Sôi động thị trường cho thuê xe tự lái: Ước đạt doanh thu gần 1 tỷ USD vào năm 2023, có cả đơn vị cho thuê xe điện nhập cuộc
Thị trường cho thuê xe tự lái tại Việt Nam vốn không nổi bật như một số một số lĩnh vực, thậm chí còn không nhận được sự quan tâm nhiều như xe điện dù xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, thị trường này đã đón nhận nhiều sự biến động.
“Kẻ đến, người đi”
Mới đây, dịch vụ cho thuê xe tự lái đến từ Ấn Độ - Zoomcar đã đưa ra thông báo chính thức về việc ngừng kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Lý do được đưa ra là do điều kiện thị trường kinh doanh nói chung và dịch vụ cho thuê xe tự lái nói riêng có nhiều khó khăn và dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian sắp tới.
Zoomcar cho biết ứng dụng và website dành cho khách hàng sẽ ngừng nhận chuyến xe từ 0 giờ ngày 24/5/2023. Đối với các chuyến xe đã được xác nhận trước 0 giờ ngày 24/5/2023 và có thời gian kết thúc chuyến xe trước 23:59 ngày 28/5/2023 sẽ được phục vụ bình thường.
Trong khi đó, các chuyến xe có thời gian kết thúc sau 0 giờ ngày 29/5/2023 sẽ bị huỷ theo chính sách huỷ. "Zoomcar mong nhận được sự thông cảm của Quý khách và chủ xe cho sự bất tiện ngoài mong muốn này", đơn vị này bày tỏ.
Về phần các đối tác chủ xe, Zoomcar Việt Nam cam kết thực hiện các nghĩa vụ thanh toán cho các chuyến xe như bình thường theo các điều khoản đã thoả thuận đến hết ngày 30/06/2023.
Zoomcar là startup nền tảng cho thuê xe hơi đầu tiên tại Ấn Độ, ra đời vào năm 2013 với trụ sở chính tại Bangalore, Ấn Độ. Zoomcar hoạt động tại hơn 50 thành phố và là doanh nghiệp lớn nhất Ấn Độ ở thị trường này. Startup này cho phép các cá nhân thuê nhiều loại xe khác nhau theo giờ hoặc theo ngày.
Zoomcar hoạt động tại châu Á và khu vực MENA (Trung Đông và Bắc Phi). Vào tháng 12/2021, Zoomcar ra mắt tại Việt Nam. Đây là thị trường thứ hai mà Zoomcar tiến vào tại Đông Nam Á, sau Phillippines.
Trái với sự rời đi của Zoomcar, một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giao hàng theo yêu cầu tại Việt Nam là Ahamove lại bắt tầu tiến vào thị trường cho thuê xe tự lái, thậm chí còn gây được nhiều tiếng vang khi ra mắt dịch vụ cho thuê xe ô tô điện tự lái đầu tiên tại Việt Nam.
Theo đó, CTCP Dịch vụ Tức thời Ahamove đã thông báo ra mắt dịch vụ Car Rental. Dịch vụ cho xe ô tô điện tự lái Ahamove ra mắt khách hàng ngày 24/5 với 2 mẫu xe điện Vinfast VF e34 và Vinfast VF8. Xe giao tới cho khách hàng sẽ được sạc đầy pin. Với mức sạc này, xe có thể xe có thể di chuyển quãng đường tối đa từ 285 - 400km.
Có hai hình thức thủ tục giấy tờ khi thuê xe, gồm CMND/ CCCD, giấy phép lái xe ô tô và hợp đồng thuê xe, hoặc hộ chiếu và hợp đồng thuê xe. Khách hàng khi đặt thuê xe ô tô điện tự lái sẽ đặt cọc 10 triệu đồng. Theo bảng giá được Ahamove công bố, khách hàng thuê xe VinFast e34 sẽ có giá 950.000 đồng/ngày (38,38 USD), trong khi khách thuê VinFast VF8 có giá thuê 1,5 triệu đồng/ngày (63,9 USD).
Ngoài những cái tên đã kể trên, thị trường cho thuê xe tự lái tại Việt Nam còn có một số cái tên nổi bật khác, có thể kể tới như Sigo, Chungxe, Mioto, Tripx, Exbook, Aleka...
Thị trường có doanh thu ước đạt gần 1 tỷ USD
Theo Mordor Intelligence, thị trường cho thuê ô tô tự lái tại Việt Nam được định giá 463,19 triệu USD vào năm 2021, và dự kiến sẽ đạt mức 884,71 triệu USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt mức 13,82% trong giai đoạn 2022 – 2027.
Trong khi đó, theo Statista, doanh thu của thị trường cho thuê xe tự lái tại Việt Nam trong năm 2023 dự kiến đạt 0,92 tỷ USD. Bên cạnh đó, doanh thu của thị trường này dự kiến đạt 1,19 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,57% trong giai đoạn 2023 – 2027.
