|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nữ tỷ phú Chu Quần Phi: Tấm gương vượt khó nổi tiếng của Trung Quốc, đổi đời nhờ bước ngoặt lớn trong ngành điện thoại

10:00 | 22/06/2024
Chia sẻ
Bà Chu Quần Phi được coi là nữ doanh nhân huyền thoại của Trung Quốc. Từ một cô bé nhà nghèo phải chạy ăn từng bữa, bà xây dựng được đế chế kinh doanh khổng lồ cung cấp màn hình cho Apple.

Bà Chu Quần Phi, nhà sáng lập Lens Technology. (Ảnh: Lens Technology). 

Đời lắm gian truân

Bà Chu Quần Phi, năm nay 54 tuổi, là con út trong một gia đình nghèo ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Mẹ mất khi bà mới 5 tuổi. Sau này, cha của bà bị mất một ngón tay và phần lớn thị lực vì tai nạn lao động. Ở nhà, bà giúp gia đình chăn nuôi heo và vịt để có cái ăn và kiếm tiền. Ở trường, bà là học sinh xuất sắc.

Nhưng bất chấp năng lực học tập tốt, bà Chu bỏ học năm 16 tuổi và đến tỉnh Quảng Đông để sống cùng gia đình chú và tìm kiếm công việc tốt hơn.

Bà mơ ước trở thành nhà thiết kế thời trang nhưng vẫn chọn con đường thực tế hơn là làm công nhân trong nhà máy ở thành phố Thâm Quyến. Công việc của bà là giúp sản xuất mặt kính đồng hồ với mức lương 1 USD/ngày, tờ New York Times cho biết.

Công việc này không những trả lương thấp mà còn rất khắc nghiệt. Bà kể lại: “Tôi làm việc quần quật từ 8 giờ sáng cho đến nửa đêm, đôi khi còn phải làm thêm vài tiếng nữa. Chúng tôi không chia ca làm. Vài chục công nhân đánh bóng mặt kính cả ngày”.  

Sau ba tháng, bà Chu quyết định nghỉ việc. Trong đơn xin nghỉ, bà vẫn bày tỏ sự biết ơn đối với nhà máy và giải thích rằng bà muốn học hỏi thêm.

Giám đốc nhà máy rất ấn tượng với lá thư và cho bà biết họ sắp áp dụng quy trình mới. Ông khuyến khích bà ở lại và còn thăng chức cho bà.

Đến năm 22 tuổi, bà Chu quyết định tự khởi nghiệp. Với số tiền tiết kiệm 3.000 USD, bà cùng các anh chị em mở xưởng riêng. Họ thu hút khách hàng với mặt kính đồng hồ chất lượng cao.  

Tại công ty mới có tên Lens Techonology, bà Chu tự mình làm mọi việc. Bà sửa chữa và thiết kế máy móc của nhà máy. Bà học các quy trình in phức tạp và các kỹ thuật khó để cải thiện bản in trên kính cong. Bà chăm chỉ đến mức có thể bị nói là người “cuồng” công việc.

Xây dựng đế chế

Điện thoại di động đã giúp bà Chu thành tỷ phú. Vào năm 2003, công ty của bà vẫn chuyên sản xuất mặt kính đồng hồ cho tới khi nhận được cuộc điện thoại bất ngờ từ Motorola. Họ hỏi liệu bà có sẵn lòng giúp phát triển màn hình kính cho thiết bị mới có tên Razr V3 hay không.

Vào thời điểm đó, màn hình trên hầu hết điện thoại di động đều được làm bằng nhựa. Motorola muốn một màn hình kính có khả năng chống trầy xước tốt hơn và cung cấp hình ảnh sắc nét hơn.

Bà Chu nhớ lại: “Họ bảo tôi: ‘Bà chỉ cần trả lời có hoặc không. Nếu bà đồng ý chúng tôi sẽ giúp bà thiết lập các quy trình’”. Bà nhanh chóng nắm lấy cơ hội và nhận lời.

 

Chẳng bao lâu sau, các đơn đặt hàng lũ lượt đổ về công ty của bà Chu. Khách hàng bao gồm những nhà sản xuất điện thoại có tiếng tăm như HTC, Nokia và Samsung.

Năm 2007, Apple tạo ra cuộc cách mạng trên thị trường điện thoại với chiếc iPhone có màn hình cảm ứng. Nhờ được Apple chọn làm nhà cung ứng, Lens Techonology chiếm được vị thế thống trị trong các công ty cùng ngành ở Trung Quốc.

Sau đó, bà Chu đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất mới và thuê các kỹ thuật viên lành nghề. Các đồng nghiệp cho biết bà đã đem thế chấp nhà của mình để vay vốn ngân hàng vài lần. Trong vòng 5 năm, bà xây dựng được các nhà máy sản xuất ở ba thành phố.

Ông James Hollis, Giám đốc tại Corning, đối tác của Lens Technology, nhận xét: “Bà Chu là một doanh nhân đầy nhiệt huyết và rất thực tiễn. Tôi đã chứng kiến ​​quá trình Lens phát triển và cách bà Chu xây dựng đội ngũ vững mạnh. Hiện ở Trung Quốc có hơn 100 công ty trong lĩnh vực này, nhưng Lens là công ty đẳng cấp số một”.

Bí quyết thành công

Lens Technology lên sàn chứng khoán vào tháng 3/2015 với vốn hóa khoảng 14,5 tỷ USD. Khi đó, công ty có 75.000 nhân viên làm việc ở ba cơ sở chính. Vào năm 2018, bà được Forbes vinh danh là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới.

Tuy nhiên, con đường tiến tới đỉnh vinh quang của bà không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Trò chuyện với tờ CNBC, bà chia sẻ bí quyết thành công của bản thân là sự kiên trì.

Khi Lens Technology giành được hợp đồng với Motorola cũng chính là lúc cuộc đời bà Chu bước vào thời điểm đen tối nhất.

Bà kể lại: “Một đối thủ kinh doanh ghen tị với chúng tôi. Công ty đó bắt tay với nhà cung ứng vật liệu thô và cố gắng ép tôi rời khỏi cuộc chơi”.

Nhà cung ứng đã đi ngược với các thông lệ trong ngành và đòi được thanh toán đầy đủ trước khi chuyển giao vật liệu. Bà Chu bán nhà và những tài sản giá trị khác nhưng vẫn không có đủ tiền.

Bà kể lại: “Tôi tuyệt vọng. Tôi đứng trên sân ga Hung Hom ở Hong Kong, định nhảy xuống. Đầu óc tôi rơi vào trạng thái mê sảng và cho rằng khi mình chết thì mọi rắc rối cũng chấm dứt”.

Nhưng cuộc điện thoại từ con gái đã kéo bà quay trở lại thực tế. Bà nói tiếp: “Tôi nhận ra rằng mình không thể bỏ cuộc mà phải cố gắng vì gia đình và nhân viên”. Bà gửi email có tiêu đề “911” với Motorola. Với sự giúp sức của họ, bà vượt qua khủng hoảng.

Với sự lên xuống của thị trường chứng khoán, ngày nay vốn hóa của Lens Techonology đã giảm xuống còn khoảng 10,9 tỷ USD. Nhưng công ty bà đã mở rộng rất nhiều và tạo ra việc làm cho 198.990 người. Tài sản ròng của bà đạt 6,1 tỷ USD, là vị tỷ phú giàu thứ 356 trên thế giới, theo Forbes

Giang