|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Viglacera: Mục tiêu lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt tỷ lệ 20%

11:39 | 11/05/2023
Chia sẻ
Năm 2023, Viglacera đặt kế hoạch doanh thu 15.750 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận trước thuế 1.210 tỷ đồng, giảm 48% so với kết quả thực hiện được trong năm 2022.

Quang cảnh đại hội. (Ảnh: H.L).

Sáng ngày 11/5, Tổng công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023. Tính đến 9 giờ 05 phút, đại hội có sự tham dự của 73 cổ đông, đại diện cho 418.255.774 cổ phần, chiếm 93,29 % số cổ phần có quyền biểu quyết (bao gồm cả dự trực tiếp và ủy quyền). Do đó, đại hội đủ điều kiện tiến hành.

Báo cáo tại đại hội, Ban lãnh đạo Công ty cho biết, năm 2022 là một năm thành công của Viglacera khi đã hoàn thành kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra.

Theo đó, lợi nhuận hợp nhất Tổng công ty – CTCP năm 2022 lãi 2.305 tỷ đồng, đạt 136% kế hoạch năm. Đặc biệt, công ty mẹ đã thể hiện vai trò đầu tàu với mức lãi 1.709 tỷ đồng, đạt 142% kế hoạch năm. 

Báo cáo mới đây về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 3 và quý I/2023, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp và giảm sút, các doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động từ tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, thắt chặt tín dụng khó tiếp cận với dòng vốn, đặc biệt với khối kinh doanh vật liệu xây dựng và bất động sản.

Mảng kinh doanh bất động sản khu công nghiệp cùng với cổ tức thu từ công ty liên kết đóng góp một phần lớn vào tổng doanh thu và lợi nhuận quý I. Hiện nay, Tổng công ty Viglacera sở hữu và vận hành 12 KCN với tổng diện tích hơn 4.000 ha. Năm 2022, diện tích cho thuê hạ tầng KCN đạt 157 ha.

Mục tiêu lợi nhuận giảm 48%

(Nguồn: H.L tổng hợp).

Tại Đại hội sáng nay, HĐQT Viglacera trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu 15.750 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận trước thuế 1.210 tỷ đồng, giảm 48% so với kết quả thực hiện được trong năm 2022.

Riêng công ty mẹ, Viglacera đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 5.640 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.310 tỷ đồng, giảm lần lượt 11% và 23% so với kết quả thực hiện năm 2022.

Vốn điều lệ của Viglacera tại thời điểm cuối năm 2022 hơn 4.484 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ gần 897 tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20%. Trong đó, cổ tức đã tạm ứng trong năm 2022 là 10% (hơn 448 tỷ đồng).

Năm 2023, công ty cũng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20%. Ngoài ra, khi lợi nhuận trước thuế công ty mẹ vượt kế hoạch, ban lãnh đạo sẽ xem xét trích quỹ phát triển khoa học và công nghệ tối đa 10% lợi nhuận và trích các quỹ khác theo quy định.

(Nguồn: Viglacera).

Triển khai hàng loạt khu công nghiệp mới

Sáng nay, Ban lãnh đạo Viglacera cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch đầu tư phát triển trong năm 2023.

Theo đó, đối với lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp cho biết sẽ khảo sát, lập dự án đầu tư và triển khai đầu tư các KCN mới tại các địa phương có vị trí có lợi thế về hạ tầng, thu hút đầu tư và khả năng kinh doanh. Đồng thời sẽ thành lập các pháp nhân, chi nhánh mới để triển khai các dự án.

Cụ thể gồm: KCN Phù Ninh - Phú Thọ (xấp xỉ 450 ha/giai đoạn 1 là 150 ha); KCN Phú Hà giai đoạn 2 (100 ha); Khu A KCN Phong Điền - Thừa thiên Huế (120 ha); KCN Đông Triều - Quảng Ninh (xấp xỉ 425 ha); KCN Hòa Lạc Hữu Lũng - Lạng Sơn (490 ha).

