Cho vay margin Chứng khoán Vietcap cao kỷ lục gần 10.000 tỷ đồng
Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) công bố kết quả kinh doanh quý III với doanh thu hoạt động 974 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, lãi từ tài sản FVTPL gấp đôi đạt 534 tỷ đồng; lãi từ các khoản phải cho vay và phải thu tăng 17% lên 206 tỷ đồng; doanh thu môi giới cũng tăng 14% lên 182 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động đạt 468 tỷ đồng, tăng 74%. Kết quả, Vietcap báo lợi nhuận sau thuế 215 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt 836 tỷ đồng và 692 tỷ đồng, tăng lần lượt 99% và 88% so với cùng kỳ. Công ty đặt kế hoạch năm nay đạt lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng. Như vậy, Vietcap đã vượt 19% chỉ tiêu.
Trên bảng cân đối kế toán, công ty ghi nhận khoản tiền và tương đương cuối kỳ hơn 2.500 tỷ đồng, giảm 35% sau ba tháng.
Mảng tự doanh có tổng giá trị thị trường 7.300 tỷ đồng tại cuối quý III, giảm 26% so với cuối tháng 6.
Vietcap chủ yếu phân bổ tài sản tự doanh tại AFS, với giá trị cuối kỳ hơn 6.500 tỷ đồng, giảm 27%, tương đương 3.000 tỷ đồng sau ba tháng. Bên cạnh khoản đầu tư chiến lược vào IDP, công ty còn rót tiền đáng kể vào các chứng khoán như KDH, FPT, TDM, NAP01, VPB02, LTH01...
Chiều ngược lại, bộ phận tự doanh đã bán toàn bộ lượng cổ phiếu MBB với giá gốc 224 tỷ đồng tại tháng 6. Khoản đầu tư PNJ với giá gốc hơn 77 tỷ đồng cùng bị thoái gần hết.
Giá trị FVTPL cuối kỳ đạt 476 tỷ đồng, giảm 53% sau một quý, do hạ tỷ trọng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Ngược lại, khoản trái phiếu gấp 11 lần lên 452 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) giữ nguyên giá trị 310 tỷ đồng. Đây là khoản tiền gửi ngân hàng nước ngoài ngắn hạn với lãi suất 6% mỗi năm.
Mặt khác, dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán cuối kỳ đạt 10.111 tỷ đồng. Trong đó, cho vay margin chiếm 9.951 tỷ đồng, cao hơn 27% so với cuối tháng 6. Đây là dư nợ cao nhất của đơn vị này, gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2022.