|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Trúng đấu giá khu đất tỷ USD Thủ Thiêm, Tân Hoàng Minh phải nộp hơn 12.000 tỷ sau 30 ngày

20:53 | 11/12/2021
Chia sẻ
Trong quá khứ, Tân Hoàng Minh từng trúng đấu giá rất cao tại khu đất số 23 Lê Duẩn (TP HCM) nhưng sau đó có văn bản xin hủy kết quả và phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền chậm nộp theo quy định.

Theo kết quả đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3 và số 4 Khu đô thị mới Thủ Thiêm ngày 10/12, các doanh nghiệp trúng giá đã bỏ giá gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, tương đương mỗi mét vuông đất dao động 470 triệu đồng - 2,45 tỷ đồng.

Trong đó, CTCP Dream Republic trúng đấu giá khu đất 3-5 (6.446 m2) với giá 3.820 tỷ đồng, cao gấp 6,6 lần so với giá khởi điểm.

CTCP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất 3-8 (8.500 m2) với giá trúng 4.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với mức giá khởi điểm.

Công ty TNHH Thương mại Bình Minh (có trụ sở tại Hà Nội) trúng đấu giá lô đất 3-9 với giá 5.026 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ đồng/m2), gấp 7 lần giá khởi điểm.

Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - thành viên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất 3-12 (10.060 m2) với giá 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá khởi điểm.

Như vậy, TP sẽ thu về ngân sách 37.346 tỷ đồng tư việc đấu giá 4 lô đất nói trên.

Theo quy chế đấu giá tài sản do Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP HCM ban hành (đã được bên tham gia đấu giá đã chấp thuận), bên trúng đấu giá phải ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày đấu giá thành công.

Hợp đồng này sẽ được ký kết ba bên, gồm người trúng đấu giá, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP HCM (đại diện sở hữu các lô đất) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP HCM.

Sau thời hạn trên, nếu bên trúng đấu giá không thực hiện ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thì coi như đã từ chối kết quả đấu giá và mất tiền đặt trước cho lô đất đấu giá (20% trên giá khởi điểm).

Chiếu theo giá khởi điểm 4 lô đất nói trên, số tiền các doanh nghiệp đã nộp trước lần lượt: CTCP Dream Republic (115,6 tỷ đồng), CTCP Sheen Mega (203,8 tỷ đồng),  Công ty TNHH Thương mại Bình Minh (145,7 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (588,4 tỷ đồng).

Tiếp đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải thanh toán cho ngân sách nhà nước 50% số tiền mua tài sản theo thông báo của cơ quan thuế. 60 ngày tiếp theo, người trúng đấu giá sẽ thanh toán đủ số tiền còn lại.

Theo quy định này, 4 doanh nghiệp trúng đấu giá phải nộp đủ tiền trúng đấu giá 37.346 tỷ đồng sau khoảng 100 ngày, tức vào giữa tháng 3/2022.

Trong trường hợp quá thời hạn thanh toán mà bên trúng đấu giá chậm thanh toán tiền mua tài sản sẽ bị thu tiền nộp chậm theo quy định về quản lý thuế.

Nếu quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế, người trúng đấu giá không nộp đủ số tiền mua tài sản thì vi phạm hợp đồng mua bán.

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP HCM sau đó sẽ thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá để các cơ quan liên quan trình UBND TP HCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.

Người trúng đấu giá không nộp hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá theo thời gian trên sẽ không được nhận lại tiền đặt trước và số tiền đặt trước này sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.

Sau khi các doanh ngiệp trúng đấu giá hoàn tất các nghĩa vụ tài chính, cơ quan chức năng TP sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao đất trong hạn không quá 5 ngày làm việc sau khi cấp giấy.