Bên cạnh đó là tổ hợp KCN - Dịch vụ - Đô Thị Tây Phổ Yên - Thái Nguyên (900 ha, trong đó 700 ha KCN và 200 ha Đô thị, dịch vụ); tổ hợp KCN - Đô thị - Dịch vụ tại tỉnh Yên Bái (380 ha, trong đó KCN Trấn Yên 254 ha, Khu Đô thị và dịch vụ 126 ha); tổ hợp KCN - Đô thị dịch vụ tại tỉnh Hưng Yên (xấp xỉ 200 ha); tổ hợp KCN - Đô thị - Dịch vụ tại Khánh Hòa (khoảng 900 ha) và các KCN tại phía Nam và các địa điểm khác.

Khu nhà ở công nhân và chuyên gia tại KCN Đông Mai. (Ảnh:Viglacera).

Đối với phân khúc nhà ở giá rẻ, doanh nghiệp sẽ từng bước triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2030 đã được Bộ Xây dựng giao.

Theo đó, các dự án trọng điểm đang triển khai gồm: Nhà ở công nhân tại các KCN Đồng Văn IV, Phú Hà, Đông Mai; nhà ở xã hội tại Kim Chung; khu nhà ở xã hội 9,8 ha Yên Phong - Bắc Ninh.

Năm nay, doanh nghiệp cũng dự kiến khởi công mới Nhà ở công nhân Tiền Hải (5,2 ha), nhà ở xã hội Phú Hà (8,4 ha). Chuẩn bị đầu tư dự án nhà ở công nhân Hải Yên - Quảng Ninh; dự thầu dự án khu nhà ở xã hội tại Tiên Dương - Đông Anh (theo chương trình của UBND TP Hà Nội).

Đồng thời tiếp tục khảo sát, tìm kiếm phát triển quỹ đất mới để đầu tư các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương có điều kiện phù hợp.

Với các dự án nhà ở thương mại và khu du lịch nghỉ dưỡng, Viglacera cho biết sẽ triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, tham gia đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư các dự án như Khu đô thị mới Tây Bắc TP Bắc Ninh (25,6 ha); Khu dịch vụ, đô thị và NOXH đáp ứng nhu cầu cho người lao động trong KCN Yên Phong II tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh (95 ha); Khu nhà ở thương mại đường Hùng Vương- Phú Thọ (khu 14,72 ha).

Đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư Dự án đầu tư Nhà máy gạch Viglacera Eurotile (dự án mua Nhà máy Bạch Mã và đầu tư bổ sung), tập trung hoàn thành dây chuyền sản phẩm mới kích thước lớn (Vasta stone) đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu của CTCP Viglacera Tiên Sơn.

Đối với việc chuẩn bị và đầu tư các dự án mới, công ty sẽ nghiên cứu các công tác chuẩn bị đầu tư Dự án Nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ giai đoạn 2, công suất 900 tấn/ngày. Đầu tư kho thành phẩm, nhà kho cho thuê tại Nhà máy Mỹ Đức và Nhà máy gạch Viglacera Eurotile; Kho thành phẩm tại Công ty PFG.

Nghiên cứu triển khai đầu tư các dự án như Sản xuất bao bì tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Xuân (CTCP Bao bì và Má phanh làm chủ đầu tư). Khảo sát, đầu tư mở rộng và đầu tư mới các mỏ nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng,…

Về kế hoạch đầu tư tại nước ngoài, Viglacera đang triển khai các dự án đầu tư tại Cuba đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 thông qua. Trong đó, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 tại các dự án KCN ViMariel và Dự án Liên doanh SanVig.

Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tiếp tục khảo sát dự án đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng (1 nhà máy Gạch Cotto, 1 nhà máy Granite); nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án KCN, khu đô thị và sản xuất vật liệu xây dựng tại Cộng hòa Dominica.

