Sắp hết thời hạn giãn cách xã hội đợt hai, dịch COVID-19 ở TP HCM đã hạ nhiệt?
Đứng trước tình hình xuất hiện các ca nhiễm mới ngoài cộng đồng không rõ nguồn lây, chính quyền TP HCM đã quyết định tiếp tục giãn cách xã hội bắt đầu từ 0h ngày 15/6. Đồng thời, TP cũng tiến hành áp dụng Chỉ thị số 10 vào ngày 19/6 nhằm tăng cường biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Hiện, TP HCM đang ở những ngày cuối của chu kỳ giãn cách xã hội lần thứ hai, tuy nhiên việc kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Tính đến 6h sáng ngày 28/6, TP HCM có tổng cộng 3.278 ca nhiễm COVID-19 trong đợt dịch lần thứ 4, đứng thứ hai cả nước về số ca nhiễm.
Dịch bệnh lây lan nhanh, nhiều chợ đầu mối dừng hoạt động
Vào ngày 23/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 trong nước ở đợt dịch thứ 4 của TP vượt mốc 2.000 ca, tuy nhiên chỉ 4 ngày sau đó, số ca nhiễm tại TP HCM đã vượt mốc 3.000 ca. Trong vòng hơn 12 ngày qua, số ca nhiễm trung bình tại TP HCM liên tiếp tăng lên 3 con số, kỷ lục là 667 ca dương tính trong vòng 24h (từ 6h ngày 24 đến 6h ngày 25/6).
Giải thích về số trường hợp nhiễm cao kỷ lục trên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng không nên quá bi quan, bởi có tới 99 trường hợp phát hiện trong khu phong tỏa, 538 trường hợp trong các khu cách ly, chỉ có 14 trường hợp do tầm soát phát hiện tại các bệnh viện và một số trường hợp lây nhiễm do nghề nghiệp, nhập cảnh…
Đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng vi rút Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đặc biệt là các toà nhà văn phòng, cơ sở sản xuất thực phẩm đông lạnh).
Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan toả rất nhanh và rộng tại TP. Các ổ dịch cộng đồng lớn tại TP ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư. Ngoài ra, TP HCM cũng đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.
Do liên quan đến nhiều ca nhiễm COVID-19, nhiều chợ đầu mối và chợ truyền thống tại TP HCM như chợ đầu mối Hóc Môn, chợ đầu mối Bình Điền, chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), chợ Hòa Hưng (quận 10)… đã phải tạm ngưng hoạt động.
Bên cạnh đó, TP HCM cũng phải đối mặt với nhiều áp lực khi phát hiện nhiều ca nhiễm làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong khu công nghiệp như chuỗi lây nhiễm tại Công ty HANJOO TRADE (Khu công nghiệp Tân Phú Trung) gần 200 ca, Công ty thực phẩm Trung Sơn hơn 100 ca...
Cố gắng dập dịch trong những ngày giãn cách cuối cùng
Tại buổi họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM diễn ra và sáng nay 28/6, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, mặc dù TP đã nhanh chóng áp dụng Chỉ thị 16 đối với quận Gò Vấp, một phường của quận 12 và đạt được những hiệu quả nhất định, khống chế sự lây lan từ 2 ổ dịch lớn này.
"Tuy nhiên cùng thời điểm đó lại phát sinh nhiều ổ dịch mới, buộc TP phải quyết tâm nâng cao, tăng cường, siết chặt hơn nữa bằng Chỉ thị 10. Sau hơn một tuần TP thực hiện Chị thỉ 10, các ca nhiễm và nghi nhiễm vẫn tăng. Vì vậy cần phân tích toàn diện, khoa học, đánh giá lại các biện pháp đang thực hiện", Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận định.
TP HCM hiện đang điều trị cho hơn 2.800 bệnh nhân dương tính mới và thực hiện cách ly cho hơn 39.000 người, trong đó có hơn 11.000 người đang cách ly tập trung.
Trước tình hình số F1 ngày càng gia tăng, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo, Bộ Y tế đã hướng dẫn TP HCM thí điểm cách ly F1 tại nhà để TP xem xét và áp dụng. Trước đó, hai địa phương ghi nhận số ca nhiễm nhiều là Bắc Giang và Bắc Ninh cũng được thí điểm phương pháp này.
Việc giám sát F1 tại nơi ở giúp người bị cách ly tâm lý nhẹ nhàng, giúp Nhà nước giảm tải việc chuẩn bị cơ sở để cách ly tập trung khi số F1 tăng cao. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo hôm 19/6, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP cho biết TP HCM hiện chưa dùng biện pháp này.
Với quyết tâm cao nhất, để khống chế dịch và thực hiện mục tiêu kép đã đề ra, trong cuộc họp khẩn hôm nay, Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ đạo TP HCM mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn TP".
Để đẩy nhanh tốc độc truy vết F0, hiện TP HCM đã sử dụng test nhanh quét ngay tại vùng có ổ dịch, áp dụng đối với các trường hợp tiếp xúc gần sau khi có kết quả test nhanh. Nếu dương tính, sẽ cách ly ngay, sử dụng RT-PCR mẫu đơn. Với người âm tính thì sau đó xét nghiệm mẫu gộp đề quét qua một lần nữa.
Từ 26/5 đến 27/6, TP HCM đã lấy gần 1,2 triệu mẫu xét nghiệm từ các trường hợp F1, F2 và các tiếp xúc khác, mở rộng xét nghiệm. TP cũng đã sử dụng 30.000 bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Hiện, TP HCM đã bổ sung và cung cấp cho các đơn vị quận, huyện là 132.000 bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Đồng thời, TP HCM cũng tiếp nhận 80.000 bộ xét nghiệm nhanh của Công ty Medion từ Hà Nội chuyển vào hôm 27/6.
Bên cạnh những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt, TP HCM cũng tiến hành đẩy nhanh tốc độ triển khai thực hiện chiến dịch tiêm 836.000 liều vắc xin phòng COVID-19 do Bộ Y tế cấp đợt 4 cho TP cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, tính đến 18h ngày 27/6, tổng cộng có 710.773 người đã được tiêm vắc xin phòng COVID - 19 trong chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID - 19 đợt 4, trong đó tại khu công nghiệp - khu chế xuất đã thực hiện tiêm chủng cho 312.269 người.
Hiện TP HCM đã tiến hành giãn cách xã hội hai đợt và chỉ còn thời gian ngắn nữa là sẽ kết thúc đợt 2, do đó Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành và quận, huyện phải đánh giá lại việc triển khai giãn cách, các giải pháp đã áp dụng và đưa ra những giải pháp mạnh hơn trong 5 ngày tới.
Từ đó, UBND thành phố sẽ lấy làm căn cứ để đến ngày 30/6 có thể quyết định có tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách hay không.