Doanh nghiệp bia trở lại đường đua hậu COVID-19
Thị trường bia sôi động ở Việt Nam
Quý III/2022, nhiều doanh nghiệp ngành bia ghi nhận những tín hiệu tích cực về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ. Vì quý III năm 2021 là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhiều tỉnh thành trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội.
Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, các ngành nghề, trong đó có ngành bia đều nhanh chóng trở lại sản xuất, kinh doanh. Song, mức độ cạnh tranh, phân hoá giữa các doanh nghiệp bia ngày càng rõ nét.
Thị trường bia Việt Nam được thống trị bởi nhóm 4 hãng lớn là Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco. Theo nghiên cứu của MB Securities, năm 2021, 4 hãng này chiếm tới 94,4% thị phần ngành bia Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Heineken với 44,4% thị phần, Sabeco xếp ở vị trí thứ hai với 33,9%.
Từng hãng sẽ hoạt động theo các vùng miền khác nhau: Sabeco có thị trường chủ lực ở phía Nam; Habeco là phía Bắc còn Carlsberg chiếm ưu thế ở miền Trung do nhà máy sản xuất bia của công ty nằm tại Huế.
Heineken ban đầu chiếm ưu thế ở thị trường miền Nam với phân khúc cao cấp, cận cao cấp, dần dần đã mở rộng mạng lưới phân phối đến khắp tất cả tỉnh thành, tập trung ở các thành phố lớn và hướng tới người dùng trẻ, năng động.
Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp tăng bằng lần quý III
Theo thống kê kết quả kinh doanh của 13 doanh nghiệp trên sàn đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. 8 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng, hai công ty có lợi nhuận đi lùi và 3 doanh nghiệp báo lỗ quý III.
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.635 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 1.395 tỷ đồng trong quý III/2022, tăng lần lượt 102%, 196% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 27% lên 31%.
Doanh nghiệp cho rằng, doanh thu cao hơn năm ngoái khi cả nước đã thoát khỏi tình trạng đóng cửa và nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Vì cùng kỳ năm ngoái, thời gian này một số tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là TP HCM bị phong toả từ cuối tháng tháng 7 đến đầu tháng 10.
Theo SSI Research, doanh thu bán bia của Sabeco tăng do mở lại các kênh tiêu dùng tại chỗ và sức khoẻ thương hiệu được cải thiện. Sau đại dịch, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, Sabeco đã dành được giành được thị phần trong phân khúc phổ thông, giúp giảm khoảng cách thị phần với đối thủ cạnh tranh lớn, ở đây là Heineken.
Sabeco đặt chỉ tiêu doanh thu là 34.719 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4.581 tỷ đồng cho năm 2022. Như vậy, sau ba quý, doanh nghiệp đã hoàn thành 72% kế hoạch doanh thu và 97% mục tiêu lợi nhuận.
Năm nay, doanh nghiệp đã hoàn thành việc mở rộng hai nhà máy đó là Nhà máy bia Lâm Đồng với công suất 100 triệu lít/năm và Nhà máy bia Quảng Ngãi với công suất 250 triệu lít/năm (tăng gấp đôi công suất trước đây).
Việc mở rộng này sẽ đáp ứng được mức tăng trưởng dự kiến của doanh nghiệp trong hai năm tới. Tổng công suất của Sabeco là hơn 2 tỷ lít/năm. Tuy nhiên, trong suốt 2 năm qua, các nhà máy đều hoạt động ở mức 60 - 80% công suất thiết kế do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Còn Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco – Mã: BHN) ghi nhận doanh thu thuần quý III đạt 2.440 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 1.395 tỷ đồng tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp quý III được cải thiện từ 26% lên 29%.
Nếu so với Sabeco, doanh thu của Habeco chỉ bằng 1/4, lợi nhuận sau thuế bằng 1/6 và có biên lợi nhuận thấp hơn so với đối thủ.
Năm nay, Habeco đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.605 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 221 tỷ đồng. Như vậy, sau ba quý, doanh nghiệp đã hoàn thành được 90% kế hoạch doanh thu và 19% kế hoạch lợi nhuận.
Bên cạnh những khó khăn chung của các doanh nghiệp ngành bia, Habeco còn chịu nhiều sức ép từ các đối thủ cạnh tranh như Sabeco và Heineken khi hai doanh nghiệp này đang chú trọng vào các chương trình thúc đẩy bán hàng đối với các sản phẩm phổ thông – phân khúc thị trường chính của Habeco.