|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông chủ đế chế nội thất Ikea: Con nhà nghèo khởi nghiệp, lúc thành tỷ phú vẫn tiếc từng đồng cắt tóc

14:18 | 26/05/2024
Chia sẻ
Tỷ phú Ingvar Kamprad thường nhấn mạnh tính tiết kiệm của mình và tuyên bố đó là một trong những yếu tố giúp Ikea trở thành thương hiệu nội thất hàng đầu.

Tỷ phú Ingvar Kamprad, nhà sáng lập Ikea. (Ảnh: AP). 

Đường lập nghiệp

Ingvar Kamprad trở thành một trong những người giàu nhất thế giới bằng cách biến cửa hàng đồ nội thất giá rẻ, thiết kế đơn giản thành đế chế trải khắp toàn cầu.

Kamprad sinh năm 1926 trong một trang trại ở tỉnh Smaland, miền nam Thụy Điển. Vì mắc chứng khó đọc, ông thấy việc tập trung học hành ở trường rất khó. Để kiếm tiền tiêu vặt, sau khi phụ giúp các công việc gia đình như vắt sữa bò, cậu bé Kamprad đi bán diêm và bút chì quanh làng.

Kamprad thuật lại rằng khi mới mười mấy tuổi, ông bắt đầu trăn trở về mức chênh lệch lớn giữa giá nhà máy và giá ở cửa tiệm. Bút chì từ người bán buôn chỉ có giá 0,5 öre/chiếc (tương đương 0,0005 euro). Nhưng ở cửa hàng tạp hóa, một cây bút chì có giá 10 öre (0,01 EUR) – tức đắt gấp 20 lần. Sau khi suy ngẫm, Kamprad kết luận rằng việc phân phối và vận chuyển là vấn đề cực kỳ lớn và đắt đỏ.

Cha mẹ Kamprad khuyến khích con trai theo đuổi giấc mơ trở thành doanh nhân. Năm 1943, cha Kamprad thưởng cho ông một khoản tiền vì đạt điểm tốt ở trường dù bị bệnh khó đọc. Ông dùng số tiền đó để thành lập Ikea. Ban đầu, Ikea chỉ bán những mặt hàng nhỏ trong gia đình như khung ảnh. Sau 5 năm, công ty mới bắt đầu bán đồ nội thất.

Ikea là từ ghép của chữ cái đầu tiên từ họ và tên của Ingvar Kamprad, cộng với nông trại gia đình ông (Elmtaryd) và ngôi làng gần nhất (Agunnaryd).

Năm 1956, Kamprad cách mạng hóa thị trường đồ nội thất với việc khởi xướng phương pháp “đóng hàng phẳng”, tức là để người tiêu dùng mua các bộ phận của đồ nội thất từ Ikea và tự lắp đặt chúng ở nhà. Các đóng hàng này giúp chi phí vận chuyển giảm đáng kể, người tiêu dùng tiết kiệm được tiền.

Lối sống và triết lý kinh doanh

Trong 7 thập kỷ tiếp theo, Kamprad xây dựng Ikea thành nhà bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới. Vào thời điểm ông qua đời năm 2018, Ikea là một đế chế gồm hơn 350 cửa hàng tại 29 quốc gia trên khắp châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ, Trung Đông và Caribe, với doanh thu 38,3 tỷ euro, tờ New York Times cho hay.

Trong suốt cuộc đời, Kamprad rèn luyện tính tiết kiệm và siêng năng. Ông coi những đức tính đó là nền tảng cho sự thành công của Ikea.

Theo lời của chính Kamprad, Ikea thành công bằng cách xây cửa hàng ở vùng ngoại ô - nhờ đó chi phí rẻ hơn so với thành phố, mua vật liệu với giá chiết khấu, giảm thiểu nhân viên bán hàng để khách không cảm thấy áp lực khi mua sắm. Dĩ nhiên, phương pháp “đóng hàng phẳng” cũng có vai trò quan trọng.

 

Bản thân Kamprad lái một chiếc Volvo cũ trong suốt hai thập kỷ, chỉ mua vé máy bay hạng phổ thông, ở trong khách sạn bình dân, ăn đồ rẻ tiền và mua đồ giá hời.  

Cách sống của Kamprad một phần là để làm gương cho những giám đốc của Ikea. Ông muốn họ học theo mình, coi việc làm ở Ikea là sự nghiệp trọn đời, và tiết kiệm bằng cách viết trên cả hai mặt của một tờ giấy.

Trong giai đoạn 2005 - 2010, tờ Forbes ước tính Kamprad là một trong 10 tỷ phú giàu có nhất thế giới, với tài sản ròng ước tính có lúc lên đến 28 tỷ USD. Năm 2016, ông rớt khỏi danh sách của Forbes sau khi chuyển tài sản cho ba người con trai Peter, Mathias và Jonas. Cả ba đều là tỷ phú.

Thói quen chi tiêu tằn tiện của Kamprad luôn là điều thu hút sự chú ý của báo giới. Năm 2008, ông phàn nàn với tờ Sydsvenskan rằng ngân sách cắt tóc cả năm của ông đã bị phá vỡ vì lần đi cắt tóc giá 22 euro ở Hà Lan. Ông cho biết: “Tôi thường cố gắng cắt tóc khi ở một nước đang phát triển. Lần trước là ở Việt Nam”.

Kamprad thông báo việc nghỉ hưu vào năm 1986. Ông sống một cách gần như ẩn dật, tránh xa sự chú ý của công chúng nhưng vẫn thường xuyên đến thăm các cửa hàng Ikea trên khắp thế giới và lập các quyết định lớn. Đôi khi ông còn giả vờ là khách hàng hoặc một nhân viên ân cần của Ikea để biết được tình hình kinh doanh thường ngày.

Ông nói với tờ Forbes năm 2000: “Tôi nghĩ nhiệm vụ của mình là phục vụ số đông. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tìm ra điều công chúng muốn, cách phục vụ họ tốt nhất? Câu trả lời của tôi là sống gần gũi với những người bình thường, bởi tôi thực chất cũng chỉ là một trong số họ”.

Giang

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.