Thị trường heo hơi diễn biến bất thường, trầm lắng ngay mùa cao điểm
Giá heo hơi đi xuống khi bước vào cao điểm cuối năm
Thông thường, ba tháng cận kề Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường heo hơi trong nước sôi động nhất năm, tuy nhiên năm nay, Tết Dương lịch và Âm lịch 2023 đang đến rất gần, giá heo lại đi ngang, thậm chí giảm nhẹ.
Khảo sát số liệu cho thấy sau khi tăng bật lên 75.000 đồng/kg vào giữa tháng 7, giá heo hơi đã lao dốc 4 tháng liên tiếp và hiện đang ở mức 52.000 - 54.000 đồng/kg. Đây cũng là mặt bằng giá chung trong năm nay.
Nhìn lại thống kê cao điểm tiêu thụ giai đoạn 2019 – 2022 cho thấy, giá heo hơi cuối năm 2022 đang có xu hướng giảm nhẹ hoặc đi ngang, diễn biến ngược chiều so với các năm trước.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Chưa năm nào, thị trường heo hơi sát Tết Nguyên đán lại kém sôi động như năm nay. Sức tiêu thụ yếu, một số doanh nghiệp ghi nhận tình trạng ứ đọng một phần nhỏ đàn heo quá cân. So với mọi năm, giá heo hơi thời điểm này được xem là bất thường vì lịch sử hầu như không có hiện tượng ứ đọng, giá thấp như thế”.
Theo ông Trọng, sự mất cân đối cung – cầu chính là nguyên nhân khiến thị trường heo hơi ảm đạm ngay trong mùa cao điểm tiêu thụ.
Kể từ đầu quý IV, nhiều doanh nghiệp, nhà máy cắt giảm giờ làm, cho lao động nghỉ luân phiên, nghỉ Tết sớm do thiếu đơn hàng, thu nhập của người lao động bấp bênh khiến tiêu thụ thịt heo cũng chững lại.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tổng đàn heo tính đến tháng 11 tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Trọng cho rằng với đà tăng trưởng như hiện nay, nếu không gặp bất lợi về dịch bệnh thì nguồn cung thịt heo từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sẽ được đảm bảo.
“Những ngày sát Tết, giá heo hơi có thể sẽ nhích lên nhẹ, cao nhất cũng chỉ khoảng 60.000 đồng/kg và không có chuyện sốt giá”, ông Trọng nói.
Trái với diễn biến năm nay, cuối năm 2019, cung yếu hơn cầu, giá heo hơi trong nước leo thang lên 75.000 – 90.000 đồng/kg, có lúc đã chạm mốc 100.000 đồng/kg.
Cơn sốt giá heo năm này xảy ra do dịch tả heo châu Phi đã tàn phá hơn 6 triệu con của Việt Nam, tổng đàn sụt giảm còn 25 triệu con.
Giá heo năm 2023 khó hưởng lợi theo thị trường Trung Quốc
Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu đã đưa ra dự báo giá heo năm 2023 có thể tăng 5% do nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi. Tuy nhiên mức tăng 5% được cho là khá khiêm tốn khi giá thành chăn nuôi đối với nông hộ hiện ở mức xấp xỉ 60.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết nếu bán heo dưới 60.000 đồng/kg, người chăn nuôi nông hộ chắn chắn sẽ lỗ, còn lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng hụt hơi.
Trước những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, các hiệp hội chăn nuôi đã đề xuất Chính phủ mở cửa xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nhằm đẩy giá mặt hàng này lên.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng thực tế nước ta không cấm xuất khẩu thịt heo theo đường tiểu ngạch nhưng phía Trung Quốc đang kiểm soát rất chặt dịch bệnh cả ở người và động vật kể từ khi dịch tả heo châu Phi và dịch COVID-19 bùng phát.
“Với chính sách mậu biên, người dân vẫn có thể trao đổi, mua bán thịt heo qua biên giới nhưng hàng hóa không sang được vì phía Trung Quốc kiểm tra chặt chẽ, trong khi xúc tiến xuất khẩu thịt heo chính ngạch cần rất nhiều thời gian và sự chuẩn bị. Hiện, giá heo ở Trung Quốc rất cao, khoảng 90.000 – 100.000 đồng/kg, gần gấp đôi Việt Nam nhưng chúng ta khó hưởng lợi từ sự chênh lệch này”, ông Trọng nói.
Nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết năm 2017, Việt Nam từng xuất khẩu heo sống sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Cụ thể, Trung Quốc yêu cầu nước ta mở những khu tập kết heo ở các tỉnh biên giới như Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, cơ quan quản lý nước bạn sẽ sang lấy mẫu xét nghiệm đàn heo, sau 30-45 ngày không phát sinh dịch bệnh mới có thể xuất khẩu heo sang Trung Quốc.
“Các tỉnh biên giới của Việt Nam cách trung tâm khá xa, giao thông chưa thực sự thuận lợi, lưu thông hàng hóa khó khăn kèm theo thời tiết cũng khắc nghiệt… khiến yêu cầu này của Trung Quốc dễ phát sinh nhiều chi phí, thiếu tính khả thi, các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước không mặn mà.
Mặt khác, thị trường nhập khẩu phập phồng, chưa ổn định nên khó thu hút được doanh nghiệp đầu tư khu chăn nuôi ở các tỉnh nêu trên”, ông Trọng phân tích.
Ông Trọng cho rằng trước mắt người chăn nuôi và doanh nghiệp cần nắm bắt các thông tin thị trường, linh hoạt trong kế hoạch chăn nuôi để cạnh tranh tốt cả về chất lượng và giá cả ở thị trường nội địa 100 triệu dân và 1,5 triệu khách du lịch.
Còn về lâu dài, ông Trọng cho rằng ngành chăn nuôi sẽ phải xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm thịt sang Trung Quốc và các nước lân cận nhưng chặng đường này sẽ dài và không thể trong ngày một, ngày hai.
Biên lợi nhuận doanh nghiệp có thể hồi phục trong năm 2023
Như phân tích của các chuyên gia phía trên, bức tranh thị trường heo hơi năm 2023 chưa có điểm đột phá, song cũng bắt đầu có những tín hiệu tích cực: giá heo hơi có thể tăng nhẹ, thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt.
Trong báo cáo đánh giá ngành nông nghiệp, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng giá hàng hóa có khả năng giảm trong 2023 do lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu lương thực đã lắng xuống, các nước tăng nguồn cung, ngũ cốc của Ukraine cũng được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này. Bên cạnh đó, giá phân bón hạ nhiệt, góp phần thúc đẩy sản lượng thu hoạch nhờ tăng năng suất cây trồng.
Theo quan điểm của VNDirect, giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần vào năm 2023.
Trong năm 2023, nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm nhờ tăng trưởng thu nhập thực tế nhờ kế hoạch tăng lương cơ bản của chính phủ lên khoảng 20,8% vào năm 2023 và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi 84% trong quý II/2023 và 100% trong quý IV/2023, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống.
Do đó, các chuyên gia phân tích cho rằng các nhà sản xuất thịt sẽ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu tích cực trong 2023. Trong đó, dự phóng doanh thu thuần của Dabaco và BaF sẽ tăng lần lượt 3,5% và 18% trong năm 2023.
Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi đầu vào giảm và giá bán heo hơi tăng nhẹ, VNDirect nhận định biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ cải thiện trong năm 2023 như Dabaco, Masan MEATLife, Hoàng Anh Gia Lai, BaF...