|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao số ca COVID-19 mới ở Hà Nội lại tăng sau một tuần giãn cách xã hội?

08:04 | 01/08/2021
Chia sẻ
Những ngày gần đây, số ca dương tính với COVID-19 ở Hà Nội luôn cao, về vấn đề này, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết: "Số ca mắc tăng lên chứng tỏ Hà Nội đã đánh giá được đúng nguy cơ và đã rà soát được đúng các đối tượng, không để bị sót lọt, đồng thời các biện pháp chống dịch đã được tăng cường".
Vì sao số ca COVID-19 mới ở Hà Nội lại tăng sau một tuần giãn cách xã hội? - Ảnh 1.

Đường phố TP Hà Nội vắng vẻ trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: Như Ngọc).

Thủ đô Hà Nội đã trải qua một tuần (24/7 - 30/7) thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố, trong thời gian này Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 434 ca bệnh COVID-19, rải rác ở hơn 24 quận, huyện thay vì tập trung một vài nơi.

Đặc biệt, thành phố đã ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 trong các cơ sở y tế và khu công nghiệp, mới đây nhất là tại Bệnh viện Phổi Hà Nội (phát hiện hôm 25/7), hay trước đó là Công ty SEI thuộc khu công nghiệp Thăng Long. Đây đều là những khu vực có đông người tập trung nên rủi ro dịch bùng phát là rất cao.

Dịch COVID-19 Hà Nội ra sao sau một tuần giãn cách xã hội? - Ảnh 2.

Diễn biến số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận thêm mỗi ngày ở TP Hà Nội trong một tuần dầu giãn cách. (Nguồn dữ liệu: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ).

Phát hiện 32 ca qua sàng lọc ho sốt cộng đồng

Trong 6 ngày đầu giãn cách (24/7 - 29/7) trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận thêm 52 ca nhiễm mới, số ca nhiễm mới ghi nhận tăng dần cho đến ngày giãn cách thứ 4, sau đó có xu hướng giảm dần ở các ngày giãn cách thứ 5 và 6. 

Tuy nhiên, đến ngày giãn cách thứ 7 (ngày 30/7), số ca mắc mới ghi nhận của Thủ đô tăng đột biến lên 119 ca, dù vậy trong số này chỉ có 61 trường hợp (chiếm 51%) phát hiện trong cộng đồng, còn lại là ghi nhận trong khu vực đã cách ly hoặc phong toả. So với 76 ca nhiễm mới hôm 27/7, trong số này có tới 51 ca trong cộng đồng (chiếm 67%).

Về tình hình các chùm ca bệnh trên địa bàn thành phố, hiện có 9 chùm bệnh đáng chú ý, đó là: Chùm ca bệnh liên quan Bệnh viện Phổi Hà Nội; Chùm ca bệnh liên quan Nhà thuốc Đức Tâm; Chùm ca bệnh Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng; Chùm ca bệnh B6 Trại Găng, Hai Bà Trưng; Chùm ca bệnh Nguyễn Khuyến, Đống Đa; Chùm ca bệnh Tân Mai, Hoàng Mai; Chùm ca bệnh liên quan Công ty SEI; Chùm ca bệnh liên quan đến Bắc Giang và TP HCM.

Dịch COVID-19 Hà Nội ra sao sau một tuần giãn cách xã hội? - Ảnh 3.

Diễn biến số ca nhiễm COVID-19 mới của các chùm ca bệnh ở Hà Nội trong tuần đầu phong toả. (Nguồn dữ liệu: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ).

Sau một tuần thực hiện giãn cách, có tới 7/9 chùm ca bệnh có số ca nhiễm có xu hướng giảm rõ rệt như chùm ca bệnh Bệnh viện Phổi Hà Nội, chùm Tân Mai, Hoàng Mai..., đặc biệt trong đó có 4 chùm bệnh không phát hiện thêm ca mắc mới nào vừa qua như chùm Công ty SEI (ba ngày liên tiếp không có ca mắc mới), chùm Nguyễn Khuyến, Đống Đa (hai ngày), chùm Bắc Giang và chùm Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng (1 ngày).

