|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các ông lớn trong ngành công nghệ liên tục báo lãi kỷ lục trong suốt giai đoạn bùng dịch: Chuyện gì đang xảy ra vậy?

08:26 | 13/12/2021
Chia sẻ
Đại dịch giống như một cơn gió thúc đẩy ngành công nghệ.

Công nghệ sống khỏe giữa đại dịch

COVID-19, yếu tố ươm mầm cho những doanh nghiệp công nghệ trên thế giới - Ảnh 1.

Amazon vẫn thu được lợi nhuận khủng bất chấp đại dịch. (Ảnh: BBC).

Tháng 4/2020, thời điểm nước Mỹ chứng kiến gần 2.000 ca tử vong mỗi ngày vì COVID-19, tỷ phú Jeff Bezos, khi đó vẫn đang giữ chức vụ Giám đốc điều hành của Amazon và là người giàu nhất thế giới, tuyên bố rằng ông đang tập trung vào con người hơn là lợi nhuận, theo New York Times.

Đó là một thông báo điển hình của Amazon, một động thái khôn ngoan nhằm hy sinh lợi nhuận tài chính vào thời điểm khủng hoảng vì dịch bệnh. Ông Bezos cho biết "đây là thời điểm khó khăn nhất mà chúng tôi từng đối mặt" và đề xuất phương án tiếp cận mới.

Tuy nhiên, cuối tháng 7/2020, Amazon đã công bố kết quả kinh doanh quý II với mức lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 5,8 tỷ USD, một con số kỷ lục. Những tháng tiếp theo, mức lợi nhuận đều tăng. Không những vậy, tỷ suất lợi nhuận của Amazon cũng đạt mức cao nhất lịch sử.

Sau khi rời khỏi chiếc ghế CEO của Amazon, tỷ phú Jeff Bezos đã thực hiện chuyến bay lịch sử vào không gian. Khi trở về, ông bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã góp phần thực hiện được ước mơ của cả đời tỷ phú này. "Tôi muốn cảm ơn mọi nhân viên Amazon và mọi khách hàng của Amazon, vì các bạn đã trả tiền cho tất cả những điều này", ông chia sẻ. Việc Amazon báo lãi kỷ lục trong bối cảnh đại dịch hoành hành đã gây được tiếng vang lớn trong giới công nghệ.

COVID-19, yếu tố ươm mầm cho những doanh nghiệp công nghệ trên thế giới - Ảnh 2.

Trước khi rời ghế CEO Amazon, tỷ phú Jeff Bezos đã chèo lái công ty vượt qua đại dịch ấn tượng. (Ảnh: CNN).

Ngay cả khi biến thể Delta bùng phát, khi các công ty trong những lĩnh vực như bất động sản, hàng không, giải trí, bán lẻ,…phải đóng cửa hoặc tuyên bố phá sản, ngành công nghệ vẫn chứng kiến sự phát triển vượt bậc.

Định giá thị trường chứng khoán kết hợp của Apple, Alphabet, Nvidia, Tesla, Microsoft, Amazon và Facebook đã tăng khoảng 70% lên hơn 10.000 tỷ USD. Đó là quy mô gần bằng toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 2002. Chỉ riêng khoản tiền mặt của Apple đã đủ để chi cho mỗi người dân Mỹ khoảng 600 USD.

Thung lũng Silicon vẫn là cái nôi của ngành công nghệ trên toàn cầu. Số lượng công ty tại thung lũng Silicon niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2020 cao hơn so với năm 2019. Theo ước tính của Forbes, số lượng tỷ phú liên quan đến ngành công nghệ hiện là 365 người, cao hơn con số 241 người trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.

Ngành công nghệ đã chiến thắng theo cách mà các chuyên gia cũng không thể dự đoán được. Chưa từng có một ngành công nghiệp nào có sức mạnh như vậy đối với cuộc sống của người Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Thậm chí, chính những công ty công nghệ cũng không thể tính trước được sức ảnh hưởng của họ sau khi đại dịch bùng phát. Paypal, một nền tảng thanh toán điện tử trực tuyến khổng lồ, cho biết họ có khoảng 325 triệu tài khoản được đăng ký trước đại dịch. Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng đầu năm nay, con số này đã tăng lên 392 triệu tài khoản.

"Những cơn gió đang thổi theo hướng của chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng phải căng buồm để xuôi theo", Dan Schulman, Giám đốc điều hành của Paypal cho biết.

Đại dịch COVID-19 -  cơn gió đông cho các công ty công nghệ

Tháng 3/2020, Glenn Kelman, Giám đốc điều hành của Redfin, ông Glenn Kelman đã nhận được một ý tưởng kết hợp giữa công nghệ và bất động sản từ Henry Ellenbogen, một nhà đầu tư lâu năm tại Redfin.

Thời điểm đó là một cuộc khủng hoảng với Redfin. Do ảnh hưởng của COVID-19, trong vòng vài ngày, họ đã đóng cửa 78 văn phòng trên khắp nước Mỹ. Giá cổ phiếu cũng lao dốc và chỉ bằng 2/3 giá trị trước đó.