Góp vốn thành lập doanh nghiệp đầu tư KCN tại Hưng Yên và Yên Bái

Cũng tại Đại hội, Ban lãnh đạo Viglacera trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho Hội đồng quản trị thông qua các phương án tăng vốn điều lệ, đồng thời cơ cấu lại sở hữu vốn của Tổng công ty tại các công ty thành viên trong năm 2023.

Cụ thể, thông qua chủ trương tăng tỷ lệ sở hữu vốn của Tổng công ty tại Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG). Thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ để triển khai đầu tư giai đoạn 2 và tăng vốn điều lệ của CTCP Xuất nhập khẩu Viglacera từ 30 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là việc góp vốn thành lập CTCP Viglacera Thái Nguyên để đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành KCN tại Thái Nguyên. Góp vốn thành lập CTCP Viglacera Hưng Yên để đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành KCN tại Hưng Yên. Thành lập chi nhánh Viglacera Yên Bái - Tổng công ty Viglacera - CTCP để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành KCN tại Trấn Yên (Yên Bái).

Phần thảo luận:

Mong ban lãnh đạo cập nhật tiến độ cho thuê hạ tầng KCN tính đến thời điểm hiện tại?

Ông Trần Ngọc Anh, Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc: Trong năm nay các nhà đầu tư đến thuê KCN cũng sụt giảm so với năm ngoái. Tính đến tháng 5, diện tích cho thuê đạt khoảng hơn 40 ha. Dự kiến lợi nhuận từ mảng bất động sản công nghiệp trong năm 2023 khoảng 1.380 tỷ đồng. Đây là kế hoạch tương đối an toàn dựa trên các hợp đồng khách hàng đã ký, công ty chỉ chờ hoàn thành các thủ tục pháp lý để đầu tư xây dựng và trả hàng cho nhà đầu tư.

Tiến độ thoái vốn nhà nước, khả năng có hoàn thành được trong năm nay hay không?

Ông Ngọc Anh: Theo kế hoạch trong năm nay Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thoái vốn Nhà nước trong năm nay và đang thực hiện trình tự theo các bước. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành việc thoái vốn trong năm nay nhưng khả năng cao sẽ vẫn phải cần thêm thời gian.

Xin Ban lãnh đạo chia sẻ nguyên nhân đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 sụt giảm 48%?

Bà Trần Thị Minh Loan, Thành viên HĐQT: Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay được xây dựng trên cơ sở bám sát tình hình thực tế diễn biến đến tháng 3/2023. Lợi nhuận năm 2023 của công ty chủ yếu đến từ hai mảng là bất động sản và kính.

Trong đó, đối với mảng kính, lợi nhuận đóng góp trong năm nay dự kiến giảm khoảng 883 tỷ đồng so với thực hiện năm 2022, nguyên nhân là do giá bán kính bị ảnh hưởng rất lớn từ quý IV/2022. Năm nay, chúng tôi xây dựng lộ trình tăng trưởng giá kính khoảng 9 - 10%.

Đối với mảng bất động sản, kế hoạch lợi nhuận đóng góp của mảng này dự kiến cũng giảm. Cơ cấu lợi nhuận sẽ chủ yếu đến từ việc bán nhà ở xã hội mà tỷ suất lợi nhuận của phân khúc này khá thấp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc: Tình hình thị trường bất động sản năm 2023 rất xấu, do đó ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty. Trong đó, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là kính.

Trong năm vừa qua lĩnh vực kính phát huy rất tốt do thị trường bất động sản chưa bị ảnh hưởng nặng nề như năm 2022. Ngoài ra, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chi phí nhập khẩu rất lớn, hàng nhập khẩu không về được. Năm nay, đầu ra của lĩnh vực kính bị ảnh hưởng bởi bất động sản trầm lắng. Ngòa ra, do đặc thù mảng kính, khi thị trường kém thì vẫn phải sản xuất, điều này tạo sức ép lên giá. Cùng với đó là chi phí đầu vào tăng (giá soda tăng,...).

