ĐHĐCĐ BSR: Xin tăng vốn lên 50.000 tỷ đồng, PVN chưa thoái vốn
Sáng ngày 22/5, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Báo cáo tại đại hội, công ty có tổng cộng 36.443 cổ đông tại ngày chốt quyền dự họp và số cổ đông tham dự đến 8h30 là 212 người, đại diện cho 92,33% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Chia cổ tức 7%
Năm 2024, BSR đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 95.274 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 1.148 tỷ đồng, các con số này giảm 37% và 87% so với kết quả thực hiện năm ngoái.
Về chỉ tiêu sản xuất, tổng sản lượng xăng dầu và thành phẩm các loại là gần 5,73 triệu tấn và sản lượng tiêu thụ ở mức 5,66 triệu tấn, các con số này lần lượt giảm hơn 22% và 23% so với năm ngoái. Các sản phẩm chính của nhà máy vẫn là Xăng RON 95 và Dầu Diesel.
Riêng công ty mẹ đặt kế hoạch doanh thu 95.080 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.279 tỷ đồng. Chính sách cổ tức dự kiến là 3% trên vốn điều lệ hơn 31.000 tỷ đồng. Các kế hoạch dựa trên giả định giá dầu 70USD/thùng.
Về kế hoạch đầu tư, BSR dự tính chi 994 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản và 342 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị/tài sản cố định.
Năm ngoái, công ty mẹ BSR ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 8.755 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ theo quy định, HĐQT trình cổ đông thông qua việc chia cổ tức 7%, tương đương với số tiền 2.170 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là công ty mẹ nắm giữ hơn 92% vốn sẽ nhận về phần lớn.
Công ty giữ lại lợi nhuận sau thuế chưa phân phối số tiền 11.496 tỷ đồng để bổ sung vốn điều lệ dưới hình thức chia cổ tức, tùy thuộc vào phương án thu xếp vốn thực tế cho dự án mở rộng NMLD Dung Quất chiến lược phát triển công ty và tình hình sản xuất kinh doanh trong các năm tiếp theo.
Xin tăng vốn lên 50.000 tỷ đồng
Ngày 28/3/2024, BSR đã phê duyệt điều chỉnh Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất với tiến độ thực hiện dự án dự kiến là 37 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng EPC và đưa dự án vào vận hành trong năm 2028.
Sau khi hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động, NMLD Dung Quất sẽ giúp nâng công suất chế biến dầu thô từ 148.000 thùng lên 171.000 thùng/ngày. Ngoài ra, dự án cũng nâng cao chất lượng sản phẩm xăng, dầu đạt chuẩn EURO 5.
Về công tác thu xếp vốn, công ty đang báo cáo PVN xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ 31.000 tỷ lên khoảng 50.000 tỷ đồng bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Nếu được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ, BSR đảm bảo đủ nguồn vốn chủ sở hữu từ 40%-60% so với tổng mức đầu tư của dự án mở rộng NMLD Dung Quất.
Phần vốn vay (dự kiến khoảng 40%- 60%) sẽ được thu xếp từ nguồn vay ECA, thương mại trong nước và quốc tế, trái phiếu xanh cũng như các nguồn vốn phù hợp, khả thi khác...
Một trong những vấn đề đáng chú ý khác trong năm 2024 là việc xin ý kiến chuyển 3,1 tỷ cổ phiếu từ thị trường UPCoM sang niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). UBCKNN đang hỗ trợ, thậm chí tổ chức họp riêng cho trường hợp của BSR.
Công ty sẽ tiếp tục triển khai việc này khi có đủ điều kiện, dự kiến trong năm nay. Việc chuyển niêm yết sang HOSE được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch, tăng thanh khoản cũng như giá cổ phiếu và khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn và tiềm năng thu hút vốn.
PHIÊN THẢO LUẬN
Phương án tăng vốn dự kiến ra sao?
CEO Bùi Ngọc Dương: Công ty đang dự kiến có 2 phương án để tăng vốn điều lệ lên 50.000 tỷ đồng. Thứ nhất là phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 32% và phát hành cổ phiếu trả cổ tức 28%. Công ty đang trình cổ đông lớn và nếu được duyệt sẽ thực hiện trong 2024-2025, bởi nhu cầu vốn công ty đang rất lớn.
Cập nhật việc chuyển sàn niêm yết và phá sản Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF)?
CEO Bùi Ngọc Dương: công ty phấn đấu có 2 hướng xử lý: Vẫn bám sát UBCKNN về việc xem xét chuyển sàn trên cơ sở báo cáo hợp nhất hay BCTC công ty mẹ. Thứ hai là đang chờ có thông báo thụ lý việc phá sản BSR-BF, công ty làm việc với đơn vị kiểm toán để xem xét loại trừ ý kiến nhấn mạnh khi tòa án ra quyết định. Công ty kỳ vọng hết quý II và đầu quý III sẽ có sự rõ ràng hơn về việc chuyển sàn.
Dự báo hoạt động kinh doanh quý II?
CEO Bùi Ngọc Dương: Nhà máy có một nửa thời gian quý II, tức tháng 4 dừng máy bảo dưỡng. Đây là quyết định đúng đắn bởi theo dự báo quý II thời điểm này giá xăng dầu giảm. Thời điểm dừng được đánh giá rất thích hợp để tránh được lỗ do tồn kho, thời tiết cũng tốt nên dừng máy bảo dưỡng là đúng đắn nhất, tháng 5 sẽ khởi động chạy lại.
Crack spread đang có cải thiện từ tháng 6 trở đi nhưng giá dầu vẫn dự kiến đi xuống, tháng 5 dự kiến là đáy của thị trường xăng dầu như các năm trước, trở thành thông lệ của nhiều năm.
