|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp thủy sản đổi chiến thuật ‘đánh bắt gần bờ’ trước nguy cơ suy thoái kinh tế

07:00 | 23/01/2023
Chia sẻ
Sau con số xuất khẩu kỷ lục hơn 10 tỷ USD, sóng gió với ngành thuỷ sản vẫn đang tiếp diễn. Nhiều doanh nghiệp có xu hướng tăng giao thương với các thị trường gần để giảm tác động của suy thoái kinh tế. Các chuyên gia dự báo khó khăn sẽ kéo dài đến hết quý I/2023.

Vui đầu năm, buồn cuối năm 

2022 được coi là năm thăng hoa của ngành thủy sản khi mới 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đã vượt mốc 10 tỷ USD, con số kỷ lục sau hơn 20 năm ngành thủy sản tham gia vào thị trường quốc tế. 

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đây là kết quả của sự tăng trưởng mạnh ba quý đầu năm, nhu cầu thị trường dồi dào, giá xuất khẩu tăng, nguồn nguyên liệu đủ cung ứng cho đơn hàng.

Tuy nhiên, sóng gió với ngành vẫn đang tiếp diễn khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa. Ngay từ đầu quý IV/2022, xuất khẩu thủy sản đã chững lại, đặc biệt ở những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh do tác động của lạm phát, biến động tỷ giá và thiếu hụt nguyên liệu.

Ông Lê Bảo Toàn, Giám đốc tài chính Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú - Hậu Giang, cho biết vài tháng gần đây, lượng đơn hàng thủy sản xuất khẩu đi các thị trường sụt giảm hẳn so với cùng kỳ năm 2021.

Đơn hàng giảm, lãi suất tăng cao, chênh lệch tỷ giá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Lãi suất khoản vay USD của công ty đã tăng lên 4%/năm trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ ở 1,6-1,8%/năm. Mặc dù vẫn có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu nhưng công ty vẫn đang lỗ tỷ giá. 

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Minh Phú Hậu Giang đang tập trung sản xuất mặt hàng giá trị gia tăng, giao hàng nhanh chóng để nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp. 

Thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm, ông Lê Bảo Toàn cho biết lợi nhuận của Minh Phú - Hậu Giang đạt hơn 460 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ năm 2021 và vượt kế hoạch hội đồng quản trị đề ra.

Doanh nghiệp khát vốn, thiếu đơn hàng không phải là câu chuyện riêng của Minh Phú - Hậu Giang. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, cho biết thị trường im ắng hơn năm trước do lạm phát và cạnh tranh tôm giá rẻ từ một số nước mà cụ thể là Ecuador.

Giai đoạn 2020 – 2022, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu tôm của Ecuador tăng trưởng 50%, tức 3 tỷ USD năm 2020, 5 tỷ USD năm 2021 và dự kiến hơn 7 tỷ USD cho năm 2022. Hiện, tôm Ecuador đang chiếm 70% thị phần ở Trung Quốc, 18% ở Mỹ và đứng đầu ở Tây Âu.

“Năm 2016, Ecuador đứng vị trí thứ 6 thế giới về tôm nuôi. Song đến năm 2021, quốc gia này đã vươn lên vị trí dẫn đầu. Điều đáng nói, tốc độ phát triển của ngành tôm Ecuador cực kỳ nhanh, sản lượng tăng nhưng không bị tồn kho. Họ tiêu thụ được hết nhờ giá thành sản phẩm rất thấp”, ông Lực dẫn chứng.

Doanh nghiệp đổi chiến thuật “đánh bắt gần bờ”

Trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ và EU đạt đỉnh, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản buộc phải có các chiến thuật thị trường ngắn hạn để duy trì sản xuất và hạn chế tối đa những bất lợi cho doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp đã chủ động giảm tỷ trọng xuất khẩu vào những thị trường xa và có sự cạnh tranh lớn như Mỹ, EU,… để tập trung vào thị trường gần, như Nhật, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc,… nhằm giảm chi phí vận chuyển và áp lực.