Tuy nhiên, với riêng lĩnh vực bất động sản, đại dịch vô tình trở thành động lực thúc đẩy nhu cầu trên thị trường nhà đất. "Nền kinh tế đã bị chia đôi. Một phần của nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng phần khác vẫn ổn", ông Glenn Kelman cho biết.

COVID-19, yếu tố ươm mầm cho những doanh nghiệp công nghệ trên thế giới - Ảnh 3.

Việc ông Glenn Kelman đưa công nghệ vào bất động sản đã giúp Redfin vượt qua đại dịch. (Ảnh: GeekWire).

Nhìn chung, đại dịch giống như một cơn gió thúc đẩy ngành công nghệ. Sự nổi lên của Zoom và những ứng dụng tương tự đã đem đến một cách làm mới đối với lĩnh vực bất động sản, mua bán online.

"Nhìn theo hướng tích cực, hãy coi đại dịch là một cơ hội hiếm có trong đời để thay đổi. Với nhiều ngành công nghiệp, nó như cơn gió thổi họ đi đúng hướng", Dan Ives, Giám đốc điều hành tại Wedbush Securities chia sẻ.

Airbnb là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng công nghệ vào bất động sản. Nhiều người cho rằng đại dịch có thể đánh gục công ty này cho đợt chào bán công khai vào tháng 12. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của Airbnb đã tăng gấp đôi trong ngày đầu tiên giao dịch, đem lại cho công ty khoảng 100 tỷ USD.

Các công ty như Redfin hay Airbnb đã phản ứng kịp thời trước đại dịch. Thị trường nhà đất năm 2020, được thúc đẩy bởi nhu cầu lớn sau đại dịch và mức lãi suất thế chấp thấp, hóa ra lại là thời điểm chứng kiến hiệu suất cao nhất kể từ năm 2006.

"Công nghệ đã đem đến điều thần kỳ cho thế giới và cả chúng tôi. Chúng tôi đều cảm thấy sự tiến bộ chung của cả lĩnh vực", ông Kelman nhận định.

Rủi ro tiềm tàng với những ông lớn ngành công nghệ tại Mỹ

Rủi ro lớn nhất, và có lẽ là duy nhất với những công ty công nghệ tại Mỹ nhiều khả năng đến từ chính phủ nước này.

"Mọi người giờ đây đánh giá cao việc chính phủ Mỹ có thể đưa ra các lựa chọn tập trung quyền lực và cơ cấu lại thị trường theo những cách mang lại lợi ích rộng rãi hơn cho xã hội", Stacy Mitchell, Giám đốc của tổ chức Local Self-Reliance, một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho cộng đồng chia sẻ.

Trong vài năm qua, đã có những vụ kiện hoặc lùm xùm xoay quanh các công ty công nghệ hàng đầu, chẳng hạn như chính quyền bang Ohio đã kiện Google và cho rằng công ty này nên được quản lý như một tiện ích công cộng.

COVID-19, yếu tố ươm mầm cho những doanh nghiệp công nghệ trên thế giới - Ảnh 4.

Chính quyền bang Ohio từng kiện Google. (Ảnh: NBC News).

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đứng về phía các công ty công nghệ lớn như Facebook, Amazon, Alphabet,… Marc Andreessen, một người làm việc tại thung lũng Silicon đã đưa ra một ví dụ thú vị về các công ty công nghệ. 

"Chúng tôi đi từ cướp biển thành hải quân. Mọi người có thể yêu những tên cướp biển khi còn trẻ, nhưng không ai thích một hải quân hành động như cướp biển. Ngành công nghệ bắt gặp rất nhiều thứ tương tự như vậy", ông chia sẻ.

Đại dịch mở ra một chương mới cho các công ty công nghệ

Đại dịch đã thúc đẩy sức mạnh tài chính của các công ty công nghệ. Giá trị các hợp đồng giao dịch của các công ty công nghệ trong năm 2020 đã tăng 47,3% so với năm 2019.

Zillow, một công ty bất động sản kỹ thuật số nổi tiếng ở Mỹ đã chi 500 triệu USD để mua lại ShowingTime, một nền tảng lập lịch trình chiếu tại nhà. Vài tuần sau, Zillow cho biết họ sẽ thuê 2.000 người, tăng 40% lực lượng lao động.

Zillow là một trong những công ty tiên phong tại Mỹ về việc cho phép người lao động có thể làm việc từ xa thông qua các ứng dụng công nghệ. Giờ đây, Zillow cũng lên kế hoạch để nhân viên có thể quay trở lại văn phòng làm việc

Không chỉ Zillow mà nhiều ông lớn khác trong ngành công nghệ như Amazon, Google hay IBM đều có những kế hoạch riêng trong việc cho phép nhân viên quay trở lại văn phòng

Đại dịch đã mở ra những hình thức mới, nhân viên giờ đây có thể linh hoạt lựa chọn giữa việc làm từ xa hoặc tới văn phòng, bất cứ nơi nào mà họ có thể làm việc hiệu quả. Jeremy Wacksman, Giám đốc điều hành của Zillow cho biết: "Đại dịch buộc chúng ta phải thay đổi. Không ai mong muốn về dịch bệnh, nhưng bây giờ là lúc chúng ta cần thích nghi".

Quốc Anh