Statista dự đoán lượng người dùng trên thị trường cho thuê xe tự lái tại Việt Nam sẽ tăng lên 9,2 triệu người vào năm 2027. Đồng thời, tỷ lệ thâm nhập của người dùng cũng ước tăng từ 7,1% vào năm 2023 lên 9,1% vào năm 2027. Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) dự kiến lên tới 130,3 USD.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự thay đổi đáng kể trong cách mọi người đi du lịch. Người tiêu dùng bắt đầu có xu hướng thích đi du lịch cá nhân hơn thay vì du lịch theo nhóm, đoàn. Điều này thôi thúc họ tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cho thuê xe coi tình đây là cơ hội để mở rộng. Dịch vụ cho thuê ô tô được chứng minh là một lựa chọn có lợi hơn so với gọi xe và là cách nhanh hơn, rẻ hơn để có được một chiếc ô tô, cung cấp một sự thay thế an toàn cho phương tiện di chuyển cá nhân. Do những thay đổi về hành vi liên quan tới quá trình chuyển đổi do đại dịch COVID-19 gây ra, thị trường cho thuê ô tô tự lái tại Việt Nam đã sẵn sàng phát triển trong những năm tới.
Về lâu dài, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, thuê xe được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những dịch vụ phổ biến nhất trong ngành vận tải đô thị, sân bay và du lịch.
Thị trường cho thuê ô tô tự lái tại Việt Nam đã phát triển nhanh chóng do sự thâm nhập ngày càng tăng của internet và sự tăng trưởng ổn định của khu vực có tổ chức. Chi tiêu của những người thuộc tầng lớp trung lưu tăng lên do điều kiện tài chính phù hợp, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh và môi trường kinh doanh được cải thiện là những yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường thuê xe tự lái.
Ngoài ra, thị trường thuê xe tự lái tại Việt Nam đã trải qua sự mở rộng đáng kể do các khoản đầu tư thường xuyên vào công nghệ cũng như các khoản đầu tư khác được thực hiện bởi các tập đoàn lớn, cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, quy mô thị trường ô tô tại Việt Nam cũng thuộc top đầu Đông Nam Á, song chỉ có 5,7% hộ gia đình sở hữu ô tô, theo dữ liệu năm 2020 của Tổng cục Thống kê. Điều này chỉ ra rằng nhu cầu thuê xe tự lái cửa người Việt là rất lớn khi thu nhập tăng lên, qua đó tạo điều kiện cho thị trường mở rộng.
Rủi ro tiềm ẩn
Dù tiềm năng là vậy, song không phải đơn vị nào cũng để lại dấu ấn và có thể hoạt động ổn định trên thị trường cho thuê xe tự lái tại Việt Nam. Sự rời đi của Zoomcar, startup cho thuê xe lớn nhất Ấn Độ và cũng đang hoạt động tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, là một ví dụ tiêu biểu.
Trước đó, FastGo - một startup trực thuộc hệ sinh thái NextTech của ông Nguyễn Hòa Bình, hay còn được biết đến là “Shark” Bình, một "cá mập" nổi tiếng trên sóng Shark Tank Việt Nam từng muốn đẩy mạnh mảng cho thuê xe tự lái nhưng không thành.
Ngoài ra, Luxstay - startup đình đám một thời hoạt động trong mảng homestay, du lịch, từng tạo ra deal kỷ lục trên sóng Shark Tank Việt Nam, cũng tung ra dịch vụ Luxcar cho thuê xe tự lái cũng chưa thu về nhiều thành quả.
Ngoài nguyên nhân dịch bệnh bùng phát, FastGo và Luxstay đều gặp phải rào cản thị trường cho thuê xe tự lái tại Việt Nam còn khá phân mảnh, cũng như chưa có chuẩn mực chung cho dịch vụ tuy cũ mà mới này, theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo VTV, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng cho thuê xe tự lái tại Việt Nam là một hoạt động kinh doanh có lãi, song chỉ những người trong cuộc mới biết ngành này vẫn ẩn chứa những rủi ro đi kèm.
Việc quyết định tự cho thuê cũng đồng nghĩa với việc bản thân chủ xe sẽ phải tự mình trang trải các khoản chi phí từ bảo hiểm, nhiên liệu, sửa chữa, vệ sinh, bãi giữ cho đến chi phí phạt nguội. Hơn nữa, trong trường hợp không may gặp phải các đối tượng có mưu đồ xấu, chủ xe còn phải đối mặt với vô vàn rủi ro khác như bị lừa đảo, trộm cắp, tháo hoặc thay thế linh kiện, phụ tùng.
Tệ hơn, kẻ gian khi thuê xe nếu giữ sẵn giấy tờ có thể mang xe đi cầm cố, vay nóng hoặc hy hữu nữa là có một số đối tượng sử dụng ô tô thuê vào những mục đích khác như đánh ghen, cướp, gây rối trật tự và an toàn xã hội, hay thậm chí là để vận chuyển và buôn bán chất cấm.