|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dịch bệnh chưa tan, dân buôn hàng xách tay Trung Quốc chôn chân tại chỗ, mất khách vào tay các sàn thương mại điện tử

07:22 | 30/07/2021
Chia sẻ
Giới buôn hàng xách tay ở Trung Quốc phải chôn chân tại chỗ trong gần hai năm qua vì Bắc Kinh vẫn đóng cửa biên giới.

Biên giới đóng cửa, dân mua hàng xách tay điêu đứng

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Vivian Li, một bà nội trợ ở Thâm Quyến, thường giao lại đứa con mới biết đi cho chồng và bay đến Hong Kong hoặc Tokyo với hai chiếc vali rỗng.

Cô sẽ trở về nhà cùng rất nhiều kem mắt Lancôme, dầu gội Pola, túi xách Louis Vuitton và các sản phẩm mà ở Trung Quốc không có sẵn hoặc đắt đỏ hơn. Thỉnh thoảng, Vivian còn dọn sạch các kệ hàng với những món đồ mà người nổi tiếng trên mạng từng giới thiệu.

Sau đó, người mẹ trẻ sẽ trở về nhà và gửi hàng mà khách đã đặt từ trước thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Nghề mua hàng xách tay (hay daigou) là một công việc béo bở cho Vivian. Trước đây, một tháng cô có thể kiếm được hơn 30.000 nhân dân tệ (tương đương 4.626 USD).

Đội quân mua hàng xách tay từ lâu đã trở thành một đặc trưng của ngành bán lẻ Trung Quốc. Theo hãng tư vấn Proresearch, dù Bắc Kinh đã nỗ lực xóa bỏ loại hình daigou bằng cách kiểm tra hải quan chặt chẽ hơn cũng như nới lỏng các quy định về thuế đối với các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh thu của daigou vẫn tăng lên 40 tỷ USD trong năm 2019.

Dịch bệnh chưa tan, dân buôn hàng xách tay Trung Quốc chôn chân tại chỗ rồi mất khách vào tay các đại gia TMĐT - Ảnh 1.

Một người buôn hàng xách tay đang lựa sản phẩm tại một cửa hàng bán lẻ ở Australia. (Ảnh: Bloomberg).

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 xuất hiện, Trung Quốc đóng cửa đất nước để ngăn chặn virus xâm nhập. Từ đó, dân mua hàng xách tay không có cửa ra nước ngoài, công việc kinh doanh của Vivian và đồng nghiệp phải tạm dừng.

Mặc dù Vivian có thể đặt một số đơn hàng thông qua đối tác ở nước ngoài, cô không thể có mặt tại chỗ để đích thân chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nên nhiều khách hàng không tin tưởng chất lượng hàng. Tâm lý hoài nghi này đã khiến Vivian mất hơn một nửa khách hàng.

"Khá nhiều dân mua hàng xách tay đã từ bỏ. Tôi vẫn ở lại, hy vọng chính phủ có thể sớm mở cửa biên giới trở lại. Song, chờ đợi càng lâu, khách của tôi càng tìm đến những kênh mua hàng khác...", Vivian chia sẻ với Bloomberg.

Sữa bột, mỹ phẩm cũng lao đao theo

Sự đi xuống của nghề daigou cũng khiến nhiều doanh nghiệp khác gặp khó khăn, đơn cử như các nhà sản xuất sữa bột trẻ em hoặc nhà bán lẻ mỹ phẩm. Trước đại dịch, một số công ty nước ngoài từng phát triển nhanh chóng nhờ vào loại hình thương mại này.

Bằng cách bán sản phẩm cho dân mua hàng xách tay và để họ tự chịu trách nhiệm việc chuyển hàng về Trung Quốc, doanh nghiệp nước ngoài không cần phải đầu tư xây dựng cơ sở bán lẻ tại đất nước tỷ dân. Đồng thời, các công ty này cũng có thể tránh được những yêu cầu đóng gói và nhãn mác của Bắc Kinh.

"Nghề mua hàng xách tay đang đi đến hồi kết. Tại Trung Quốc, người tiêu dùng ngày càng tìm đến các sàn thương mại điện tử quốc tế uy tín. Theo thời gian, mọi thứ dần trở nên dễ dàng hơn so với việc phụ thuộc vào daigou", ông Sage Brennan, đồng sáng lập công ty tư vấn China Luxury Advisors, cho hay.

Dịch bệnh chưa tan, dân buôn hàng xách tay Trung Quốc chôn chân tại chỗ rồi mất khách vào tay các đại gia TMĐT - Ảnh 2.

Các "daigou" kéo theo những túi hàng lớn sau nhiều giờ miệt mài mua sắm tại siêu thị Dongdaemun ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: VCG).

Theo Bloomberg, các công ty từng dựa dẫm vào dân buôn hàng xách tay đang phải gồng gánh lượng lớn hàng tồn kho. "Quy mô của thương mại daigou khó có thể quay trở về thời kỳ hoàng kim, ngay cả sau khi đại dịch đã dịu đi", nhà phân tích Ethan Ye của hãng tư vấn Oliver Wyman nhận định.

