|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VIS Rating: Thanh khoản thị trường trái phiếu sẽ duy trì tốt năm 2024, mở ra chu kỳ hồi phục

10:08 | 16/11/2023
Chia sẻ
VIS Rating dự báo năm tới, thanh khoản thị trường sẽ duy trì tốt và rủi ro tái cấp vốn sẽ được giảm bớt. Hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng sẽ là động lực chính cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.

CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) kỳ vọng điều kiện tín dụng sẽ ổn định trở lại trong năm 2024 dựa trên thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng và các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp phát huy hiệu quả.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các tổ chức phát hành đã chủ động thực hiện đàm phán với trái chủ giúp tránh được nhiều trường hợp phát sinh chậm trả gốc/lãi. Khi tình trạng chậm trả trái phiếu giảm dần và các quy định chặt chẽ hơn về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực, VIS Rating dự báo tâm lý thị trường sẽ được cải thiện và khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ hồi phục nhẹ.

 

Bên cạnh đó, điều kiện tín dụng sẽ ổn định trong năm 2024 nhờ nới lỏng thanh khoản ngân hàng và gia tăng các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp.

Đơn vị phân tích này đánh giá trong năm 2024, hầu hết các ngành vẫn sẽ đối mặt với thách thức do nền kinh tế tăng trưởng yếu, tỷ lệ đòn bẩy vay nợ cao và nhu cầu tái cấp vốn lớn.

Song kỳ vọng các chính sách giảm lãi suất gần đây và các biện pháp hỗ trợ cấp vốn cho doanh nghiệp sẽ phát huy hiệu quả, giúp giảm bớt áp lực thanh khoản mà các tổ chức phát hành trái phiếu đang phải đối mặt, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bất động sản, xây dựng và năng lượng tái tạo.

VIS Rating cho biết thêm số trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới đã đạt đỉnh vào quý I/2023 và sẽ giảm bớt trong năm 2024 nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) cho phép sử dụng các cơ chế mới để khắc phục hoặc tránh tình trạng chậm trả của trái phiếu.

Đơn vị này ước tính giá trị trái phiếu chậm trả gốc/lãi sẽ chạm mốc 195.000 tỷ đồng đến cuối năm nay. Phần lớn các trái phiếu chậm trả đến từ các ngành đang gặp khó khăn là bất động sản, xây dựng và năng lượng tái tạo, đặc biệt tập trung vào vài nhóm doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản.

Tính đến cuối tháng 9, đã có khoảng 60% số trái phiếu chậm trả gốc, lãi đang được đàm phán khắc phục theo các phương án được quy định trong Nghị định 08. Các chuyên gia phân tích này kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tổ chức phát hành chủ động đàm phán trước với các trái chủ để tránh rơi vào tình trạng chậm trả gốc/lãi.

 

Gia hạn trái phiếu tiếp tục là lựa chọn khả thi nhất để tránh rơi vào tình trạng chậm trả gốc/lãi hoặc để tiếp tục khắc phục chậm trả cho trái chủ.

VIS Rating nhận định rằng phương án gia hạn trái phiếu ít phức tạp hơn và chịu ít ràng buộc pháp lý hơn so với việc hoán đổi tài sản, xử lý tài sản đảm bảo hoặc dàn xếp tại toà án.

 

Theo thống kê của công ty này, đã có nhiều trường hợp trái chủ và tổ chức phát hành đồng thuận với phương án tăng lãi suất coupon, sửa đổi các điều khoản chặt chẽ hơn hoặc bổ sung các tài sản bảo đảm để bù đắp tổn thất cho các trái phiếu chậm trả và đánh giá đây là một điểm tích cực về tín nhiệm cho các trái chủ.

 

Bước sang năm 2024, đơn vị xếp hạng này kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng chặt chẽ hơn khi bắt đầu áp dụng nhiều yêu cầu nghiêm ngặt đối với tất cả các bên liên quan, qua đó góp phần giúp hoạt động phát hành trái phiếu hồi phục.

Kể từ tháng 1/2024, yêu cầu chứng minh nhà đầu tư chuyên nghiệp và việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm trái phiếu bắt buộc theo Nghị định 65 sẽ có hiệu lực.

Với kỳ vọng các điều kiện tín dụng dần ổn định, VIS Rating cho rằng thanh khoản thị trường sẽ duy trì tốt và rủi ro tái cấp vốn sẽ được giảm bớt.

Hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng sẽ là động lực chính cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới, với khối lượng phát hành lớn từ các ngân hàng để tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh và đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn.

Hoàng Kiều

CEO Minh Phú giải bày câu chuyện nuôi tôm theo công nghệ mới và kế hoạch lợi nhuận kỷ lục
Theo lãnh đạo Minh Phú, với công nghệ nuôi tôm mới, công ty đã có nhiều đơn đặt hàng và kỳ vọng sản lượng tiêu thụ năm nay đạt đến 70.000 tấn, kéo theo đó là dự phóng doanh thu và lợi nhuận tăng tương ứng.