Hiện Crack spread vẫn ở mức trung bình cao đạt 14,8 USD/thùng, trong khi kế hoạch công ty chỉ 8 USD/thùng. Công ty trông chờ diễn biến thực tế của thị trường.
Chúng tôi kỳ vọng quý II vẫn có lợi nhuận cao, nhất là từ tháng 6.
Tiến độ dự án mở rộng NMLD? Cơ cấu sản phẩm nhà máy?
CEO Bùi Ngọc Dương: Dự án đã được HĐQT phê duyệt và lựa chọn nhà thầu tổng thể, đang triển khai đấu thầu rộng rãi. Tiến độ hiện tại tháng 6 đóng thầu gói thiết kế tổng thể để làm tiền đề gọi thầu EPC, dự kiến tháng 3/2028 đưa dự án vào hoạt động.
Trong năm nay tập trung giải ngân dự án nâng cấp mở rộng, triển khai vào các gói thầu thiết kế và san lấp mặt bằng. Cao điểm giải ngân từ 2025 khi hợp đồng EPC có hiệu lực.
Công ty có 50 ngày bảo dưỡng nên sản lượng sẽ giảm đi tương ứng. Sau bảo dưỡng đã cải hoán để nâng công suất lên 114%, không có gắng chạy cao hơn theo thị trường. Công ty đã chuẩn bị dầu thô để chuẩn bị tăng công suất khi crack spread cao.
Do nguồn dầu suy giảm gần đây, hầu như toàn bộ dầu thô trong nước BSR bao tiêu, chiếm khoảng 70% công suất thiết kế. Phần hơn 30% công suất sẽ được nhập khẩu từ quốc tế, chủ yếu từ Mỹ và Tây Phi, Tây Á, đây là các nguồn dầu tương đối phổ biến để thu xếp cho công suất cao của nhà máy.
PVN sẽ quyết toán cổ phần hóa và phương án thoái vốn ra sao?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Hội: Tỷ lệ sở hữu của PVN theo các quyết định của Nhà nước là trên 50% (hiện hơn 92%). Thời điểm cổ phần hóa, BSR có tìm nhà đầu tư chiến lược, thậm chí có thời điểm gặp nhà đầu tư Nga và sắp chốt hợp đông, nhưng sau đó bị ảnh hưởng bởi địa chính trị nên việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược chưa thực hiện được.
Đến 2020 xuất hiện dịch Covid-19, BSR đã nhận được nhiều chỉ đạo là đơn vị chủ chốt góp phần ổn định năng lượng xăng dầu cho quốc gia, có yêu cầu giữ nguyên tỷ lệ chi phối của Nhà nước.
Chúng tôi báo cáo đến 2025 vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, công ty tiếp tục quá trình tái cấu trúc theo quy định của cơ quan Nhà nước.
CEO Bùi Ngọc Dương: Đã hoàn thành hồ sơ quyết toán và chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền quyết toán.
Ảnh hưởng bởi các đầu mối kinh doanh?
CEO Bùi Ngọc Dương: Trong bối cảnh một số đầu mối phân phối nhỏ có sai phạm về thuế, với các đầu mối có rủi ro thì kích hoạt phòng ngừa rủi ro, thậm chí thay đổi yêu cầu về hợp đồng, mở L/C trả trước hoặc trả tiền trước các lô hàng... BSR không có rủi ro về nợ xấu dù có nhiều đầu mối bị xử phạt.
Công ty sẽ điều chỉnh sản lượng cho các đầu mối khác nhưng không bị ảnh hưởng do nhu cầu trong nước vẫn cao.
PVN chưa thoái vốn
Phát biểu tại đại hội, Ông Lê Xuân Huyên – Phó tổng giám đốc PVN nói BSR là 1 trong 4 doanh nghiệp trong nhóm doanh thu hơn 100.000 tỷ đồng thuộc PVN, đóng góp khoảng 1/4 nguồn thu cho tập đoàn và hơn 9% GDP cả nước.
Năm 2023 là tương đối thuận lợi cho ngành lọc hóa dầu, BSR theo đó đạt kết quả ấn tượng, sản lượng đạt kỷ lục 7,3 triệu tấn sản phẩm các loại. Năm 2024 bên cạnh các chỉ tiêu tài chính thì chỉ tiêu cho người đại diện phần vốn (kế hoạch riêng cho ban quản trị) sẽ cao hơn con số cổ đông thông qua.
Thách thức về chuyển đổi sang năng lượng xanh cũng gây áp lực, BSR cần tập trung vào xu thế này, nhất là tập trung nhiên liệu hàng không bền vững. Dự án nâng cấp mở rộng theo đó phải giữ được tiến độ.
Liên quan lộ trình thoái, trước đây cổ phần hóa theo phong trào nhưng đôi khi không tốt, như BSR còn phải đảm bảo an ninh năng lượng nên việc chi phối của Nhà nước là quan trọng. Đây là lý do Nhà nước vẫn sẽ giữ nguyên tỷ lệ sở hữu hiện nay, để đảm bảo phát triển bền vững và an ninh năng lượng.
PVN là cổ đông lớn nhất tiếp tục cam kết huy động lực lượng để hỗ trợ BSR, tạo ra chuỗi giá trị chuỗi xung quanh để công ty hoạt động ổn định, cũng như cấp vốn để giảm áp lực tài chính cho công ty. Tập đoàn tiếp tục tham gia cùng các đối tác để sản xuất các sản phẩm hóa dầu khác để phù hợp xu thế sản xuất xanh.
Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.