mềm mà các nhà phát triển có thể sử dụng để phát triển trò chơi của riêng mình.
Quan sát dữ liệu cũng cho thấy các công ty trẻ tuổi hơn thường đạt được cột mốc "decacorn" sớm hơn. Phần lớn các công ty nằm trong nhóm định giá 10 tỷ USD đều được thành lập vào cuối những năm 2000 hoặc những năm 2010.
Startup trong danh sách của Tech in Asia trung bình cần 2,4 năm để phát triển từ "unicorn" thành "decacorn". Nhanh hơn gấp 3 lần khoảng thời gian gần 8 năm trung bình mà chúng cần để trở thành một "unicorn".
Một lý do cho điều này có thể là bởi các startup trước khi thành "kỳ lân" thường vẫn đang vật lộn với việc tìm kiếm một sản phẩm thực sự phù hợp với thị trường. Trong khi đó, ngược lại, ở giai đoạn sau khi thành "kỳ lân", các startup tập trung nhiều hơn và tăng trưởng và tận dụng các nguồn lực hiện có", ông Chia Jeng Yang, giám đốc Saison Capital, nói.
Vinnie Lauria, đối tác điều hành quỹ Golden Gate Ventures, đồng ý với quan điểm này. "Ở thời điểm startup đã thành "kỳ lân", họ đã chứng minh được mình là một cỗ máy có khả năng, rủi ro thấp và có thể là một người dẫn đầu thị trường", ông nhìn nhận.
Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư giai đoạn sau cũng có nhiều tiềm lực về tài chính để đầu tư hơn các quỹ đầu tư tập trung vào giai đoạn sớm.
Thế giới đang ghi nhận sự tăng vọt về số lượng startup "unicorn". Nếu như vào năm 2010, thế giới chỉ có duy nhất 1 startup "kỳ lân" thì đến năm 2020, con số này là 496. Trong nửa đầu năm nay, số lượng startup "kỳ lân" thậm chí tăng thêm 150%.
Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đối với số lượng "unicorn" đạt 72,1%. Con số này của startup "decacorn" đạt 44,8%. Điều này có nghĩa là không phải "kỳ lân" nào cũng có thể hoàn thành thanh vọng trở thành "decacorn" của mình.
Bên cạnh đó, cũng có thể dễ dàng quan sát thấy phần lớn các startup "kỳ lân" hiện có trụ sở tại Mỹ hoặc Trung Quốc. Lượng vốn đổ vào các startup Trung Quốc và Mỹ cũng vượt trội hơn các khu vực còn lại.