Tân Hoàng Minh phải nộp hơn 12.000 tỷ sau 30 ngày

Với việc lập kỷ lục đất giá đất tại khu đất 3-12 với giá 24.500 tỷ đồng, thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh phải nộp 50% số tiền trúng đấu giá, tương đương 12.250 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước sau 30 ngày (tức khoảng ngày 10/1/2022). Con số này lớn hơn nhiều so với vốn doanh nghiệp huy động được vào năm ngoái.

Theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Đỗ Anh Dũng, năm 2020, Tân Hoàng Minh trả nợ 11.900 tỷ đồng, nợ lãi hơn 2.000 tỷ và vay mới hơn 7.000 tỷ đồng.

Trong quá khứ, Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng lập kỷ lục khi trúng đấu giá lô đất 3.025 m2 tại số 23 Lê Duẩn (quận 1, TP HCM) vào năm 2016 với giá 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 7 năm tính tại thời điểm đó.

Trúng đấu giá khu đất tỷ USD Thủ Thiêm, Tân Hoàng Minh phải nộp hơn 12.000 tỷ sau 30 ngày - Ảnh 2.

Tân Hoàng Minh từng trúng đấu giá khu đất số 23 Lê Duẩn với giá 1.460 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm. Khu đất này hiện nay đang xây dựng trụ sở văn phòng của Techcombank, do Newtecons làm tổng thầu. (Ảnh: Newtecons).

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị hủy kết quả đấu giá khu đất này sau khi TP HCM phê duyệt kết quả đấu giá. Sau đó, Tân Hoàng Minh phải nộp thêm gần 264 tỷ đồng tiền chậm nộp tiền trúng đấu giá. Tổng số tiền Tân Hoàng Minh chi cho khu đất này gần 1.800 tỷ đồng.

Khu đất này chính thức về với Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, Mã: TCB) vào năm 2018 khi báo cáo tài chính của ngân hàng ghi nhận 3.468 tỷ đồng tiền tạm ứng mua sắm tài sản cố định và xây dựng trụ sở văn phòng làm việc của ngân hàng, trong đó có bất động sản tại TP HCM.

Hiện nay, khu đất số 23 Lê Duẩn là công trình trụ sở văn phòng của Techcombank, do Newtecons làm tổng thầu thi công.

Ngoài các khu đất tại TP HCM, Tân Hoàng Minh còn sở hữu nhiều dự án hạng sang ở nhiều vị trí đắc địa tại Hà Nội.

Trong đó, doanh nghiệp từng chi tiền đèn bù 1 tỷ đồng/m2 đối với khu đất hai mặt tiền 22-24 phố Hàng Bài và 25-27 phố Hai Bà Trưng (khu phố cổ Hà Nội) để làm dự án D' San Raffles.

Khu đất phố cổ này hiện nay do Masterise phát triển với tên gọi The Grand HaNoi - Masterise D'. San Raffles từ đầu tháng 3 năm nay. Dự kiến đây sẽ là dự án đắt đỏ nhất thủ đô với giá chào bán 500-600 triệu đồng/m2.

Tính đến cuối năm 2019, quy mô tài sản của nhóm Tân Hoàng Minh trên 30.000 tỷ đồng, lớn hơn nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết như Kinh Bắc, Đất Xanh, Phát Đạt, Hà Đô, Khang Điền, Nam Long,...

Trong đó, công ty mẹ của Tập đoàn Tân Hoàng Minh có tài sản trên 13.932 tỷ đồng. Các công ty thành viên phát triển dự án đều có tài sản hàng nghìn tỷ đồng như Ngôi Sao Việt (7.013 tỷ đồng), Soleil (5.897 tỷ đồng), Phú Thanh (2.465 tỷ đồng), Cung Điện Mùa Đông (1.182 tỷ đồng).

Trong năm 2019, ngoại trừ Soleil và Cung Điện Mùa Đông lần lượt lãi sau thuế gần 72 tỷ đồng và 77 tỷ đồng, các thành viên còn lại của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đều lỗ, đơn cử như Ngôi Sao Việt dù doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng nhưng công ty vẫn lỗ sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng.

Nguyên Ngọc