Điệu tango của nền kinh tế giải trí
Một tối tháng 12 se lạnh, sân vận động Mỹ Đình sáng rực dưới ánh đèn sân khấu của chương trình “Anh trai say hi.” Hơn 20.000 khán giả không ngừng reo hò trước màn trình diễn mãn nhãn của các nghệ sĩ. Đây không chỉ là một sự kiện âm nhạc thành công, mà còn là biểu tượng cho sự trỗi dậy của ngành công nghiệp giải trí Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, ngành giải trí nổi lên như một điểm sáng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và văn hóa.
Trong vài tháng cuối năm 2024, các sự kiện âm nhạc lớn như “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã thu hút hơn hàng chục nghìn khán giả. Thành công này được lấy cảm hứng từ hai đêm diễn của nhóm nhạc thần tượng Blackpink (Hàn Quốc) tại Hà Nội cuối năm ngoái, mang về doanh thu hơn 13 triệu USD (tương đương 333 tỷ đồng), với tỷ lệ bán vé đạt 100%.
Không chỉ dừng ở con số vé bán ra, đêm diễn của Blackpink còn kéo theo doanh thu du lịch lên tới 600 tỷ đồng nhờ lượng khách quốc tế và nội địa đổ về tham dự, theo ước tính của Sở Du lịch Hà Nội.
Ngoài doanh thu bán vé, các chương trình giải trí tại Việt Nam còn là “cỗ máy in tiền” nhờ quảng cáo và bản quyền phát sóng.
Chẳng hạn, chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” trở thành hiện tượng với sự phát sóng trên khung giờ vàng của VTV3, thu hút lượng lớn khán giả và mang lại nguồn thu lớn từ quảng cáo. Với mức phí quảng cáo từ 170-180 triệu đồng/30 giây tại khung giờ này, chương trình trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho các đơn vị hợp tác phát triển.
Theo báo cáo tài chính Yeah1 - nhà sản xuất "Anh trai vượt ngàn chông gai", trong quý III/2024, doanh nghiệp đạt đạt 345 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái trong khi lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 34 tỷ đồng, gấp 11 lần so với năm trước. Trong đó, mảng quảng cáo và tư vấn truyền thông đóng vai trò chủ chốt khi mang lại doanh thu 560 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ.
Với lượng khán giả đông đảo, các gameshow như “Rap Việt” hay “2 Ngày 1 Đêm” ngoài mang lại nguồn thu lớn mà còn thúc đẩy vị thế của các nhà sản xuất. Chẳng hạn, Vie Channel - đơn vị sản xuất “Rap Việt”, đạt doanh thu gần 520 tỷ đồng năm 2022, trong khi Sen Vàng - nhà tổ chức Hoa hậu Việt Nam, cán mốc 670 tỷ đồng, theo dữ liệu từ Vietdata.
Tác động của ngành công nghiệp giải trí không dừng lại ở các con số trực tiếp. Các sự kiện âm nhạc lớn thường kéo theo sự bùng nổ trong du lịch, hàng không, và dịch vụ lưu trú. Hai đêm diễn của Blackpink không chỉ thu hút hơn 70.000 khán giả mà còn làm tăng số lượng vé máy bay đến Hà Nội gấp 10 lần và lượng đặt phòng khách sạn tăng 2-3 lần.
Xu hướng du lịch âm nhạc kết hợp giữa tham dự sự kiện và khám phá địa phương đã góp phần mở ra những cơ hội kinh tế mới. Những nhóm khán giả, từ gia đình đến du khách quốc tế, biến các sự kiện âm nhạc thành lý do để tiêu dùng và trải nghiệm.
Một cặp đôi tham dự concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” tại Hà Nội chia sẻ với Dân trí đã chi hơn 30 triệu đồng cho vé máy bay, khách sạn, và vé xem chương trình.
Ngoài ra, các dịch vụ “ăn theo” như bán đồ lưu niệm, săn vé hộ, hay cho thuê thiết bị cũng mang lại nguồn thu không nhỏ. Trong các concert của Blackpink, những món đồ như áo, mũ, và lightstick (gậy phát sáng) đã cháy hàng trên các sàn thương mại điện tử. Dịch vụ đặt vé hộ cũng nở rộ, với mức phí dao động từ 200.000 - 400.000 đồng/vé.
Kinh tế giải trí cũng thể bỏ qua ngành điện ảnh. Trong thời gian qua, các phim Việt như “Mai” và “Nhà bà Nữ” phá vỡ kỷ lục phòng vé, lần lượt đạt doanh thu hơn 450 tỷ đồng và 475 tỷ đồng. Chia sẻ với báo Chính Phủ, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD nói Việt Nam có khả năng lọt vào top 10 nước có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới.
Đứng trước tiềm năng lớn, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đóng góp 7% GDP của cả nước vào năm 2030, 8% vào năm 2035.
Nhìn ra thế giới, các quốc gia như Hàn Quốc và Mỹ đã chứng minh rằng giải trí có thể trở thành động lực kinh tế quan trọng. Tại Hàn Quốc, ngành công nghiệp K-pop đạt giá trị 8,1 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến tăng lên 20 tỷ USD vào năm 2031. Những nhóm nhạc như Blackpink và BTS không chỉ thu lợi từ bán vé mà còn quảng bá văn hóa, du lịch, và ẩm thực Hàn Quốc ra toàn cầu.
Tại Mỹ, tour diễn “The Eras Tour” của Taylor Swift đã đạt doanh thu 2,077 tỷ USD từ 152 đêm diễn, với chi tiêu trung bình của mỗi khán giả lên tới 1.300 USD/người, bao gồm vé xem, khách sạn, và ăn uống. Tác động kinh tế từ các tour diễn này được gọi là “hiệu ứng Taylor Swift,” mang lại hàng tỷ USD không chỉ từ doanh thu trực tiếp mà còn từ các ngành dịch vụ liên quan.
Có thể thấy, ngành công nghiệp giải trí Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ, trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước với doanh thu hàng trăm tỷ đồng từ các sự kiện lớn, tác động lan tỏa đến nhiều ngành nghề khác và tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp, và người dân để biến ngành công nghiệp này thành động lực thực sự cho sự phát triển kinh tế - xã hội.