|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

CEO huyền thoại của Starbucks từng chỉ là cậu sinh viên phải bán máu để trang trải học phí

15:02 | 30/06/2024
Chia sẻ
Hơn 40 năm trước, Howard Schultz chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực kinh doanh cà phê. Từ đây, ông đã biến Starbucks từ cửa hàng ít tiếng ở Seattle thành doanh nghiệp khổng lồ lọt vào danh sách Fortune 500.

Tỷ phú Howard Schultz, cựu CEO Starbucks. (Ảnh: New York Post). 

Tuổi thơ không êm đềm

Con đường đến với thành công của Howard Schultz không hề bằng phẳng. Ông sinh ngày 19/7/1953 tại Brooklyn (New York) và lớn lên trong khu nhà trợ cấp của chính phủ.

Cuộc sống của gia đình ông không hề dư dả. Khi Schultz 7 tuổi, cha của ông là Fred bị gãy mắt cá chân khi đang làm tài xế xe tải nhặt và giao tã lót. Fred không có bảo hiểm y tế hay bồi thường cho người lao động.

Vợ ông đang mang bầu 7 tháng và không thể làm việc. Gia đình không có một đồng thu nhập nào. Khi người thu tiền gọi điện, Schultz hoặc các anh chị em nhấc máy và giả vờ như bố mẹ đi vắng. 

Schultz yêu quý cha mình, mô tả ông là người làm việc chăm chỉ và dành thời gian chơi bóng với các con vào ngày nghỉ. Nhưng mặt khác, ông cũng có lúc đánh đập con cái. Schultz giải thích: “Cha tôi chưa bao giờ có thể trèo ra khỏi hố sâu nghèo đói và cải thiện cuộc sống”.

Bất chấp mọi nghịch cảnh, Schultz vẫn bám trụ với việc học và tốt nghiệp Đại học Northern Michigan nhờ học bổng bóng bầu dục. Nhưng từ lúc nhập học, Schultz đã quyết định ông sẽ không theo đuổi con đường vận động viên chuyên nghiệp.

Để trả học phí, chàng sinh viên ngành truyền thông xin cấp khoản vay sinh viên và tất bật làm thêm, bao gồm bartender. Nhưng như thế vẫn chưa đủ tiền, đôi khi ông còn phải bán máu, tờ Markets Insider cho biết. 

Đi tìm thành công với Starbucks

Sau khi tốt nghiệp, Schultz làm việc trong bộ phận kinh doanh và marketing tại Xerox trong ba năm. Sau đó, ông trở thành phó giám đốc tại một công ty đồ gia dụng Thụy Điển.

Ông chuyển từ New York tới Seattle để gia nhập Starbucks vào năm 1982 với chức vụ giám đốc vận hành và marketing. Khi đó, công ty mới chỉ có 4 cửa hàng.

Năm 1983, Schultz đến thăm Italy và bị ấn tượng với cách các quán espresso ở Milan trở thành điểm đến để mọi người gặp gỡ và giao lưu. Ông muốn tạo dựng không khí như vậy ở Starbucks nhưng ý tưởng đó bị các nhà sáng lập bác bỏ.

Năm 1985, Schultz rời đi để tự mở công ty riêng với tên gọi Il Giornale, trong tiếng Italy có nghĩa là “Hàng ngày”. Vào tháng 8/1987, II Giornale mua lại Starbucks với giá 3,8 triệu USD và Schultz trở thành CEO của Starbucks Corporation. Khi đó, công ty có 6 cửa hàng.

Sau khi Schultz tiếp quản Starbucks, người Mỹ đã nhanh chóng ưa chuộng thương hiệu này. Năm 1992, công ty niêm yết trên sàn Nasdaq và 165 cửa hàng cà phê mang về cho Starbucks 93 triệu USD doanh thu.

Trong những năm tiếp theo, cà phê Starbucks trở thành biểu tượng của địa vị. Ông Paul Argenti, Giáo sư quản trị và truyền thông doanh nghiệp tại Trường Kinh doanh Tuck, đánh giá: “Howard Schultz đã tạo ra mặt hàng xa xỉ mà mọi người đều có thể tiếp cận”. Sau khi tạo dựng chỗ đứng vững chắc tại Mỹ, Starbucks tiến ra thế giới.

