Vì sao lợi nhuận PVS giảm 45% trong quý IV/2023?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, doanh thu thuần của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) tăng 28% so với cùng kỳ lên 6.758 tỷ đồng. Giá vốn trong kỳ tăng 33%, cao hơn mức tăng của doanh thu nên lãi gộp thu hẹp 21%. Biên lãi gộp trong quý đạt 5,6%.
Trong quý cuối năm, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 112% nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá. Các chi phí đều tăng lên, riêng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 146% do ghi nhận chi phí cho các hoạt động, công việc chuẩn bị và triển khai các dự án phát sinh mới trong quý.
Còn lợi nhuận khác thấp hơn cùng kỳ do giá trị hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình xây dựng đã hoàn thành theo quy định ít hơn quý IV/2022.
Kết quả cả quý, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) của PVS giảm 45% về 286 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần đạt 19.349 tỷ, tăng 18% so với năm 2022, trong đó doanh thu từ hợp đồng xây dựng đóng góp gần 10.940 tỷ đồng, chiếm 57% doanh thu thuần và tăng 26% so với cùng kỳ. Mảng cung cấp dịch vụ chiếm 42% doanh thu và tăng 8%.
Các chi phí đều tăng so với cùng kỳ, trong khi doanh thu từ hoạt động tài chính và lợi nhuận khác không đủ bù đắp. Kết quả lợi nhuận ròng cả năm giảm 12% về 866 tỷ.
Trong báo cáo phân tích cuối tháng 12/2023, Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá mảng cơ khí xây lắp (M&C) sẽ là mảng mang tính chiến lược với đóng góp 50-55% doanh thu hàng năm của PVS. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của mảng này luôn chỉ đạt mức thấp 1,5% - 2,3% trong nhiều năm trở lại đây do chi phí nguyên vật liệu tăng và cạnh tranh trong giá đấu thầu các dự án.
Ngoài ra, do các tỷ trọng dự án M&C trong những năm gần đây chủ yếu là các dự án trên bờ và ở nước ngoài, trong khi các dự án ngoài khơi trong nước mới là các dự án đem lại biêr lợi nhuận gộp cao hơn (trung bình 4-5%).
ACBS đánh giá việc trúng thầu gói EPCI#1 và EPCI#2 của Dự án Lô B Ô Môn mới đây sẽ đóng góp tích cực cho mảng M&C cho giai đoạn 2024 - 2028. Ngoài ra, chuỗi dự án này cũng sẽ làm tăng nhu cầu các dịch vụ O&M, căn cứ cảng và các tàu chuyên dụng của PVS trong suốt vòng đời của các dự án này.
Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất điện gió ngoài khơi nước ta lên tới 6.000 MW vào năm 2030. Ngoài ra, nhu cầu điện gió ở các nước trong khu vực cũng đang gia tăng. Với kinh nghiệm dày dặn trong việc xây lắp dự án dầu khi ngoài khơi và hệ thống cảng, nhà xưởng lớn, các chuyên gia phân tích đánh giá PVS có lợi thế khi đấu thầu các dự án này trong thời gian tới.
Nắm hơn 10.000 tỷ đồng tiền mặt
Cuối năm 2023, tổng tài sản của PVS hơn 26.400 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu năm. Trong đó khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất (38%) là tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn với 10.086 tỷ đồng. Năm ngoái, PVS nhận về hơn 463 tỷ đồng từ lãi tiền gửi, tiền cho vay, tăng 80% so với năm 2022.
Các khoản phải thu ngắn hạn trên 4.160 tỷ, giảm 18% sau 12 tháng và chiếm 16% tổng tài sản.
Cuối năm 2023, giá trị các khoản đầu tư vào 7 công ty liên doanh, liên kết của PVS là 4.928 tỷ đồng, trong khi giá trị khoản đầu tư gốc là 1.624 tỷ. Trong các đơn vị này có 2 doanh nghiệp có trụ sở tại Việt Nam, còn lại nằm tại Malaysia và Singapore chuyên về dịch vụ khai thác kho chứa nổi (FSO).
Tổng dư nợ vay tại cuối kỳ là 1.740 tỷ đồng, tăng 27% sau một năm. Năm qua, công ty vay 509 tỷ đồng và trả nợ gốc 161 tỷ. Chi phí lãi vay cả năm khoảng 73 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu cuối kỳ đạt 13.384 tỷ, với lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 3.888 tỷ và 3.451 tỷ cho quỹ đầu tư phát triển.