Hai chùm ca bệnh còn lại là Nhà thuốc Đức Tâm và chùm liên quan TP HCM, trong 6 ngày đầu giãn cách, số ca nhiễm mới ở hai chùm ca bệnh này cũng đã có xu hướng giảm rõ rệt (còn hai ca ở Nhà thuốc Đức Tâm và 0 ca liên quan TP HCM trong ngày 29/7).

Tuy nhiên lại tăng đột biến vào ngày 30/7 (Nhà thuốc Đức Tâm 18 ca, TP HCM 8 ca), dù vậy chỉ có 6/18 ca ở Nhà thuốc Đức Tâm và 2/8 ca liên quan TP HCM là các trường hợp ghi nhận trong cộng đồng, còn lại được phát hiện trong khu cách ly hoặc đã được phong toả.

Dịch COVID-19 Hà Nội ra sao sau một tuần giãn cách xã hội? - Ảnh 4.

Số ca COVID-19 phát hiện do sàng lọc ho sốt cộng đồng ở Hà Nội từ 24/7 đến 30/7. (Nguồn dữ liệu: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ).

Mặc dù các chùm ca bệnh đáng chú ý trên địa bàn TP Hà Nội đã dần được kiểm soát, sau một tuần giãn cách, thành phố đã ghi nhận 32 ca nhiễm COVID-19 phát hiện thông qua xét nghiệm sàng lọc người ho sốt trong cộng đồng, từ đó xác định được 189 ca ho sốt thứ phát tại cộng đồng (là các ca bệnh tiếp xúc gần với ca bệnh phát hiện qua sàng lọc các trường hợp ho sốt tại cộng đồng).

Như vậy, số ca sàng lọc ho sốt cộng đồng và ho sốt thứ phát cộng đồng chiếm 51% tổng số ca ghi nhận trong một tuần giãn cách vừa qua, đáng chú ý, nhiều ca trong số này chưa xác định được nguồn lây, khiến cho việc dự báo thời điểm TP Hà Nội kiểm soát được dịch bệnh khó khăn hơn.

Dịch COVID-19 Hà Nội ra sao sau một tuần giãn cách xã hội? - Ảnh 5.

Tỷ lệ số ca COVID-19 phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc người ho sốt trong cộng đồng ở Hà Nội. (Nguồn dữ liệu: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ).

Vì sao số ca mới ở Hà Nội lại tăng?

Nói về tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội những ngày nà, theo báo Gia đình & Xã hội, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết những ca được phát hiện tại khu cách ly tập trung đều được quản lý và không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Theo ông Tuấn, chỉ nên quan ngại đối với các ca được phát hiện tại cộng đồng.

"Số ca mắc tăng lên chứng tỏ Hà Nội đã đánh giá được đúng nguy cơ và đã rà soát được đúng các đối tượng, không để bị sót lọt, đồng thời các biện pháp chống dịch đã được tăng cường", ông Tuấn nói.

Vì sao số ca COVID-19 mới ở Hà Nội lại tăng sau một tuần giãn cách xã hội? - Ảnh 6.

Hà Nội phun khử khuẩn diện rộng hôm 26/7. (Ảnh: Reuters).

Ông Tuấn nhận định ít nhất, sau 7-10 ngày thực hiện giãn cách xã hội, mới rà soát được gần hết các F0. "Dự kiến số ca dương tính tiếp tục tăng trong hai ngày tới đây. Phải ít nhất sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội cùng với sự tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch của người dân thì số ca mắc sẽ giảm dần".

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng Hà Nội là "vùng trũng" của dịch nên nguy cơ cao.

Ông nhấn mạnh Hà Nội cần thực hiện nghiêm việc giãn cách theo Chỉ thị 16 đến từng hộ gia đình, đồng thời thực hiện tốt Thông điệp 5K để cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

"Nếu thực hiện không nghiêm thì sẽ không có tác dụng gì. Giống như chúng ta chỉ rào 2 đầu ngõ, đầu phố nhưng ở trong người dân vẫn giao lưu, tiếp xúc. Đặc biệt, biến chủng Delta lây lan rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn có thể lây lan ra nhiều người. Nếu người nhiễm virus mà đi lại nhiều nơi thì dịch nhanh chóng lây lan ra diện rộng," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến hết ngày 30/7) là 1.100 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 663 ca (chiếm 60%), số mắc là đối tượng đã được cách ly là 437 ca (chiếm 40%).

Như Ngọc