|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đầu năm mới ngồi nghe Shark Bình kể chuyện đi tìm ‘long mạch’ startup: Thế giới khởi nghiệp đầy rẫy sự cô đơn!

08:30 | 03/02/2022
Chia sẻ
“Startup cần tham gia được vào một hệ sinh thái, ‘buôn làng’ phù hợp bởi vì thế giới của startup đầy sự cô đơn”, Shark Bình nhấn mạnh.
Đầu năm mới ngồi nghe Shark Bình kể chuyện đi tìm ‘long mạch’ startup: Thế giới khởi nghiệp đầy rẫy sự cô đơn! - Ảnh 1.

Nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022, chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện với ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech (Shark Bình) về những câu chuyện đầu tư khởi nghiệp trong năm 2021 vừa qua.

Chào Shark Bình, năm 2021 vừa qua là một năm đầy biến động, dịch bệnh đã tác động nhiều mặt lên nền kinh tế, gây ra rất nhiều khó khăn, vậy điều gì mà Shark cảm thấy hài lòng và chưa hài lòng trong năm vừa qua?

Dù dịch bệnh COVID-19 gây ra ảnh hưởng sâu sắc đến toàn xã hội nhưng tôi cảm thấy may mắn khi bản thân và NextTech không bị tác động quá nhiều bởi đại dịch so với toàn xã hội. Trong năm vừa rồi, dịch bệnh cũng khiến nhiều kế hoạch kinh doanh, dự án đề ra từ đầu năm bị đi chệch hướng so với mục tiêu ban đầu. Tuy vậy, tôi cũng thấy vui vì năm vừa rồi đầu tư được vào một số startup tốt, triển vọng.

Shark vừa nhắc tới startup vậy bây giờ chúng ta sẽ nói về Shark Tank Việt Nam, không biết trong mùa 4 vừa rồi, startup nào để lại cho Shark Bình nhiều ấn tượng nhất? Điểm gì khiến ông cảm thấy thú vị với startup này?

Tôi nghĩ là startup Coolmate. Cái điểm thú vị của startup này là các bạn ấy hội tụ đủ yếu tố của một startup đúng kiểu công nghệ mới, hoạt động theo hướng thương mại điện tử. Hệ thống quản trị, cách đáp ứng trải nghiệm khách hàng của các bạn ấy làm rất tốt, có thể nói đây là một startup chuyên nghiệp nhất trên sóng Shark Tank.

Ngoài Coolmate, không biết startup nào sẽ được rót vốn tiếp theo? Vừa rồi, Shark Phú đã công bố thương vụ xuống tiền cho AnHome và sau đó, có thể là Nobita Pro, đây cũng là một startup được Shark Bình đồng ý đầu tư trên sóng truyền hình.

Các vòng thẩm định đang được diễn ra từ nhiều tháng qua, tốn rất nhiều thời gian. Với Nobita Pro, sau khi thẩm định thì tôi quyết định không rót vốn vì mô hình kinh doanh không như kỳ vọng ban đầu. 

Hiện tại, tôi chưa thể tiết lộ thêm cái tên tiếp theo sẽ được rót vốn vì quá trình thẩm định có nhiều cái phức tạp. Đa số các startup đến Shark Tank Việt Nam đều gặp vấn đề trong khâu quản trị, số liệu không được chuẩn chỉnh, vì thế nhà đầu tư khó thẩm định, khó kiểm chứng. Đây là căn bệnh chung của các startup xuất hiện trong Thương vụ Bạc tỷ.

Đây có phải là một điểm yếu của startup trong vòng DD này không?

Đúng, đây là điểm yếu chung của tất cả các startup. Họ thiếu số liệu minh bạch, rõ ràng, chuẩn chỉnh. Một yếu điểm nữa, các startup đều làm việc tương đối cảm tính và cơ học, thiếu long mạch. 

