Được thông qua phương án huy động 22.000 tỷ sẽ giúp Vietnam Airlines giải những bài toán gì?
Cuối tuần qua, Quốc hội đồng ý thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN).
Trong đó, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 1, cho phép Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua khi Vietnam Airlines thực hiện phương án tăng vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2, chấp thuận về chủ trương, giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện phương án (gồm phương án Nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp) với quy mô phát hành tối đa 13.000 tỷ đồng.
Hiện, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước là cổ đông lớn nhất, nắm 55,2% vốn của Vietnam Airlines. Tiếp đó là SCIC với 31,14% vốn. 5,62% vốn nằm trong tay cổ đông chiến lược Ana Holdings của Nhật.
Ngoài ra, nghị quyết cũng cho phép CTCP Hàng không Pacific Airlines - công ty con của Vietnam Airlines, được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền, còn nợ đến ngày 31/12.
Pacific Airlines có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền thuế còn nợ (nợ gốc) trước ngày 31/12. Sau thời hạn trên, cơ quan thuế thực hiện tính tiền chậm nộp, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định.
22.000 tỷ sẽ giúp Vietnam Airlines những gì?
Trong nhiều năm qua, doanh nghiệp liên tục nhấn mạnh khả năng hoạt động liên tục của hãng bay này sẽ phụ thuộc vào việc thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp, bên cho thuê cũng như trợ lực lớn từ đề án tái cơ cấu vừa được thông qua.
Khắc phục tình trạng âm vốn chủ
Tại ngày 30/9, vốn lưu động của hãng bay âm 40.900 tỷ đồng. Do liên tục lỗ lớn khiến Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 35.226 tỷ đồng tính tới hết quý III, vốn chủ sở hữu âm 11.087 tỷ đồng.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận các chỉ tiêu hoạt động tài chính của hãng bay chưa trở lại ngưỡng an toàn mà tiếp tục trạng thái xấu với mức đánh giá xếp hạng rủi ro cao. Điều này làm hạn chế khả năng tiếp cận với các nguồn lực kinh tế - xã hội nhằm tăng cường năng lực tài chính cho doanh nghiệp.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines kỳ vọng đến năm 2025 có thể xóa bỏ được tình trạng âm vốn chủ sở hữu, dần xóa lỗ lũy kế.
Thực tế, hãng bay này đã có lãi ba quý liên tiếp sau 4 năm liên tục thua lỗ giúp lỗ luỹ kế tại ngày 30/9 giảm hơn 5.800 tỷ đồng so với đầu năm. Qua đó giúp vốn chủ tăng thêm hơn 5.900 tỷ so với đầu năm.
Hãng đã khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết các đường bay quốc tế và với sự phục hồi của khách quốc tế dự báo doanh nghiệp sẽ tiếp tục là động lực trong tăng trưởng kinh doanh các quý tiếp theo.
Với việc được thông qua chào bán cổ phiếu sẽ giúp Vietnam Airlines tăng vốn điều lệ và giảm lỗ luỹ kế là hai trợ lực giúp hãng bay nhanh chóng xoá tình trạng âm vốn chủ. Song để khắc phục lỗ luỹ kế vẫn còn là mục tiêu dài hơi.
Phương án phát hành cổ phiếu cũng sẽ giúp công ty bổ sung dòng tiền hoạt động, đảm bảo vốn dài hạn trong thời gian tới và tiết kiệm chi phí khi không phải đi vay thêm.
Ngoài ra, theo báo cáo soát xét bán niên, tính tới cuối quý II, Vietnam Airlines có khoản nợ quá hạn 13.351 tỷ đồng.
Tổng dư nợ vay tính tới cuối quý III của hãng hàng không này là 22.127 tỷ, chiếm 39% tổng nguồn vốn và giảm quý thứ 4 liên tiếp. Trong đó khoản vay dài hạn là 7.126 tỷ.
Dù không thuyết minh chi tiết song theo báo cáo kiểm toán bán niên, Vietnam Airlines vay nợ cả bằng VND và USD. Chi phí lãi vay 9 tháng của doanh nghiệp là 1.035 tỷ đồng.
Hãng và đang đàm phán với các ngân hàng để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh. Tới 30/6, tổng hạn mức tín dụng mà doanh nghiệp và các công ty con đã ký với các ngân hàng thương mại là 29.800 tỷ. Ngoài ra Vietnam Airlines còn có nguồn vốn vay tái cấp vốn 4.000 tỷ từ SeABank, MSB, SHB.
Với các khoản vay dài hạn và nợ thuê tài chính, hãng cũng đã đàm phán thành công với một số chủ nợ để cơ cấu lại lịch thanh toán các khoản vay dài hạn và nợ thuê tài chính đến hạn trả.
Vietnam Airlines đã và đang tiếp tục đàm phán giảm giá, giãn hoãn tiến độ thanh toán với các đổi tác, trong đó nhiều đối tác đã đồng ý giảm giá (đối với chi phí thuê tàu bay và bảo chuyển) hoặc giăn, hoãn lịch thanh toán (đối với chỉ phí thuê tàu bay, quản lý bay, các dịch vụ chuyến bay).
Giải quyết bài toán tài chính cũng sẽ giúp hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN quay trở lại trạng thái giao dịch bình thường. Hiện HVN đang nằm trong diện bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch phiên chiều).
HVN là cổ phiếu được hưởng "cơ chế đặc biệt" khi vẫn chưa bị huỷ niêm yết HOSE dù lỗ luỹ kế ba năm liên tiếp và âm vốn chủ.
Bổ sung đội tàu bay
Giữa tháng 11, thông tin từ Reuters cho biết Vietnam Airlines cũng vừa gửi đề xuất cho các nhà sản xuất để mua thêm 50 máy bay thân hẹp trong năm tới. Năm ngoái, hãng hàng không này đã ký thỏa thuận tạm thời với Boeing để mua 50 máy bay 737 MAX nhưng thương vụ vẫn chưa hoàn tất.
Theo dữ liệu trên trang Planespotters, Vietnam Airlines hiện đang khai thác 93 tàu bay với tuổi thọ bình quân 9,4 năm với 16 chiếc Boeing 787 Dreamliner, còn lại là dòng Airbus (A321, A350 XWB, A320). Thông tin từ báo cáo thường niên, tính tới cuối năm ngoái, Vietnam Airlines sở hữu 49 chiếc tàu bay, còn lại là đi thuê.
Theo kế hoạch phát triển đội tàu bay, tới 2030, hãng sẽ nâng tổng số tàu bay lên 109 - 129 chiếc.
Việc bổ sung thêm nguồn vốn từ chào bán cổ phiếu sẽ giúp Vietnam Airlines có thêm nguồn lực để gia tăng lượng tàu bay, đáp ứng nhu cầu thị trường.