TP HCM vận hành ra sao trong 15 ngày triệt để giãn cách xã hội?
Doanh nghiệp áp dụng "ba tại chỗ", siết chặt đối tượng tham gia giao thông
Theo Công văn số 2796 (21/8), tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP triển khai thực hiện phương án 3 tại chỗ hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" (tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị) và phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 0h ngày 23/8.
Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động nếu đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Từ 23/8 đến ngày 6/9, TP HCM tổ chức các chốt kiểm tra, lực lượng tuần tra (Công an TP HCM, Bộ Tư lệnh TP HCM, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện) để kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm.
Những trường hợp ra đường phải có giấy đi đường, dấu hiệu nhận diện, riêng công chức mặc đồng phục theo hướng dẫn của TP.
Chi tiết: 30 đối tượng được phép ra đường từ 0h ngày 23/8 tại TP HCM
Phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị nhà nước
Đối với các cơ quan đơn vị nhà nước, các cán bộ, công chức, người lao động được tổ chức làm việc tại nhà; riêng lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch và giải quyết các công việc khẩn cấp có thể áp dụng "3 tại chỗ" hoặc theo phân công luân phiên.
Lượng cán bộ, công nhân viên chức, người lao động đi làm không quá 1/4 tổng số. Các cơ quan chủ động quyết định giảm số lượng đến mức thấp nhất có thể, nhưng phải đảm bảo có lãnh đạo đơn vị trực tại trụ sở.
Các nội dung được làm trực tiếp tại cơ quan gồm: Trực cơ quan, xử lý văn thư đi - đến và các văn bản theo chế độ mật; tham mưu xử lý, giải quyết công tác liên quan phòng, chống dịch COVID-19 theo chức năng, nhiệm vụ; giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Những đơn vị tạm ngừng hoạt động bố trí bảo vệ; trực phòng cháy chữa cháy, xử lý các việc đột xuất. Riêng lực lượng vũ trang, ngành y tế đảm bảo 100% quân số.
Tạm ngưng tiếp nhận giải quyết trực tiếp các thủ tục hành chính; chỉ tiếp nhận bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trả kết quả qua bưu chính hoặc mạng xã hội.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước quản lý thuộc đối tượng được cấp giấy đi đường có mã số đơn vị là "1A" thì số lượng cấp giấy đi đường là không quá 10% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc cơ quan, đơn vị.
Riêng những cơ quan, đơn vị tự trang bị áo nhận diện phải thông báo số lượng, mẫu, màu sắc để lực lượng chức năng giám sát.
Hỗ trợ 2 triệu túi an sinh tới người dân khó khăn
Về an sinh xã hội, TP cho biết sẽ hỗ trợ bổ sung đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh số 2, thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ (miễn, giảm tiền điện nước).
Đồng thời, chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn.
Trong hai ngày 22 - 23/8, TP triển khai 500.000 túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động này do Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch COVID-19 thực hiện.
Tiếp đó, từ 24/8 đến 6/9, trung tâm này sẽ triển khai thêm 1,5 triệu túi an sinh. Túi an sinh xã hội bao gồm các nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, nước mắm, rau củ… đủ để sống trong vòng 1 tuần.
Người dân TP HCM được "đi chợ hộ" 1 lần/tuần
Từ 23/8, dự kiến mỗi ngày, TP HCM cần 10.964 tấn hàng hóa cho 9,4 triệu dân.
Trong đó, 1.981 tấn gạo, lương thực chế biến (mì, bún, phở…) khoảng 660 tấn, thịt gia súc 755 tấn, thịt gia cầm 660 tấn, thực phẩm chế biến 236 tấn, trứng gia cầm 108 tấn (2,1 triệu quả), rau củ quả 4.246 tấn, đường 236 tấn, sữa 1.742 tấn (1,7 triệu lít), dầu ăn 189 tấn, muối 47 tấn, nước chấm 104 tấn (79.865 lít).
Trung bình 1 tuần, TP cần 76.747 tấn, trong 15 ngày tới khoảng 164.460 tấn. Ngoài ra, nước uống khoảng 19 triệu lít/ngày, 566 triệu lít/tháng); các mặt hàng phòng, chống dịch như khẩu trang 628.969 cái/ngày (18,8 triệu cái/tháng), nước sát khuẩn 0,5 lít khoảng 239.596 chai/ngày (7,2 triệu chai/tháng).
Việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức "đi chợ hộ" do tổ hậu cần địa phương, tổ COVID-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, MTTQ, tổ dân phố...), công an, quân đội với tần suất 1 lần/tuần, phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).
Nếu địa bàn thiếu hụt nguồn hàng, Sở Công thương hỗ trợ bổ sung và tổ chức điều phối các chuyến xe bán hàng lưu động, siêu thị mini di động để bổ trợ thêm kênh phân phối hàng hóa đến người dân.
Mục tiêu vừa kiểm soát việc di chuyển, lưu thông trên đường, vừa đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận, cung ứng kịp thời hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày.