Theo ông Hồ Quốc Lực, ở thời điểm khó khăn này, các doanh nghiệp phải tính toán, đánh giá lại sách lược thị trường. 

Cụ thể, Mỹ đang nhập khẩu khoảng 30% sản lượng tôm Việt Nam, đây là thị trường quan trọng, không thể bỏ song lại có tính cạnh tranh cao. Do vậy, ông Lực cho rằng doanh nghiệp tôm Việt cần nỗ lực thâm nhập vào hệ thống cao cấp mà các đối thủ chưa vào được.

Mặt khác trong một số diễn biến thị trường kém khả quan, các sản phẩm chế biến sâu cũng có biến động giá nhưng sẽ không trượt dốc so với các sản phẩm cấp thấp.

Còn với các thị trường Tây Âu, ông Lực khuyến nghị doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm theo phân khúc cao cấp, cùng với đó chuyển đổi diện tích nuôi tôm ASC để gia tăng thị phần.

Quay trở lại với các thị trường có vị trí địa lý gần với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, ông Lực thông tin họ nhập sản phẩm chế biến sâu, cao cấp, điều này rất phù hợp với lợi thế của doanh nghiệp Việt. Mặt khác, doanh nghiệp cũng giảm áp lực về chi phí vận chuyển so với các tuyến Mỹ, EU,…

“Có thể nói, Nhật Bản và Hàn Quốc là thị trường sân nhà của doanh nghiệp Việt. Nhật là thị trường thứ 2 - 3, Hàn Quốc là thị trường thứ 5, Australia là thị trường thứ 7, dần dần chúng ta phải thâm nhập”, Chủ tịch Sao Ta nói.

 

Thực tế, Mỹ và EU vẫn được xác định là hai thị trường lớn và “không thể bỏ” của thủy sản Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp vẫn chú trọng việc duy trì thị phần nhất định ở hai thị trường này. Song song với đó, các doanh nghiệp cũng quan tâm mở rộng các thị trường ngách tiềm năng và ít cạnh tranh hơn.

Tại Đại hội Đồng cổ đông 2022 hồi tháng 5, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch CTCP Thủy sản Minh Phú, từng cho biết định hướng của Minh Phú là sẽ giảm tỷ trọng ở thị trường Mỹ, ngay cả khi thuế chống bán phá giá được giảm về 0%.

“Thuế giảm có mấy phần trăm nhưng chi phí xuất khẩu sang Mỹ lại tăng nhiều lần. Khi kinh doanh, chúng ta cần làm vì lợi nhuận, do đó việc bán hàng sang Mỹ lợi nhuận không cao, pháp lý phức tạp thì có nên bán hàng vào đó hay không?”, ông Quang đặt vấn đề.

 

Thị trường Australia là được cho là một trong những phương án doanh nghiệp này hướng đến để lấp đầy khoảng trống ở Mỹ. Theo dữ liệu từ VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia trong 9 tháng đầu năm nay liên tục tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 6% và đứng thứ 5 trong top thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.

Trong đó, “vua tôm” Minh Phú và công ty con Minh Phú Hậu Giang là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn thứ 2 và 3 sang thị trường Australia, lần lượt chiếm tỷ trọng 15,5% và 14,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm sang Australia trong 9 tháng đầu năm.

Cơ hội của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ở thị trường này càng lớn khi Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia vừa đưa ra cơ chế dành ưu đãi cho hàng hóa là thực vật nhập khẩu được hưởng tỷ lệ kiểm tra an toàn sinh học ít hơn.

 “Cùng với trợ lực từ các Hiệp định RCEP, CPTPP, việc quy định nới lỏng quy định này được kỳ vọng sẽ giúp cho xuất khẩu tôm chế biến từ Việt Nam sang Australia từ nay đến cuối năm tăng trưởng tốt hơn”, VASEP nhận định.

