Coteccons tiếp tục thua lỗ quý III, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm gần 2.000 tỷ
CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.113 tỷ, tăng 191% so với cùng kỳ năm ngoái - giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội ảnh hưởng nhiều tới tiến độ xây dựng các dự án.
Giá vốn hàng bán lên tới 3.081 tỷ, không tăng tương ứng với tốc độ tăng của doanh thu do giá cả nhân công và nguyên vật liệu tăng cao khiến biên lợi nhuận giảm từ 1,57% cùng kỳ năm ngoái xuống 1,06% kỳ này.
Chi phí quản lý doanh nghiệp (chủ yếu là chi phí dự phòng) tăng 14% so với quý III/2021 lên 103 tỷ khiến công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 37 tỷ.
Trong kỳ, Coteccons ghi nhận khoản lợi nhuận khác gần 34 tỷ chủ yếu do hoàn nhập chi phí công trình phải trả lớn hơn chi phí thực tế phát sinh và một phần từ hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình. Do đó, Coteccons chỉ còn lỗ ròng 3,5 tỷ đồng quý III, cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 12 tỷ.
Luỹ kế 9 tháng, Coteccons đạt 8.307 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ còn 1,8 tỷ sau hai quý thua lỗ, quý III/2021 có lãi 87,5 tỷ đồng.
Năm 2022, Coteccons đề ra mục tiêu 15.010 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng. Kết thúc quý III, doanh nghiệp đạt 55% kế hoạch doanh thu và mới đạt 9,6% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Trích lập dự phòng 961 tỷ nợ xấu
Về tình hình tài chính, quy mô tài sản cuối quý III của Coteccons là 17.757 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, chủ yếu do tăng khoản phải thu và hàng tồn kho.
Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Coteccons là phải thu ngắn hạn (đa phần là phải thu từ khách hàng) là 10.310 tỷ, tăng gần 12% sau một quý và tăng hơn 20% so với đầu năm.
Công ty có khoản nợ xấu phải thu 484 tỷ đồng với Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt - đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh, 122 tỷ nợ xấu ở CTCP Đầu tư Minh Việt và 540 tỷ ở nhóm khách hàng khác. Coteccons đã phải trích lập dự phòng 961 tỷ đồng cuối quý III.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn có khoản phải thu về cho vay 650 tỷ cuối tháng 9.
Hàng tồn khi ghi nhận 3.197 tỷ tại ngày 30/9, tăng 51% sau một quý và tăng 89% so với ngày 1/1, chủ yếu là các chi phí các công trình dở dang.
Gia tăng khoản phải thu, phải trả và hàng tồn kho khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Coteccons âm 1.990 tỷ 9 tháng đầu năm, cùng kỳ năm ngoái dương 183 tỷ. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư dương 60 tỷ và dòng tiền từ hoạt động tài chính 1.460 tỷ không đủ bù đắp cho dòng tiền từ hoạt động kinh doanh nên lưu chuyển tiền thuần trong 9 tháng ghi nhận âm 469 tỷ đồng.
Cuối quý III, Coteccons có 1.651 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn cùng với khoản đầu tư trái phiếu 767 tỷ. 9 tháng, Coteccons thu về 200 tỷ tiền lãi từ cho vay, đầu tư trái phiếu và lãi tiền gửi.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn dành 255 tỷ để đầu tư vào cổ phiếu (TCB, FPT...), chứng chỉ quỹ song đã phải trích lập dự phòng gần 37 tỷ đồng.
Trước đó, công ty cho biết đã hình thành danh mục đầu tư ngắn hạn cân đối và đa dạng theo 3 loại: Tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 3 tháng, tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 4-12 tháng và danh mục đầu tư trái phiếu hỗn hợp kỳ hạn 1-12 tháng. Điều này cho phép Coteccons tăng tỷ suất lợi nhuận thu nhập tài chính bình quân và phòng ngừa rủi ro về khả năng thanh toán, tỷ lệ thu nhập dao động từ 3-6% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 5-12% trong 6 tháng đầu năm nay.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải cuối kỳ của Coteccons là 9.562 tỷ, trong đó doanh nghiệp đi vay tổng cộng 1.464 tỷ. Dư nợ trái phiếu là 495 tỷ, gần 967 tỷ là vay từ ngân hàng (chủ yếu là ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động). 9 tháng, Coteccons vay thêm 1.880 tỷ đồng thời trả nợ gốc 419 tỷ và tốn gần 55 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Vốn chủ sở hữu cuối quý III là 8.195 tỷ với 4.667 tỷ quỹ đầu tư phát triển, 317 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.