Chăm sóc F0 tại nhà bằng trạm y tế lưu động
Về điều trị F0 tại nhà, TP HCM thành lập thêm 400 Trạm y tế lưu động; được trang bị các túi thuốc, 3-5 bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ xét nghiệm nhanh. Lộ trình triển khai thành lập các trạm y tế lưu động theo tham mưu của Sở Y tế được chia thành 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Thành lập 135 trạm y tế của 16 quận, huyện (quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Bình Thạnh, Nhà Bè, Tân Bình, Gò Vấp, TP Thủ Đức) đi vào hoạt động trước ngày 24/8.
Giai đoạn 2: Thành lập 225 trạm y tế của 18 quận, huyện (quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, TP Thủ Đức, Nhà Bè, Hóc Môn) đi vào hoạt động trước ngày 27/8.
Sở Y tế cũng yêu cầu quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai các Tổ phản ứng nhanh, quản lý, hỗ trợ sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà, Thanh Niên cho hay.
Tổ phản ứng nhanh có nhiệm vụ cho F0 cách ly tại nhà thở oxy, sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm dạng uống trong khi chờ chuyển đến cơ sở điều trị. Đối với người bệnh có triệu chứng nhẹ, không cần can thiệp cấp cứu thì đưa về cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn phường, xã, thị trấn hoặc quận, huyện.
Đối với F0 cách ly tại nhà cần can thiệp cấp cứu thì thực hiện sơ cấp cứu ban đầu tại trạm y tế lưu động, sau đó vận chuyển người bệnh về bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện gần nhất trên địa bàn để tiếp tục xử lý. Trường hợp người dân gặp các tình huống khẩn cấp tại nhà cần được cấp cứu thì liên hệ tổng đài 115 để được hỗ trợ.
Xét nghiệm toàn bộ người dân ở "vùng đỏ, cam" trong 3 ngày
Từ ngày 23/8, TP HCM sẽ bắt đầu xét nghiệm với mục tiêu hoàn tất công tác xét nghiệm cho toàn bộ người dân vào ngày 25/8 và lặp lại xét nghiệm lần 2.
Toàn bộ 312 phường, xã, thị trấn có hơn 25.000 tổ dân phố, tổ nhân dân; phân theo vùng nguy cơ thì có gần 3.100 tổ nguy cơ rất cao và gần 2.000 tổ nguy cơ cao.
Tại các khu vực nguy cơ cao (vùng cam) và rất cao (vùng đỏ) sẽ xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân trong vùng.
Còn khu vực vùng xanh và vùng cận xanh xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 10 đại diện hộ gia đình, tần suất 2 lần cách nhau 7 ngày.
Vùng vàng sẽ xét nghiệm ngẫu nhiên, có trọng điểm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 5 đại diện hộ gia đình, từng bước tiến đến xét nghiệm đại diện toàn bộ người dân để chuyển thành vùng xanh.
Các Trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức phân công các đội xét nghiệm. Mỗi đội phụ trách 4 tổ dân phố, cấp phát sinh phẩm xét nghiệm (test) kháng nguyên nhanh đến từng hộ dân có khả năng tự thực hiện xét nghiệm.
Nếu người dân không thể tự thực hiện, đội xét nghiệm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và có thể hướng dẫn cho người dân thực hiện cho các thành viên trong gia đình.
Sau 30-60 phút, nhân viên đội xét nghiệm quay lại nhận kết quả, ghi nhận những trường hợp dương tính, tổng hợp, lập danh sách gửi về trung tâm y tế địa phương.
Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên định kỳ hằng tuần đối với các đối tượng: lực lượng tham gia chống dịch (nhân viên y tế, công an, quân đội, dân phòng, tình nguyện viên...); lái xe, người thu gom rác thuộc công ty môi trường đô thị và công ty dịch vụ công ích, nhân viên bán xăng, nhân viên nhà thuốc tây, nhân viên giao hàng (shipper).
Tiêm vắc xin tại nhà ở "vùng đỏ" và "vùng cam"
Việc tiêm vắc xin COVID-19 ở "vùng đỏ" và "vùng cam" (gồm TP Thủ Đức và các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Hóc Môn) sẽ được tổ chức theo hướng đưa đội tiêm vắc xin di động đến tận nhà dân để tiêm.
Đội tiêm được tổ chức ở địa điểm phù hợp, bên trong hoặc sát khu phong tỏa, mời người dân từng hộ. Tại khu chung cư sẽ tổ chức điểm tiêm, phối hợp với ban quản lý chung cư, mời tuần tự các hộ cùng tầng ra tiêm, có thể tổ chức vào buổi tối. Các đội tiêm và phục vụ tiêm phải được trang bị đầy đủ thiết bị, quần áo bảo hộ.
Trong đợt 5 tiêm vắc xin COVID-19 (22/7-22/8), TP HCM đã tiêm hơn 4,3 triệu liều. Tổng số liều tiêm trong 5 đợt đến nay là 5,38 triệu liều, hơn 183.000 người đã tiêm mũi 2. Riêng vắc xin VeroCell của Sinopharm đã tiêm 183.832 liều.
UBND TP HCM đặt mục tiêu đến ngày 15/9, hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1, 15% người dân được tiêm mũi 2. Hoàn thành tiêm mũi 1 cho người cao tuổi, có bệnh nền.
Đồng thời, hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 cho 15% số lượng công nhân còn lại ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và chuẩn bị cho đợt tiêm mũi 2.