Một trong các sản phẩm xách tay phổ biến nhất là sữa bột trẻ em. Trong giai đoạn cao điểm của ngành công nghiệp mua sắm xách tay (tức khoảng năm 2010 - 2019), Australia, Hong Kong và một số khu vực khác từng phải hạn chế số lượng mà các daigou có thể mua để ngăn họ gom hết hàng về nước.

Song, vào tháng 5 năm nay, ông lớn A2 Milk của New Zealand đã phải hạ dự báo lợi nhuận sau khi doanh số của hãng tại quê nhà và ở Australia sụt mạnh 30% trong nửa cuối năm 2020 vì sự gián đoạn của các kênh daigou. Bloomberg cho biết, trong 5 tháng qua, A2 Milk đã phải điều chỉnh giảm dự báo hai lần.

Triển vọng của A2 Milk và các đối thủ như Danone và Reckitt Benckiser Group càng thêm ảm đạm khi biến chủng Delta lan rộng và chính phủ nhiều nước phải giữ nguyên các lệnh hạn chế đi lại.

"Tình hình này kéo dài càng lâu, Danone, Reckitt và A2 Milk càng khó khôi phục lại doanh số bán hàng tại Trung Quốc...", hai nhà phân tích Catherine Lim và Kevin Kim của Bloomberg Intelligence nhấn mạnh.

Dịch bệnh chưa tan, dân buôn hàng xách tay Trung Quốc chôn chân tại chỗ rồi mất khách vào tay các đại gia TMĐT - Ảnh 3.

Một người buôn hàng xách tay bày la liệt hàng nội địa Nhật trong phòng khách sạn trước khi cho vào vali. (Ảnh: VCG).

Mất khách vào tay các sàn thương mại điện tử

Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, đã có những dấu hiệu cho thấy lĩnh vực buôn hàng xách tay sắp phải đối mặt với thời gian khó nhằn hơn. Lo lắng bị thất thoát nguồn thu, chính phủ Trung Quốc đã siết chặt quy trình kiểm tra hải quan và các quy định về thuế.

Ngoài ra, người tiêu dùng tại nền kinh tế tỷ dân cũng có nhiều lựa chọn trong nước hơn, khi mà các dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới và trung tâm thương mại miễn thuế bùng nổ.

Năm ngoái, khoảng 60% người tiêu dùng Trung Quốc đã sử dụng các nền tảng thương mại điện tử quốc tế, dẫn đầu là Tmall International và JD International, theo dữ liệu của IResearch.

Các ông lớn ngành bán lẻ trực tuyến này ghi nhận doanh số bán hàng nhập khẩu là hơn 200 tỷ nhân dân tệ trong năm 2020. Trong hai năm tới, khi đại dịch lắng dịu, doanh số của họ được dự đoán sẽ tăng khoảng 30% so với năm trước.

Dịch bệnh chưa tan, dân buôn hàng xách tay Trung Quốc chôn chân tại chỗ rồi mất khách vào tay các đại gia TMĐT - Ảnh 4.

Một "daigou" livestream quầy hàng ở một cửa hàng bán lẻ ở Australia cho khách hàng tại quê nhà Trung Quốc. (Ảnh: VCG).

Hãng mỹ phẩm bình dân Tsuruha Holdings của Nhật Bản cũng đang chuyển hướng sang các nền tảng trực tuyến. Khách mua hàng xách tay rất chuộng các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và cá nhân của Tsuruha.

Tháng 9 năm ngoái, Tsuruha đã mở một cửa hàng trên WeChat để phân phối sản phẩm trực tiếp đến khách hàng ở Trung Quốc. Trên mỗi trang sản phẩm trong cửa hàng WeChat, hãng mỹ phẩm luôn nêu bật lên câu khẩu hiệu "Được vận chuyển từ nước ngoài, đảm bảo chính hãng" để trấn an người mua hàng.

Để người tiêu dùng không quay lại với hàng xách tay, một số thương hiệu còn cung cấp dịch vụ mới để xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Hãng mỹ phẩm Nhật Bản Shiseido đã chỉ định các chuyên viên tư vấn sắc đẹp cho khách hàng VIP tại Trung Quốc theo hình thức 1:1, đồng thời còn gửi mẫu sản phẩm miễn phí cho khách.

Một số thương hiệu xa xỉ còn tăng giá sản phẩm ở châu Âu để thu hẹp khoảng cách giữa hàng xách tay từ lục địa già và hàng dành riêng cho thị trường tỷ dân, chặn đường kiếm sống của các daigou.

Dù vậy, Vivian và các daigou khác tin rằng họ vẫn có thể níu giữ một ít khách hàng. Một nhà bán lẻ sản phẩm làm đẹp Nhật Bản mà bà mẹ trẻ đang hợp tác sắp sửa mở một số kho hàng ở Trung Quốc cho các dòng sản phẩm bán chạy nhằm rút ngắn thời gian giao hàng cho khách.

Công việc mới của Vivian là thúc đẩy hoạt động kinh doanh thông qua mạng xã hội. Lĩnh vực buôn hàng xách tay sẽ không còn giống như những ngày xưa cũ, nhưng với Vivian thì mọi thứ vẫn ổn.

"Hầu hết khách hàng đều sẵn lòng trả tiền để mua hàng. Họ vẫn không thể mua một số sản phẩm nhất định trên các kênh nội địa", Vivian nhấn mạnh.

Khả Nhân