Hé lộ những con số lợi nhuận quý III: Có doanh nghiệp đã vượt chỉ tiêu năm
Ngày kết thúc kỳ kế toán sắp tới, một số công ty đã hé lộ kết quả kinh doanh quý III/2021 với những gam màu sáng, tối khác nhau. Trong đó, quý III được đánh giá là quý có nhiều thử thách nhất từ đầu năm đến nay đối với các doanh nghiệp do những biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh COIVD-19 lây lan, đặc biệt là ở các tỉnh thành phía Nam.
Công ty trong ngành dầu khí đầu tiên công bố ước tính kết quả kinh quý III là Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) với doanh thu đạt khoảng 1.849 tỷ đồng, không nhiều thay đối với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế 92 tỷ đồng, giảm 58%.
Cụ thể, trong tháng 7, doanh nghiệp ghi nhận lỗ trước thuế khoảng 59 tỷ đồng do các khó khăn từ biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên đến tháng 8, PVTrans bất ngờ báo lãi trước thuế 121 tỷ đồng và 30 tỷ đồng trong tháng 9.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của PVTrans ước đạt 5.430 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 650,8 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 2% và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả này, PVTrans đã thực hiện được 91% kế hoạch doanh thu và vượt 30% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm. Cần lưu ý, trước đó công ty đã vượt 12% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm chỉ sau 6 tháng.
Theo chủ trương, PVTrans sẽ dự kiến đầu tư thêm 15 tàu để tiếp tục sở hữu đội tàu vận tải hàng lỏng lớn nhất Việt Nam với tổng trọng tải của đội tàu lên hơn 1 triệu tấn DWT, trong đó 80% đội tàu đang hoạt động tại thị trường quốc tế.
Thông tin này cũng đã phần nào giúp cổ phiếu PVTrans tăng trưởng từ khoảng trung tuần tháng 7 đến giữa tháng 9 lên vùng 25.000 đồng/cp.
Trường hợp của CTCP Vicostone (Mã: VCS) - top 3 nhà sản xuất đá thạch anh cao cấp thế giới ghi nhận kết quả kinh doanh quý III đi lên cả về doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, doanh thu thuần quý III ước đạt 1.858,6 tỷ đồng, tăng gần 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế ước tăng 22% lên 574,6 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm Vicostone ghi nhận 5.200 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 1.540 tỷ đồng lãi trước thuế. So với kế hoạch năm, doanh nghiệp ước thực hiện khoảng 76,5% chỉ tiêu doanh thu và 80% mục tiêu lợi nhuận.
Vicostone cho biết công ty cũng gặp phải những thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi áp dụng mô hình sản xuất "ba tại chỗ" và kết hợp làm việc online.
Tuy nhiên, nhờ chiến lược nội địa hóa và tự chủ nguồn nguyên vật liệu chính như cristobalite, quartz và resin trong sản xuất đá thạch anh nhân tạo, Vicostone đã phần nào giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu, rủi ro về biến động tỷ giá, tối ưu về giá thành... từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cùng ngành đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của việc đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đại diện công ty cũng cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong quý IV để hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra trong năm nay.
Trong mùa dịch, các doanh nghiệp dược phẩm được dự đoán là một trong số ít ngành hưởng lợi. Cập nhật kết quả kinh doanh từ CTCP Traphaco (Mã: TRA), nhóm phân tích Chứng khoán Rồng Việt cho biết doanh thu ước tính quý III đạt 560 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng, tăng 37%.
Sau 9 tháng, Traphaco dự kiến thực hiện 75% kế hoạch doanh thu và 81% mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm.
Đối với CTCP Nafoods Group (Mã: NAF) - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm nước ép trái cây, rau củ quả đông lạnh, cây giống chanh leo và trái cây tươi cũng công bố kết quả kinh doanh tích cực so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu toàn hệ thống trong quý III ước đạt 412 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng khoảng 20,5 tỷ đồng, tăng 52%.
Trong quý, châu Âu vẫn là thị trường chủ lực, đóng góp lớn nhất vào kết quả doanh thu của công ty. Nhóm các sản phẩm công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng khả quan, với các sản phẩm chủ lực từ chanh leo, thanh long, xoài, dứa…
Trong khi đó, các sản phẩm sấy và hạt dinh dưỡng đã chính thức thâm nhập vào kênh siêu thị tại thị trường Nga, dự kiến mang lại mức doanh số cao và ổn định cho công ty trong thời gian tới. Đáng chú ý, mảng kinh doanh cây giống đã hoàn thành kế hoạch cả năm sau 8 tháng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Nafoods Group ước đạt 1.207 tỷ đồng, lợi nhuận ròng ước đạt 60,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 31% và tăng 19% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp đã thực hiện khoảng 80% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm sau ba quý.
Ban lãnh đạo cho biết, Nafoods tự tin hoàn thành đạt và vượt tối thiểu 10% mục tiêu doanh thu, lợi nhuận năm như đã công bố.
Bệnh viện duy nhất niêm yết trên sàn là Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (Mã: TNH) cũng có kết quả kinh doanh quý III khả quan với doanh thu thuần đạt 123 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Bệnh viện này lãi sau thuế 60 tỷ đồng, tăng 80% so với quý 3/2020.
Lũy kế 9 tháng, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đem về doanh thu 308 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 31% và 37% so với cùng kỳ. So với kế hoạch năm, bệnh viện đã thực hiện được 73% chỉ tiêu doanh thu và 79% mục tiêu lợi nhuận.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, kết quả kinh doanh quý III của CTCP Chăn nuôi Phú Sơn (Mã: PSL) lại có chiều hướng kém khả quan với tổng doanh thu đạt 26,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ hơn 1 tỷ đồng.
Công ty cho biết hoạt động chăn nuôi heo trong quý gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, việc vận chuyển tiêu thụ gặp khó khăn, giá cả tiêu thụ heo thịt, heo giống giảm mạnh, chi phí đầu vào (thức ăn chăn nuôi) tăng cao. Cùng với đó là một số chi phí phát sinh thêm đề phòng dịch.
Tính chung 9 tháng, doanh thu của doanh nghiệp nuôi heo này ước đạt 101 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 31,3 tỷ đồng, song đã thực hiện được 99,5% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm. Lưu ý là trước đó Chăn nuôi Phú Sơn đã đạt được hơn 96% chỉ tiêu lợi nhuận năm sau 6 tháng.
Qua quý IV, với nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh chăn nuôi heo vẫn tiếp tục gặp khó, giá cả tiêu thụ heo thịt, heo giống vẫn ở mức thấp, giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa có vẫn neo ở mức cao nên mục tiêu còn thấp hơn với doanh thu 17,5 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 732 triệu đồng. Lượng heo thịt dự kiến tiêu thụ khoảng 155 tấn, bằng 35% so với quý III, heo giống mục tiêu đạt 54 tấn, tăng 73%.