|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tất tay miễn phí sạc trong hai năm: VinFast chuẩn bị thế nào cho áp lực trạm sạc cực lớn?

12:33 | 25/12/2024
Chia sẻ
Chính sách mới của VinFast khi miễn phí nhiên liệu cho tất cả các dòng xe điện đến năm 2027 sẽ tạo ra cú hích doanh số vô cùng lớn cho hãng.

Ngày 24/12, VinFast ra thông báo cho biết sẽ áp dụng chính sách miễn phí sạc pin với tất cả khách hàng đã và sẽ mua xe điện tới hết ngày 30/6/2027. Riêng đối với các công ty kinh doanh dịch vụ vận tải bằng xe điện sẽ miễn phí 100% chi phí sạc trong khung giờ từ 22h đêm hôm trước tới 6h sáng hôm sau, các khung giờ còn lại được giảm 50% đơn giá.

“Với “0 đồng nhiên liệu” trong vòng hơn hai năm tới, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều động lực để chuyển đổi sang xe điện”, thông báo của VinFast cho hay.

Thực tế, trong suốt năm vừa qua, bằng các giải pháp hỗ trợ tài chính, đẩy mạnh xây dựng trạm sạc, VinFast đã vươn lên trở thành hãng bán nhiều xe nhất Việt Nam với doanh số luỹ kế đến tháng 11 là 67.000 chiếc. 

Do đó, với chiến lược “0 đồng nhiên liệu” trong vòng hơn hai năm tới, dự báo sẽ là “cú đấm thép” cho các hãng xe động cơ đốt trong trên thị trường và là động lực to lớn thúc đẩy người tiêu dùng mua xe điện nhiều hơn.

Trạm sạc xe điện VinFast trong một khu đô thị ở Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Tuy nhiên, ngoài lợi điểm về việc tăng doanh số thì điều này cũng có mặt trái là tăng áp lực lên hệ thống trạm sạc hiện hữu khi lượng xe điện tăng đột biến trong thời gian ngắn. 

Lo lắng này đã được nhiều chuyên gia, tổ chức dự báo từ trước. Theo Counterpoint Research, doanh số xe điện tại Việt Nam đã tăng hơn 400% trong quý I/2024. Còn theo theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đến năm 2028, Việt Nam có thể đạt 1 triệu xe điện. 

Tuy nhiên, hạ tầng sạc xe chưa đáp ứng đủ nhu cầu. VinFast - hãng xe điện lớn nhất thị trường, đã cung cấp hơn 150.000 cổng sạc, nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn.

HSBC ước tính Việt Nam cần khoảng 12 tỷ USD đầu tư vào trạm sạc để phổ biến xe điện trên diện rộng. Hiện tại, nguồn đầu tư chủ yếu đến từ các công ty như VinFast, SolarEV, EverEV và Eboost. PV Power, thuộc PetroVietnam, cũng mới mở trạm sạc đầu tiên vào tháng 10 và đặt mục tiêu đạt 1.000 trạm vào năm 2035.

“Tất cả các thị trường đều gặp vấn đề giống nhau. Nếu không có trạm sạc, người dân không muốn mua xe. Nhưng nếu không có người mua xe, việc xây dựng trạm sạc sẽ không hiệu quả,” ông Martin Schröder, một chuyên gia tại Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản, nhận xét trên Rest of World.

Hãng xe điện hàng đầu thế giới BYD gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 7 cũng nhận xét rằng việc thiếu đất, quy định chưa rõ ràng và cơ sở hạ tầng yếu kém là những trở ngại lớn khi mở rộng mạng lưới trạm sạc tại đây.

VinFast giải bài toán trạm sạc

Cuối tháng 3, Chủ tịch Vingroup kiêm Nhà sáng lập VinFast - ông Phạm Nhật Vượng, đã thành lập công ty V-Green nhằm đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc bằng tài sản cá nhân ông. Trong đó, ông Vượng nắm 90% cổ phần công ty.

Bước đầu V-Green sẽ trực tiếp tìm kiếm mặt bằng và đối tác để thiết lập, mở rộng mạng lưới trạm sạc tại các thị trường trọng, đồng thời hợp tác với các đối tác là đơn vị cung cấp trạm sạc bên thứ ba để cung cấp dịch vụ sạc xe cho các chủ xe điện VinFast.

Công ty cho biết sẽ đầu tư 10.000 tỷ đồng trong vòng hai năm tới để xây mới và nâng cấp, hoàn thiện hệ thống. 

Công nhân lắp đặt hoàn thiện trụ sạc bên trong một nhà máy VinFast tại Hải Phòng. (Ảnh: Đức Huy).

Tới tháng 9, V-Green mở mô hình nhượng quyền trạm sạc nhằm huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư bên ngoài. Công ty gọi mô hình nhượng quyền của mình là “sự hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân”. 

Trong đó, các nhà đầu tư mua thiết bị từ V-Green. Công ty sẽ lo vận hành, bảo trì và trả 750 đồng mỗi kWh cho các đối tác trong 10 năm. Những trạm sạc này được hiển thị trên ứng dụng VinFast, Google Maps và các ứng dụng sạc khác.