 

Nhiều lần giải cứu công ty

Khi Schultz rời khỏi vị trí CEO vào năm 2000, Starbucks có 3.500 cửa hàng tại hơn một chục quốc gia. Nhưng sau vài năm thiếu vắng nhà lãnh đạo kỳ cựu, Starbucks rơi vào khó khăn.

Tờ CNN cho biết vào năm 2007, giá cổ phiếu Starbucks lao dốc 42%. Sau khi tăng trưởng chóng mặt - công ty có 12.400 cửa hàng vào cuối năm 2006 - lượng khách đến Starbucks đã chững lại.

McDonald's và Dunkin' Donuts tích cực giành lấy khách hàng trong khi Starbucks mất đi sức hấp dẫn đối với những khách hàng trung thành. Công ty theo đuổi chiến lược sai lầm là bán thêm đồ ăn và đĩa DVD, đồng thời không còn tự xay toàn bộ hạt cà phê nữa.

Đầu năm 2008, Schultz quay trở lại và thay thế người kế nhiệm Jim Donald để vực dậy công ty đang gặp khó khăn. Ông đóng cửa các cửa hàng hoạt động kém và bổ nhiệm đội ngũ lãnh đạo cũ.

Starbucks còn tạm đóng các cửa hàng trong một buổi chiều để đào tạo lại nhân viên, hy vọng sẽ mang lại bầu không khí thân thiện và cà phê espresso thơm ngon như trước. Công ty cũng ngừng sản xuất bánh mì ăn sáng để mùi hương cà phê dễ lan tỏa hơn.

Chiến lược của Schultz đã thành công. Cổ phiếu Starbucks phục hồi, tăng 143% trong năm 2009. Schultz tiếp tục dẫn dắt công ty cho đến năm 2017 rồi chuyển giao vị trí CEO cho người kế nhiệm Kevin Johnson.

Vào tháng 4/2018, Starbucks trở thành tâm điểm chú ý của cả nước Mỹ khi hai người đàn ông da đen bị bắt lúc họ ngồi đợi bạn bên trong một cửa hàng ở Philadelphia. Video về vụ bắt giữ đã làm dấy lên các cuộc biểu tình và kêu gọi tẩy chay.

Schultz đứng ra công khai xin lỗi. Ông cùng với CEO Johnson thực hiện bước đi táo bạo là chỉ đạo 8.000 cửa hàng Starbucks ở Mỹ đóng cửa trong một buổi chiều để đào tạo nhân viên về phân biệt chủng tộc.

Sau 5 năm lãnh đạo Starbucks, Kevin Johnson ra thông báo rời khỏi công ty vào tháng 4/2022. Một lần nữa, Schultz lại trở thành thuyền trưởng của Starbucks với chức CEO tạm quyền. Ông gia nhập lại hội đồng quản trị (HĐQT) trong lúc công ty tìm kiếm CEO mới. Ông nhận mức lương tượng trưng 1 USD.

Starbucks tìm được CEO mới vào tháng 4/2023. Khoảng 5 tháng sau, Schultz rời HĐQT, từ bỏ mọi vị trí lãnh đạo trong công ty. Nhưng ông vẫn là một trong những cổ đông lớn nhất của chuỗi cà phê này.

Sau khi cuộc chiến Hamas - Israel nổ ra vào tháng 10/2023, Starbucks được cho là ủng hộ và thậm chí là tài trợ cho quân đội và chính phủ Israel. Công ty đối mặt với làn sóng tẩy chay từ đó đến nay.

Nguyên do là sau khi công đoàn Starbucks Workers United đăng thông điệp lên mạng xã hội X để thể hiện sự đoàn kết với người Palestine, Starbucks đã đâm đơn khởi kiện vi phạm nhãn hiệu. Công ty lập luận rằng việc công đoàn sử dụng tên và logo tương tự Starbucks khiến khách hàng giận dữ và làm tổn hại danh tiếng công ty.

Bản thân Howard Schultz là người gốc Do Thái. Starbucks đã ra tuyên bố khẳng định họ chưa bao giờ đóng góp cho bất kỳ hoạt động nào của chính phủ hoặc quân đội. 

Tuy nhiên, các rắc rối tại Trung Đông đã ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của Starbucks tại Trung Đông trong hai quý liên tiếp. Các nhà phân tích cho rằng “tin đồn trên mạng xã hội về lập trường của Starbucks đối với xung đột ở Trung Đông” có thể là nguyên nhân khiến doanh số của công ty sụt giảm tại thị trường Mỹ.

Giang