Ba phương án tái cấu trúc nợ trái phiếu doanh nghiệp từ góc nhìn của FiinGroup
Báo cáo chuyên đề trái phiếu do FiinGroup thực hiện cho biết, giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong 10 tháng đầu năm đạt 143.440 tỷ đồng, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2021, tập trung vào các trái phiếu cận đáo hạn.
Bất động sản và tổ chức tín dụng là hai nhóm có khối lượng mua lại trái phiếu lớn nhất. Trong đó, nhóm bất động sản chứng kiến hoạt động mua lại đột biến vào tháng 6-7 khi ghi nhận giá trị 12.425 tỷ đồng, tương đương 42% tổng giá trị phát hành trong 10 tháng đầu năm.
Hoạt động mua lại trái phiếu tăng mạnh từ tháng 6 đến tháng 9 với giá trị mua lại đạt 94.400 tỷ đồng. FiinGroup đánh giá việc mua lại trái phiếu tạo áp lực dòng tiền lên doanh nghiệp, nhưng đây là dấu hiệu tích cực cho vấn đề thanh khoản hiện nay, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính và giảm thiểu gánh nặng nợ vay trong bối cảnh lãi suất tăng cao.
Mặt khác, hoạt động mua lại tăng lên đột ngột trong thời gian ngắn cũng đang tạo ra áp lực không nhỏ. Thị trường bất động sản trong 10 tháng đầu năm nay chứng kiến mức thanh khoản thấp đã khiến hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp tăng mạnh, làm giảm dòng tiền của các đơn vị này.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp không chủ động mua lại TPDN mà bị nhà đầu tư yêu cầu tất toán trước hạn do e ngại các thông tin tiêu cực lan truyền
Theo FiinGroup, khả năng thanh toán của các nhà phát triển BĐS sẽ bị suy giảm, nhất là khi kênh vốn đổ vào ngành BĐS đã bị thu hẹp đáng kể và bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn so với các năm trước. Do đó, nhà đầu tư nên giữ bình tình, tránh bán tháo TPDN mà không đánh giá kĩ lưỡng sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Ba phương án tái cấu trúc nợ trái phiếu
Cũng theo FiinGroup, các doanh nghiệp nên xây dựng phương án tái cấu trúc nợ và đàm phán với trái chủ trước khi nợ đến kỳ đáo hạn, bao gồm ba nhóm giải pháp: Gia hạn kỳ hạn trả nợ có thanh toán một phần, gia hạn kỳ hạn không thanh toán gốc và “hàng đổi hàng”.
Thứ nhất, giải pháp gia hạn kỳ hạn trả nợ có thanh toán một phần dành cho các doanh nghiệp có năng lực và mong muốn đáp ứng nghĩa vụ nợ nhưng gặp khó khăn trong ngắn hạn sẽ muốn giãn nợ để vượt qua giai đoạn này.
Việc chủ động thanh toán một phần và phần còn lại được giãn hoặc hoãn sẽ giúp doanh nghiệp tuân thủ trả nợ gốc và lãi sẽ giúp các nhà phát hành giữ mức độ tín nhiệm cho các hoạt động huy động vốn trong tương lai.
Các nhà phát hành nên chủ động thông tin tới nhà đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án và tiến độ trả nợ, cũng như đưa ra mức lãi suất đền bù phù hợp. Nhà đầu tư cần chủ động đánh giá và rà soát tình trạng pháp lý và tiến độ thực hiện của dự án trước khi đồng ý gia hạn kỳ trả nợ.
Thứ hai, giải pháp gia hạn kỳ hạn không thanh toán gốc có thể được áp dụng trong trường hợp nhà phát hành gặp khó khăn lớn không thể đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà đầu tư có thể cần phải chấp nhận một mức chiết khấu nhất định để dự án có thể hoàn thành.
Tùy theo năng lực tài chính hiện tại, nhà đầu tư có khả năng phải chấp nhận giãn hoặc hoãn toàn bộ phần nợ gốc, song vẫn có thể duy trì cơ hội thu lại phần tiền gốc và lãi trong tương lai tùy theo thực tế đánh giá lại.
Phương án không thanh toán một phần nợ là động thái tương đối nhạy cảm và có khả năng ảnh hưởng đến uy tín của nhà phát hành. Do đó doanh nghiệp nên chủ động xây dựng phương án và đàm phán với trái chủ trước khi đến hạn nhằm tránh rơi vào tình huống vi phạm nghĩa vụ nợ.
Thứ ba, giải pháp “hàng đổi hàng” đã diễn ra trên thị trường trong thời gian qua và đạt kết quả tương đối khả quan. Phương án này cần sự đồng thuận giữa nhà đầu tư và đơn vị phát hành.
“Hàng đổi hàng” là một lựa chọn quan trọng và phụ thuộc nhiều vào bản chất hoạt động kinh doanh và sản phẩm của mỗi doanh nghiệp. Nhà đầu tư có thể đồng tình với giải pháp này khi có đầy đủ thông tin và pháp lý về tài sản được sử dụng để hoán đổi.
Ngoài ra, FiinGroup cũng lưu ý nhà phát hành niêm yết nên thường xuyên thực hiện công bố thông tin định kỳ để nhà đầu tư có thể chủ động phần nào việc chủ động đánh giá cho các quyết định đầu tư, đặc biệt khi tình huống khi xảy ra vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Đối với tổ chức phát hành là doanh nghiệp chưa niêm yết, mặc dù trái phiếu được sở hữu khá phổ biến bởi nhà đầu tư cá nhân nhưng thị trường vẫn tồn tại nhiều điểm mù về thông tin. Điều này đã góp phần làm mất niềm tin ở nhà đầu tư, kéo theo việc rút trước khi đáo hạn (kể cả trái phiếu có rủi ro thấp), gây ra các hiệu ứng dây chuyền lên thị trường cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trái phiếu.