Do đó năm 2023, mặc dù kế hoạch doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm, điều này phải chấp nhận theo diễn biến thị trường. Tình hình khó khăn và chúng tôi đang tiếp tục tái cơ cấu, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.

Trong năm nay Tổng công ty triển khai mở bán những dự án NOXH nào?

Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn: Công ty đã đầu tư NOXH, nhà ở công nhân từ chục năm nay. Trong đó, nhà ở công nhân là tiện ích đi kèm tại mỗi KCN và đây là lợi thế của Viglacera so với các đối thủ. Còn với nhà ở công nhân, công ty làm theo nhu cầu thị trường khi người mua thì nhiều. Do đó, phân khúc này sẽ có thanh khoản tốt, vừa đạt mục tiêu của HĐQT, vừa giải quyết được nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là một bài toán khó.

Hiện nay chúng tôi đang hy vọng vào thị trường Hà Nội, công ty có tham gia dự án Tiên Dương (Đông Anh) khoảng 40 ha, đến nay quy hoạch 1/500 của dự án đã được duyệt và công ty đang chờ các thủ tục để đấu thầu chọn chủ đầu tư. Viglacera đang rất sẵn sàng làm nhưng đang phải chờ để tham gia đấu thầu.

Với phân khúc nhà ở xã hội, có lẽ Viglacera hiện đang là một trong những doanh nghiệp có năng lực tốt nhất.

Kế hoạch đấu thầu làm dự án nhà ở thương mại ra sao?

Ông Tuấn: Đồng ý là làm nhà ở thương mại lợi nhuận tốt nhưng các thủ tục khá phức tạp. Do đó, với mảng này, công ty tạm chờ các luật mới được thông qua, các quy định ban hành nếu có cơ chế tốt thì Viglacera sẽ làm.

Liệu công ty có kế hoạch đầu tư KCN tại khu vực miền Nam hay không?

Ông Tuấn: Vì xuất phát điểm trước đây Viglacera làm KCN ở phía Bắc là chính. Còn tại thị trường phía Nam, công ty cũng đang hướng tới. Nhưng thực tế, các nhà đầu tư lớn họ chọn khu vực miền Bắc và miền Trung nhiều hơn do nguồn nhân lực tốt hơn, đất đai chỉ là một chuyện. Tổng công ty cũng sẽ vào miền Nam nhưng tỷ trọng các dự án tại miền Bắc vẫn lớn hơn.

Khi tôi làm việc với tỉnh Lạng Sơn thì thấy hiện nay các nhà đầu tư lớn hầu hết đều là các nhà đầu tư Trung Quốc, do đó công ty sẽ vẫn phát triển mạnh KCN ở phía Bắc.

Ngay khi Trung Quốc mới mở cửa du lịch, ban lãnh đạo công cùng với Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã sang Trung Quốc để làm việc với các nhà đầu tư nước này. Hiện nay quá trình thương thảo đang ở những bước cuối cùng.

Tỷ lệ lấp đầy tại các KCN hiện nay?

Ông Ngọc Anh: Đến nay Viglacera đã làm KCN được hơn 20 năm. Hiện nay các KCN tại Bắc Ninh, Hà Nam đều có kết quả kinh doanh rất tốt. Hiện nay doanh nghiệp đang tiếp tục tìm kiếm các vị trí thuận lợi trong bán kính di chuyển khoảng 1 giờ xung quanh Hà Nội để phát triển và mở rộng quỹ đất.

Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hà Lê

Khai thông rào cản đầu tư, Việt Nam sẽ bứt phá trong thu hút làn sóng FDI mới
GDP của Việt Nam đã tăng dần trong những năm gần đây. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ qua trong khu vực. Phân tích GDP theo ngành, sản xuất chế tạo là một trong những lĩnh vực đóng góp chính cho GDP của Việt Nam, chiếm khoảng 25% GDP và là ngành lớn nhất trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.