Vinamilk: Biên lợi nhuận gộp đạt 39,5% quý III, có hơn 22.400 tỷ tiền mặt
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần đạt 16.079 tỷ đồng, giảm lần lượt 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tâm lý tiêu dùng ngành sữa ổn định trở lại giúp doanh thu thuần nội địa hợp nhất đạt 13.775 tỷ đồng, tăng 10% so với quý II và ổn định so với cùng kỳ 2021. Riêng công ty mẹ ghi nhận mức doanh thu nội địa 12.359 tỷ đồng, tăng 12,4% so với quý II và ổn định so với cùng kỳ 2021.
Xuất khẩu trực tiếp ghi nhận doanh thu thuần 1.187 tỷ đồng. Hoạt động xuất khẩu trong quý III vẫn gặp nhiều thách thức do sức mua giảm tại các thị trường Trung Đông dưới ảnh hưởng của lạm phát. Công ty đã có kế hoạch kích cầu thông qua cải tiến bao bì giúp giảm giá thành sản phẩm và tăng ngân sách hỗ trợ cho nhà phân phối.
Ngoài ra, công ty đang tăng cường xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Philippines thông qua liên doanh Del Monte-Vinamilk để đa dạng hóa nguồn doanh thu, bù đắp cho thị trường Trung Đông.
Các chi nhánh nước ngoài ghi nhận doanh thu thuần 1.117 tỷ đồng, tăng trưởng 26,1% so với cùng kỳ. Trong đó, Driftwood ghi nhận mức tăng gần 30% nhờ nhu cầu từ các trường học đã phục hồi hoàn toàn và Angkormilk tăng trên 20% nhờ hoạt động phát triển thị trường hiệu quả.
Lợi nhuận sau thuế trong quý III đạt 2.323 tỷ đồng, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 4 quý gần nhất và tăng 10,5% so với quý II. Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ quý III đạt 2.298 tỷ đồng, giảm 21,4% so với quý III/2021.
Biên lợi nhuận gộp đạt 39,5% quý III do giá nguyên vật liệu vẫn duy trì ở mức cao. Đây là mức biên lãi gộp thấp nhất của Vinamilk kể từ quý I/2015. Hiện giá một số nguyên liệu đã bước vào xu hướng điều chỉnh mạnh, ví dụ giá sữa bột gầy đã điều chỉnh từ vùng đỉnh 4.600 USD/tấn vào đầu tháng 4 xuống còn 3.250 USD/tấn (Global Dairy Trade2) và Vinamik sẽ sớm được hưởng lợi. Biên lãi thuần quý III là 14,4%.
Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu thuần 44.888 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6.708 tỷ đồng, giảm lần lượt 0,47% và 20,3% so với cùng kỳ năm 2021. So với mục tiêu năm, Vinamilk đã hoàn thành lần lượt 70,2% chỉ tiêu doanh thu và 68,7% kế hoạch lợi nhuận năm. Lãi ròng 9 tháng là 6.647 tỷ, giảm 20,2% so với ba quý đầu 2021.
EPS 9 tháng đạt 2.835 đồng và EPS 4 quý gần nhất là 3.778 đồng.
Có hơn 22.400 tỷ tiền nhàn rỗi, lãi tiền gửi gần 900 tỷ 9 tháng
Về tình hình tài chính, quy mô tài sản cuối quý III của Vinamilk là 51.200 tỷ đồng, giảm 3,9% so với đầu năm.
Chỉ tiêu tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,7%) trong cơ cấu tài sản với tổng giá trị 22.401 tỷ đồng tại ngày 30/9. 9 tháng khoản tiền gửi này đem về cho công ty 885 tỷ đồng lãi tiền gửi.
Hàng tồn kho cuối kỳ của Vinamilk ghi nhận 5.777 tỷ đồng, giảm 18,6% so với cuối quý II và là mức thấp nhất kể từ quý I/2021.Việc này giúp rút ngắn vòng quay hàng tồn kho và vòng quay tiền mặt trong quý III xuống lần lượt 61 ngày và 54 ngày (quý II là 71 ngày và 58 ngày).
Theo đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đã ghi nhận sự cải thiện, đạt hơn 4.235 tỷ trong quý III, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 7.190 tỷ.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của doanh nghiệp là 16.983 tỷ đồng tại ngày 30/9, trong đó nợ vay là 9.477 tỷ, chủ yếu là vay ngắn hạn bằng USD từ các nhà băng nước ngoài.
Tổng chi phí đi vay 9 tháng đầu năm của Vinamilk là 113 tỷ. Việc vay nợ bằng USD và hoạt động xuất khẩu cũng khiến công ty ghi nhận khoản lỗ ròng chênh lệch tỷ giá 83 tỷ đồng ba quý trong bối cảnh đồng USD liên tục mạnh lên so với VND.
Chính nghiệp vụ huy động vốn lãi suất thấp và gửi lại tiền tại các ngân hàng với lãi suất cao hơn đã đem về cho Vinamilk thêm khoản lãi 689 tỷ đồng ba quý sau khi trừ đi chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá.
Vốn chủ sở hữu cuối kỳ của Vinamilk là 33.844 tỷ bao gồm 4.815 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 5.065 tỷ ở quỹ đầu tư phát triển.