Trong vòng một tháng, doanh nghiệp này cho biết đã nhận được gần 1.000 đơn đăng ký mở trạm sạc nhượng quyền từ các đối tác trên toàn quốc. 

Cuối tháng 11, V-Green đã thành công bắt tay với “ông lớn” PV Power để kết nối các trạm sạc do đơn vị này phát triển vào hệ sinh thái của mình. Công ty cho biết PV Power và đối tác sẽ sản xuất và cung cấp các thiết bị chất lượng cao, giá cả cạnh tranh cho V-Green. 

Đồng thời mạng lưới 1.000 trạm sạc xe điện do PV Power quy hoạch triển khai trong giai đoạn 2025 - 2030 sẽ được chuyển giao cho V-Green tiếp tục nghiên cứu và phát triển để phục vụ cho các khách hàng.

Trước đó, V-Green cũng chốt thương vụ với một đơn vị phát triển trạm sạc độc lập tại Việt Nam là EverSolar để chuyển đổi mô hình thành trạm sạc nhượng quyền để phục vụ độc quyền cho chủ xe điện VinFast.

EverSolar sẽ mua lại một số trạm sạc thuộc hệ thống của EverCharge trên toàn quốc, chuyển thành mô hình trạm sạc nhượng quyền V-Green. Doanh nghiệp này cũng đầu tư mới và thay thế các thiết bị sạc hiện có thành trụ sạc của V-Green, hòa vào mạng lưới hệ thống trạm V-Green trên toàn quốc.

Xe điện VinFast đang sạc trong hầm một trung tâm hội nghị tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Tuy nhiên, chiến lược phát triển trạm sạc với tốc độ nhanh của V-Green cũng gặp khó khăn. Chia sẻ với Rest of World, bà Nguyễn Kim Ngân nói: “Tại các tỉnh thành xa xôi, cách tốt nhất là lắp trạm sạc ở cây xăng. Nhưng không phải cây xăng nào cũng có đủ chỗ,” bà Ngân, hiện là CEO của công ty sạc VHN, chia sẻ.

V-Green dự kiến các trạm sạc nằm trong hệ thống của họ sẽ phục vụ 300.000 ô tô và một triệu xe máy điện vào năm 2025 - một con số khổng lồ.

Bài học từ quốc gia láng giềng

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ xe điện và trở thành thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới. Năm qua, Trung Quốc chiếm hơn 50% tổng doanh số xe điện toàn cầu, với hơn 3 triệu chiếc được bán ra. Thị trường xe điện Trung Quốc tăng trưởng đều đặn với tốc độ 40% mỗi năm trong 5 năm qua.

Vậy động lực cho thị trường xe điện Trung Quốc đến từ đâu? Theo chuyên gia Benjamin Vindry từ Electromaps, nguyên nhân chủ yếu đến từ chính sách hỗ trợ như trợ giá, miễn thuế và đầu tư vào trạm sạc đã giúp thị trường xe điện phát triển mạnh mẽ.

Bắt đầu từ năm 2020, Chính phủ Trung Quốc ra kế hoạch phát triển ngành công nghiệp xe năng lượng mới (2021 - 2035) với mục tiêu đẩy nhanh xây dựng trạm sạc, cấp tài chính cho các trạm sạc công cộng.

Các năm sau đó, giới chức Trung Quốc liên tiếp ban hành các chính sáhc về xây dựng và cải tạo trạm sạc tại các khu dân cư; xây dựng hạ tầng sạc đồng bộ bãi đỗ xe, trạm đổi pin,… Năm 2023, Trung Quốc lập kế hoạch ưu tiên lắp đặt trạm sạc công cộng tại các tòa nhà thương mại, trung tâm giao thông và khu vực dịch vụ trên cao tốc và mạng lưới sạc công cộng đến cấp huyện.

Tính đến cuối tháng 5/2024, tổng số trạm sạc trên toàn Trung Quốc đã đạt 9,92 triệu điểm, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, theo Global Times. Trong đó, số trạm sạc công cộng tăng 46%, đạt 3,05 triệu. Số trạm sạc lắp đặt tư nhân tăng 61%, lên 6,87 triệu.

Trong năm nay, Trung Quốc dự kiến bổ sung 3.000 trụ sạc và 5.000 chỗ đỗ xe có trang bị sạc tại các khu vực dịch vụ trên đường cao tốc. 

Ngoài các trạm sạc công cộng do nhà nước phát triển, hệ sinh thái trạm sạc do nhà đầu tư bên ngoài điều hành góp phần lớn vào thành công cho thị trường xe điện.

Theo dữ liệu từ Liên minh Thúc đẩy cơ sở hạ tầng sạc xe điện Trung Quốc (EVCIPA), tính đến tháng 12/2022, 15 công ty vận hành trạm sạc lớn nhất cả nước gồm: TELD, StarCharge, YKC, State Grid, Xiaojuchongdian, Evking, ShenZhen Carenergy Net, Southern Power Grid, Wancheng Wanchong, Hooenergy, EV Power, Eichong, SAIC Motor, Potevio và Winlands.

Nhóm 15 công ty này chiếm 93,8% tổng số trạm sạc trên cả nước, trong khi các nhà vận hành khác chỉ chiếm 6,2% còn lại.

Đức Huy