4 biểu đồ cho thấy COVID-19 đang tấn công dồn dập vào Đông Nam Á
Số liệu dịch bệnh tăng không ngừng nghỉ tại Đông Nam Á
Trong tháng 7, số ca dương tính và tử vong do COVID-19 ở các nền kinh tế lớn tại khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Philippines liên tục tăng mạnh.
Theo dữ liệu từ nền tảng Our World in Data, tính trung bình 7 ngày đến ngày 9/8, Malaysia ghi nhận 589,6 ca nhiễm COVID-19 mới trên 1 triệu dân. Tỷ lệ này tăng đều kể từ ngày 30/6, khi đó là khoảng 181 ca nhiễm/1 triệu người.
Xếp sau Malaysia là Thái Lan với khoảng 292,3 trường hợp dương tính/1 triệu người, tiếp theo là Indonesia với 116,9 ca nhiễm/1 triệu dân. Việt Nam, Philippines và Singapore cũng chứng kiến tỷ lệ này gia tăng, song số liệu khiêm tốn hơn so với ba nước còn lại.
Chỉ riêng trong tháng 7, Indonesia đã báo cáo hơn 1,2 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 mới, bất chấp thực tế là chính phủ đã áp dụng lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực cũng như tăng cường nỗ lực truy vết và cách ly người bệnh.
Ở một nghiên cứu công bố hồi tuần trước, Bank of America cho biết dựa theo tính toán của ngân hàng này, số ca nhiễm trung bình hàng ngày của khu vực Đông Nam Á đã nhảy vọt 162% trong tháng 7 để đạt mức kỷ lục mới là 72.200 người. Ngoài ra, số ca tử vong trung bình theo ngày tăng gấp ba lần từ 500 lên 1.500 người.
Cũng theo Bank of America, Indonesia và Malaysia là hai nước ghi nhận tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân cao nhất trong tháng 7.
Diễn biến phức tạp của đại dịch buộc chính phủ các nước Đông Nam Á phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa cũng như giãn cách xã hội nhằm làm chậm tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 giữa lúc hệ thống y tế thiếu giường bệnh và vật tư.
CNBC đưa tin, Malaysia đang phải chật vật khống chế các ổ dịch dù đã thực hiện nhiều vòng giãn cách và ban bố tình trạng khẩn cấp. Truyền thông cho biết, Malaysia sẽ nới lỏng một số hạn chế đối với người dân đã hoàn thành tiêm chủng ở 8 bang có số ca nhiễm đi xuống và đạt tỷ lệ tiêm ngừa cao.
Singapore đã siết chặt các quy định phòng, chống đại dịch vào tháng 7 sau khi xuất hiện một số cụm dịch quanh các quán karaoke, chợ ẩm thực và quầy hàng rong. Hiện tại, các biện pháp này đang dần được nới lỏng.
Việt Nam, Philippines và Thái Lan đã kéo dài lệnh giãn cách xã hội đến tháng 8 vì số ca nhiễm mới chưa có dấu hiệu chững lại.
Ngoài ra, các nước Đông Nam Á cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng Delta. Điều này đang làm phức tạp thêm kế hoạch mở cửa nền kinh tế của các nước trong khu vực.
Hệ lụy kinh tế
CNBC dẫn lời các chuyên gia cảnh báo, tác động kinh tế sẽ thể hiện rõ rệt hơn ở những nước có biện pháp chống đại dịch nghiêm khắc nhất, như Malaysia, Việt Nam và Indonesia.
Cụ thể, các đợt phong tỏa và giãn cách xã hội có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất, vốn còn đang sử dụng công nghệ cũ, thâm dụng lao động và dễ chịu thiệt hại trong thời kỳ dịch bệnh.
Các nhà kinh tế của Bank of America cho biết, những biện pháp phong tỏa gần đây ở Đông Nam Á "đã bắt đầu ảnh hưởng đến sản lượng công nghiệp". Họ chỉ ra sự sụt giảm trong chỉ PMI sản xuất tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam để chứng minh cho lập luận này.
Tương tự, dữ liệu do IHS Markit cung cấp cho CNBC cũng cho thấy chỉ số PMI sản xuất của Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã tụt xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 7, chứng tỏ hoạt động của các nhà máy có sự suy yếu.
Bank of America nhấn mạnh, tác động của đợt phong tỏa hiện tại lên hoạt động sản xuất công nghiệp tại Đông Nam Á không nghiêm trọng bằng tháng 4 năm ngoái, song thiệt hại thực chất lớn hơn những gì làn sóng lây nhiễm thứ hai gây ra tại Ấn Độ hồi đầu năm nay.
Ngân hàng ANZ (Australia) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á từ 4,6% xuống còn 3,9%. Đối với năm 2022, dự báo giữ nguyên ở mức 5,4%.
Theo ông Sanjay Mathur, kinh tế trưởng của ANZ khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, việc giảm dự báo tăng trưởng GDP không bao gồm Singapore, nơi mà các chỉ số tăng trưởng vẫn tương quan với ước tính của các chuyên gia.
Ông Mathur còn nhấn mạnh về hai vấn đề mới có thể đè nặng triển vọng kinh tế của các nước Đông Nam Á trong tương lai, lần lượt là sự chững lại trong hoạt động sản xuất của khu vực và tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc.
Nỗ lực tiêm chủng
Tốc độ tiêm chủng ở Đông Nam Á khác nhau theo từng quốc gia. Dữ liệu từ Our World in Data cho thấy, tính trung bình 7 ngày, Malaysia và Singapore đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 100 người trên ngày cao hơn các nước còn lại.
Tính đến ngày 8/8, Singapore đã hoàn thành chương trình tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cho gần 66,02% dân số, trong khi Malaysia đạt tỷ lệ 27,1%. Indonesia, đất nước đông dân nhất khu vực, chỉ mới tiêm chủng cho khoảng 8,69% dân số.
Tại Việt Nam, tính đến ngày 8/8, tức sau 5 tháng triển khai tiêm chủng, cả nước đã tiêm được 10.393.025 liều. Tỷ lệ sử dụng đạt 67% so với số vắc xin đã phân bổ trong 18 đợt, riêng vắc xin của Moderna và Sinopharm chỉ tính 1/2.
Trong đó, gần 8,46 triệu người đã được tiêm một liều vắc xin và hơn 967.000 người tiêm đủ hai liều, theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam. TP HCM là địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao và nhanh nhất, trong khi các tỉnh như Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương,...triển khai khá chậm.
Bank of America ước tính, hầu hết các nước Đông Nam Á có thể đạt cột mốc miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022 nếu chính phủ đẩy nhanh tốc độ tiêm ngừa vắc xin COVID-19.