Tham vọng 10 tỷ USD của ngành thủy sản có khả thi?
Nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản chạm mốc 10 tỷ USD
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 6 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng cục Thủy sản kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD trong cả năm 2022.
Kết thúc nửa đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản đã đạt 67% kế hoạch năm và đây cũng là kết quả tốt nhất từ trước tới nay.
Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) quý III là thời điểm tăng tốc của các doanh nghiệp thuỷ sản với kim ngạch có thể đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021.
Phát biểu tại một toạ đàm về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thuỷ sản tổ chức hồi tháng 6, ông Nam cho rằng xuất khẩu thủy sản năm 2022 có thể đạt 10 tỷ USD, dấu mốc mà 5 năm qua ngành thủy sản luôn cố gắng theo đuổi.
Trong đó dự báo xuất khẩu tôm đạt 4,2 tỷ USD, cá tra 2,5 -2,6 tỷ USD, cá ngừ gần 1 tỷ USD, mực, bạch tuộc khoảng 650 triệu USD, còn lại là các mặt hàng hải sản khác khoảng 1,6 tỷ USD.
Đại diện VASEP đưa ra dự báo này bởi nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thế giới tăng bật trở lại trở lại sau thời gian dài đè nén bởi dịch COVID-19, giá các sản phẩm thuỷ sản cũng tăng theo xu hướng lạm phát giá trên thị trường thế giới.
Đồng thời, ba thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đều có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, thị trường Trung Quốc bật lên 91%, Mỹ tăng 65%, EU nhích lên 45% trong 5 tháng đầu năm.
Ngoài ra, lạm phát và chiến sự của Nga - Ukraine cũng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Sau khi áp lệnh trừng phạt với Nga – nguồn cung cá thịt trắng hàng đầu, các nước như EU, Mỹ, Anh rơi vào tình trạng thiếu cá thịt trắng và phải tìm kiếm thêm các nguồn cung khác. Đó là lý do giúp xuất khẩu cá tra tăng 83% trong 6 tháng đầu năm.
Ngoài những yếu tố về thị trường, việc thế giới mở cửa, các doanh nghiệp có cơ hội tham gia các hội chợ lớn về thủy sản đã giúp doanh nghiệp lấp đầy các đơn hàng trong năm 2022.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng tận dụng tốt lợi thế thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP… khi xuất khẩu sang các thị trường như EU, Australia, Canada, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Anh...
Kết quả xuất khẩu thủy sản 6 tháng là tín hiệu vui cho ngành song vẫn còn nhiều yếu tố biến động, bất ngờ đang đe dọa ngành thủy sản trong nửa cuối năm.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn như thiếu container, cước vận tải biển tăng gấp 6-10 lần so với trước dịch; chính sách Zero COVID của Trung Quốc; cảnh báo thẻ vàng IUU của EU, chương trình kiểm soát thuỷ sản nhập khẩu của Mỹ (SIMP); cạnh tranh gay gắt với các nước khác như Ấn Độ, Ecuador về nguồn cung, giá thành và giá khẩu…
Thực tế, xung đột Nga – Ukraine có mang đến cơ hội cho thủy sản Việt Nam nhưng sự kiện này cũng gián tiếp làm tăng chi phí đầu vào, xói mòn lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp thủy sản, giảm sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.
Xuất khẩu tăng mạnh nhưng liệu có đủ nguyên liệu chế biến?
Những yếu tố nêu trên là những khó khăn cố hữu, doanh nghiệp vẫn miệt mài đi tìm lời giải cho bài toán giảm tối đa chi phí sản xuất. Đó sẽ là một chặng đường dài.
Còn trước mắt, theo ông Nam doanh nghiệp sẽ phải trả lời câu hỏi liệu có đủ nguyên liệu chế biến cho các đơn hàng cuối năm?
Điển hình như mảng tôm, khi xuất khẩu trong nửa đầu năm khá thuận lợi nhưng nhiều công ty chế biến đang phải đối mặt với rủi ro thiếu tôm nguyên liệu.
Theo đó, xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ và chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Giá tôm xuất khẩu cũng tăng 10-13%.
Từ đầu tháng 5, thời tiết có chiều hướng bất lợi cho tôm nuôi, mưa đầu mùa sớm hơn mọi năm, ảnh hưởng đến sản lượng tôm.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HDDQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết hiện nhiều trang trại nuôi ở nhiều tỉnh Sóc Trăng đang vất vả vì dịch bệnh, thậm chí đã có trang trại phải đóng cửa.Nguồn tôm nguyên liệu sẽ giảm mạnh vì dân chùn tay thả nuôi vụ hai do dịch bệnh còn tiềm ẩn.
Hiện Sao Ta vẫn đang phụ thuộc cả nguồn tôm nguyên liệu bên ngoài bởi vùng nuôi 320 ha của công ty mới chỉ đáp ứng 20 - 30% nhu cầu chế biến.
“Việc tự chủ hoàn toàn 100% nguyên liệu tôm là điều không thể vì hiện tại ngành tôm vẫn còn khá manh mún, tự phát. Do đó, không có cách nào bỏ được việc mua tôm nguyên liệu bên ngoài”, ông Lực nói.
VASEP cho rằng với tình hình này, vài tháng tới có khả năng nguyên liệu tôm sẽ thiếu hụt hơn và xuất khẩu tôm có thể sẽ tăng trưởng chậm lại.
Còn với khai thác và chế biến hải sản, Bộ NN&PTNT cho biết đến cuối tháng 6, số lượng tàu cá ngừng hoạt động lên tới 40-55%, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như lưới kéo, nghề rê...
Nguyên nhân là giá xăng dầu liên tục leo thang từ tháng 12/2021 đến nay trong khi loại nhiên liệu này chiếm 45-65% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy hải sản.
Điều này tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản trong nước và xuất khẩu, cũng như ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của ngư dân.
Trái với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu của tôm, hải sản, mặt hàng cá tra vẫn đảm bảo được diện tích thả nuôi ổn định với 3.105 ha, sản lượng thu hoạch trong nửa đầu năm nay đạt 771.430 tấn, tăng 6% cùng kỳ năm ngoái.
Chưa kể, giai đoạn quý III/2021, một số doanh nghiệp cá tra như Vĩnh Hoàn, IDI Corp đã có thể tích trữ được lượng hàng tồn kho, giá rẻ để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu năm nay.
Trong khi đó, giá cá tra xuất khẩu tăng đáng kể, điển hình như thị trường Mỹ đã tăng từ 2,6- 2,8 USD/kg lên 3,5-3,6 USD/kg. Điều này giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cải thiện lợi nhuận.
Trong số các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam, cá tra được dự báo sẽ tỏa sáng trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dự kiến khoảng 2,5 – 2,6 tỷ USD.