 

So với ngành tôm, cá tra được cho là ít chịu ảnh hưởng hơn, song trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu yếu, các doanh nghiệp cá tra lớn như CTCP Vĩnh Hoàn cũng phải thích nghi với thời cuộc.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh tháng 10/2022, Vĩnh Hoàn cho biết doanh thu đạt 1.014 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 11% so với tháng 9. Trong đó, mảng cá tra tăng nhẹ 1% lên 601 tỷ đồng và đóng góp 59% vào tổng doanh thu xuất khẩu. 

Xét theo thị trường xuất khẩu, Mỹ và Trung Quốc, hai thị trường chính của Vĩnh Hoàn, ghi nhận doanh thu giảm lần lượt 13% và 43% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thị trường châu Âu và các nước khác tăng trưởng 72% và 161%. Thị trường nội địa cũng báo doanh thu đi lên, tăng 156%.

Sóng gió sẽ qua đi, doanh nghiệp cần lên dây cót cho giai đoạn phục hồi

Bình luận về chiến thuật của “đánh bắt gần bờ” của doanh nghiệp trong thời điểm này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho rằng các doanh nghiệp lớn có thể linh hoạt tỷ trọng các thị trường xuất khẩu do có quan hệ làm ăn, uy tín nhiều năm nhưng đây có thể chỉ là giải pháp ngắn hạn của các công ty. 

Bởi việc thay đổi, mở rộng một thị trường xuất khẩu mới là chiến lược dài hạn, không thể ngày một ngày hai, doanh nghiệp cần nhiều thời gian để nắm bắt các quy định của nhà nhập khẩu, đàm phán, giao dịch,…

Sức mua yếu là vấn đề khó khăn chung của hầu hết thị trường. Thời điểm này, doanh nghiệp linh hoạt các thị trường để làm sao duy trì tốc độ tăng trưởng, còn kỳ vọng cao hơn sẽ khó.

Do vậy, ông Hòe cho rằng doanh nghiệp nên duy trì thị phần các thị trường trọng điểm bởi khi nhu cầu tiêu thụ phục hồi, sức bật doanh thu sẽ rất lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm và mở rộng thêm các thị trường ngách, chiến lược xây dựng từ yếu tố sở trường, tiềm lực và đặc điểm nhà nhập khẩu.

Bức tranh ngành thủy sản nửa đầu năm 2023 được dự báo có nhiều gam màu tối, nhưng sóng gió nào cũng sẽ qua đi và cơ hội sẽ lại đến. 

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng đỉnh điểm khó khăn của các ngành sản xuất, xuất khẩu thủy sản trong khoảng thời gian quý IV/2022 đến quý I/2023. Riêng ở thị trường Mỹ, chuyên gia cho rằng lạm phát có thể đạt đỉnh vào tháng 6/2023, sau đó tình hình sẽ dịu đi. 

“Ngành thủy sản năm 2023 sẽ phát triển theo xu hướng trái ngược với năm 2022 là sẽ tăng trưởng chậm vào đầu năm và khởi sắc vào thời điểm cuối năm. Tăng trưởng của ngành được dự báo rất lạc quan không thua năm 2022, trong đó Mỹ vẫn là thị trường mạnh số một”, TS. Đinh Thế Hiển nhận định.

Còn theo ông Trương Ðình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam được đánh giá là khá tốt. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp phải tiếp tục cầm cự và nắm bắt các cơ hội trong thời gian tới.

"Thị trường không thể xuống mãi được mà cũng phải có lúc lên. Nhiều người hy vọng là cuối quý I/2023 thị trường sẽ hồi phục. Nếu thực tế tình hình kinh tế thế giới tiến triển đúng như kỳ vọng, nhu cầu tiêu thụ thủy sản đi lên thì chúng ta sẽ sớm vượt qua khó khăn trong năm 2023. Do vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt cho hoạt động sản xuất của mình để sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi”, ông Hòe nhấn mạnh.

Trích Đặc san "Doanh nhân Việt Nam - Xuân Quý Mão"- Số tháng 1/2023 Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam.

Phạm Mơ