Cơ học ở đây có thể nói là họ cứ làm, làm và làm theo một cách tự nhiên, mang tính sách vở. Các startup mà tôi gặp đa phần đều đi theo lối mòn, họ giống một học sinh trung bình khá ở lớp, học theo sách vở và thiếu sự khác biệt, tính đột phá. Khi đầu tư, tôi rất hiếm khi tìm thấy startup có đầy đủ bộ long mạch. Coolmate cũng được xem là một startup đã tìm thấy long mạch.

Đầu năm mới ngồi nghe Shark Bình kể chuyện đi tìm ‘long mạch’ startup: Thế giới khởi nghiệp đầy rẫy sự cô đơn! - Ảnh 2.

Ông từng nói ‘trong cái rủi có cái may”, giữa bối cảnh đại dịch lan rộng, các quỹ nội đã lên ngôi và tiếp cận với nhiều startup Việt hơn. Vậy ngoài Shark Tank, trong năm 2021, shark có chốt thêm được startup nào triển vọng không?

Có, chúng tôi đã tìm được kha khá startup tốt trong năm vừa rồi. Đa phần các startup được NextTech đầu tư đều đã có bộ long mạch rõ ràng cho riêng mình. Theo công thức của Shark Bình, khi startup đã có long mạch thì lúc đó cần dùng nó vào đâu và ngọn gió đông phù hợp dành cho họ, để họ tiếp tục tăng trưởng tốt.

Dịch bệnh mang lại quá nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với startup. Theo ông, năm 2021, dịch bệnh đã làm thay đổi môi trường khởi nghiệp cũng như đầu tư ở Việt Nam như thế nào?

Trong năm 2021, nguồn vốn rót vào startup thận trọng hơn, khác hẳn so với ngày trước. Tôi thấy có một cái nghịch lý trong việc gọi vốn đang diễn ra như thế này, các quỹ đầu tư ngoại chỉ thích thú với những startup có nhà sáng lập học ở nước ngoài, giao tiếp tốt hơn, am hiểu văn hóa của họ hơn. Trong khi đó, các startup sinh trưởng ở Việt Nam, có trình độ và năng lực vận hành tốt nhưng lại gặp khó trong việc thuyết phục quỹ ngoại.

Với những startup này, tuy họ vận hành tốt nhưng ít có khả năng trình bày bằng tiếng Anh hay nói chuyện theo ngôn ngữ của dân tài chính. Điều đó khiến startup tốt không đến được với quỹ và ngược lại, quỹ không tìm được startup tốt.

Ông có nhận xét gì về khẩu vị chọn người ‘giao tiếp tốt’ của các quỹ ngoại?

Shark Bình: Quỹ ngoại hơi chú trọng vào giao tiếp, khẩu vị của họ là những startup có thể nói được “ngôn ngữ” của họ, hiểu rõ văn hóa và cách tư duy của dân tài chính. Đa phần các quỹ đều do dân tài chính làm mà!

Một trường hợp mà tôi nhớ mãi là HeyU, đây là một startup rất thú vị nhưng khi đi gọi vốn với một số quỹ ngoại thì lại không thành công. Các bạn ấy do không hiểu ngôn ngữ của dân tài chính nên đã gặp khó trong việc diễn giải cho quỹ đầu tư hiểu rõ startup. Sau đó, HeyU đã tìm về với Shark Bình và đến nay, tôi cho rằng startup này đã khá thành công.

Điểm gì thú vị mà HeyU đã thuyết phục được Shark Bình?

Tôi nhìn thấy ở HeyU đã thực sự tìm thấy được một cái long mạch khác lạ. Cách tiếp cận thị trường của các bạn ấy là điểm đã thuyết phục được tôi. HeyU tồn tại được ở một thị trường có quy mô rất lớn nhưng không phải đốt tiền như các startup khác. Khi HeyU về với Shark Bình, tôi đã hỗ trợ các bạn phát triển hệ thống quản trị và hệ sinh thái, cũng như gió đông để tăng trưởng tốt hơn.

