|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Điểm sáng trong hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn

16:21 | 23/11/2022
Chia sẻ
Theo đánh giá của FiinGroup, hoạt động mua lại trái phiếu đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thanh khoản và tiến độ triển khai của nhiều dự án nhưng đây là dấu hiệu tích cực cho vấn đề thanh khoản hiện nay.

Thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp ở thị trường thứ cấp tăng mạnh 

Báo cáo chuyên đề trái phiếu doanh nghiệp do FiinGroup vừa công bố cho biết, hoạt động phát hành TPDN ở thị trường sơ cấp giảm mạnh sau những sự kiện nợ và thay đổi chính sách. Giá trị phát hành TPDN 10 tháng đầu năm đạt hơn 246.300 tỷ đồng, giảm hơn 64 so với cuối năm 2021. Trong đó, 236.800 tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ và gần 9.5300 tỷ đồng trái phiếu phát hành qua kênh chào bán ra công chúng.

Hoạt động phát hành có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành. Nếu như nhóm ngân hàng phát hành sôi nổi từ đầu năm đến nay nhằm tăng vốn cấp 2 thì nhóm bất động sản gần như chững lại.

Theo FiinGroup, sự ảm đạm ở nhóm bất động sản chủ yếu do các sự kiện vi phạm trong quý II và quý III gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, cùng với đó thị trường cũng cần thời gian để thích nghi với các quy định chặt chẽ hơn của Nghị định 65.

 

 

Kỳ hạn bình quân của TPDN phát hành đã giảm từ 4,2 năm ở năm 2021 xuống còn 3,2 năm trong 10 tháng đầu năm nay, ghi nhận rõ rệt nhất ở nhóm xây dựng - ngành chịu tác động từ tình hình bất lợi chung của bất động sản và chủ yếu các doanh nghiệp phát hành ngắn hạn để đảo nợ. “Kỳ hạn bình quân thấp cũng cho thấy sự bất an của nhà đầu tư với các TPDN kỳ hạn dài và xu hướng đầu tư ngắn hạn của thị trường”, FiinGroup cho biết.

Trái ngược với thị trường sơ cấp, thanh khoản thị trường thứ cấp 10 tháng đầu năm 2022 tăng gấp đôi so với giá trị giao dịch bình quân trong năm 2021, cho thấy quy mô của thị trường TPDN thứ cấp đang phát triển nhanh chóng kể cả về nhu cầu niêm yết TPDN lẫn nhu cầu mua bán của nhà đầu tư.

 

Doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn

Trong 10 tháng đầu năm, giá trị mua lại TPDN đạt 143.440 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021, tập trung vào các trái phiếu cận đáo hạn. Bất động sản và tổ chức tín dụng là hai nhóm có khối lượng mua lại trái phiếu lớn nhất.  

Theo FiinGroup, hoạt động mua lại trái phiếu đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thanh khoản và tiến độ triển khai của nhiều dự án nhưng đây là dấu hiệu tích cực cho vấn đề thanh khoản hiện nay, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính và giảm thiểu gánh nặng nợ vay trong bối cảnh lãi suất tăng cao.

 

Kết quả rà soát năng lực tài chính top 20 doanh nghiệp niêm yết có giá trị phát hành lớn nhất của FiinGroup cho thấy, các doanh nghiệp đều đang chịu áp lực thanh khoản lớn trong 12 tháng tới do dòng tiền yếu, áp lực nợ trái phiếu và nợ tín dụng lớn hơn dòng tiền tạo ra, trong khi các kênh huy động vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Rủi ro này càng lớn hơn khi được đặt trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhiều ngành đang có triển vọng kém tích cực trong năm 2023. Song, nhiều doanh nghiệp vẫn có khả năng chống chịu tốt và có thể khôi phục nếu vượt qua giai đoạn tới.

Theo FiinGroup, nhà phát hành niêm yết nên thường xuyên thực hiện công bố thông tin định kỳ để nhà đầu tư có thể chủ động phần nào việc chủ động đánh giá cho các quyết định đầu tư, đặc biệt khi tình huống khi xảy ra vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Đối với tổ chức phát hành là doanh nghiệp chưa niêm yết, mặc dù trái phiếu được sở hữu khá phổ biến bởi nhà đầu tư cá nhân nhưng thị trường vẫn tồn tại nhiều điểm mù về thông tin. Điều này đã góp phần làm mất niềm tin ở nhà đầu tư, kéo theo việc rút trước khi đáo hạn (kể cả trái phiếu có rủi ro thấp), gây ra các hiệu ứng dây chuyền lên thị trường cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trái phiếu.

Nhiều phương án cơ cấu nợ được áp dụng 

Theo đánh giá của FiinGroup, trong ngắn hạn, tác động trực tiếp của trái phiếu sang chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức thấp. Lý do là cơ cấu TPDN trong hệ thống ngân hàng vẫn còn tương đối khiêm tốn, với quy mô nắm giữ TPDN phi ngân hàng chiếm khoảng 2,47% trên tổng tài sản sinh lời.

Tuy nhiên, trường hợp kênh TPDN không được sớm khai thông và tâm lý nhà đầu tư không được cải thiện sẽ tạo ra vấn đề thanh khoản lớn hơn. Các sự kiện vi phạm trái phiếu có thể tạo ảnh hưởng dây chuyền sang hệ thống tín dụng ngân hàng bởi một doanh nghiệp có khả năng cao rơi vào nhóm nợ xấu nếu vi phạm nghĩa vụ nợ.

Hoạt động tái cơ cấu nợ đang diễn ra khi một số doanh nghiệp đã áp dụng các phương án như gia hạn kỳ trả nợ có thanh toán, gia hạn kỳ trả nợ không cần thanh toán, hàng đổi hàng,... Các giải pháp này được giới chuyên gia đánh giá đảm bảo lợi ích cho cả hai bên, nhà phát hành không bị áp lực dòng tiền và nhà đầu tư vẫn có thể thu hồi khoản đầu tư trong tương lai mà không phải cắt lỗ.

Để chuẩn bị cho các tình huống khi có một số doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ và nhằm gỡ bỏ nút thắt cho kênh vốn TPDN, chuyên gia Fiin Group cho rằng nên có các hướng dẫn cụ thể về xử lý vấn đề tái cấu trúc nợ trái phiếu và xử lý trọng các tình huống không mong muốn xảy ra khi có các trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu.

Ngọc Anh

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.