Theo ông, bản thân các startup cần thay đổi gì để tồn tại và thích nghi trong bối cảnh mới?

Để tồn tại trong bối cảnh mới này, startup cần có một mô hình vận hành thật là tinh gọn, hiệu quả. Thứ hai, các bạn cần có long mạch khác biệt, “mánh” đột phá. Tùy vào từng trường hợp, mỗi startup sẽ có mánh riêng, công thức kinh doanh bí mật để vượt qua giai đoạn đầy biến động này. Cuối cùng, startup cần tham gia được vào một hệ sinh thái, “buôn làng” phù hợp bởi vì thế giới của startup đầy sự cô đơn.

Đầu năm mới ngồi nghe Shark Bình kể chuyện đi tìm ‘long mạch’ startup: Thế giới khởi nghiệp đầy rẫy sự cô đơn! - Ảnh 3.

Shark Bình đã nói nhiều về nỗi cô đơn của startup, vậy ông đã từng gặp trường hợp khởi nghiệp nào mà họ sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng chưa thành công?

Nhiều chứ, đấy là các startup “con nhà giàu”, họ thất bại rất nhiều. Theo tôi, nguyên nhân thất bại chủ yếu của những startup này là họ có nhiều tiền, nhiều sự hỗ trợ nhưng lại thiếu long mạch nên chưa tìm được thành công.

Với tiếng tăm là “Lương Sơn Bạc của startup”, cũng như tầm nhìn làm bệ phóng cho startup công nghệ ở Việt Nam và Đông Nam Á, ông có dự định gì để hỗ trợ startup trong năm mới dự đoán sẽ còn nhiều dông bão hơn?

Tôi vẫn sẽ cùng NextTech tiếp tục đi tìm kiếm và đầu tư các startup tốt. Chương trình Next100 Accelerator sẽ được tiếp tục nhằm mục đích ươm mầm và đào tạo các startup founder tốt. Cuối cùng, chúng tôi sẽ là bệ phóng về mặt thị trường, bán hàng cho các startup chuyển đổi số. Tôi nhận thấy rất nhiều startup chuyển đổi số hiện nay rất yếu về cách thức tổ chức đội ngũ bán hàng. Cách họ xây dựng hệ thống bán hàng giống như việc xây thành Cổ Loa, cứ xây lại sập, vì thế chúng tôi sẽ hỗ trợ startup trong lĩnh vực này.

Theo ông, các bạn trẻ có nên khởi nghiệp trong bối cảnh hiện tại hay tiếp tục chờ đợi? Chờ giông bão đi qua, sóng yên biển lặng?

Nói chung là thời nào cũng có cơ hội hết. Càng trong khó khăn, khủng hoảng thì lại càng có cơ hội, giống như kiểu trời dông bão, chúng ta đi bắt cá thì sẽ bắt được nhiều cá hơn, đúng không? Vì thế, tôi không có một lời khuyên nào cụ thể cả, chỉ khuyên các bạn cần thận trọng trong việc đánh giá các cơ hội giữa thời buổi khủng hoảng này và yếu tố long mạch là vô cùng quan trọng. 

Đầu năm mới ngồi nghe Shark Bình kể chuyện đi tìm ‘long mạch’ startup: Thế giới khởi nghiệp đầy rẫy sự cô đơn! - Ảnh 4.

Việc kinh doanh cũng tùy thời điểm. Ví dụ, ở “thời bình”, có thể chẳng cần mánh khóe khác biệt gì, mình cứ làm giống người khác thì vẫn có thể sống tốt và phát triển nhưng với giai đoạn này, không có long mạch, không khác biệt thì sẽ chết.

Cảm ơn ông đã dành thời gian cho chúng tôi! Chúc ông và NextTech năm mới vạn sự như ý, có thêm được nhiều startup vào hệ sinh thái khởi nghiệp của mình.

Vượng Phát

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.