|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nỗ lực thu hút ‘ong chúa’ công nghệ đến làm tổ của Việt Nam

10:00 | 24/01/2023
Chia sẻ
Việt Nam đang trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Hải Phòng nổi lên như một khu vực công nghiệp phát triển nhanh tại Việt Nam khi nhiều nhà sản xuất điện tử mở “cứ điểm” của mình tại đây giữa lúc khu vực phía Nam đã dần trở nên quá đông đúc, trang Rest of World đưa tin.

“Chúng tôi không chỉ bán đất, chúng tôi bán tương lai”, một quản lý tại Khu công nghiệp Deep C, nói. Tại một trong những khu phức hợp công nghệ cao của Deep C, một nhà máy mới đang nhộn nhịp vào guồng với các công nhân của Pegatron, đối tác sản xuất hợp đồng đến từ Đài Loan (Trung Quốc) của nhiều công ty như Microsoft hay Apple. Bên kia đường, một cơ sở hạ tầng khác đang dần được hình thành.

Gần đây, hình ảnh Trung tâm R&D trị giá 220 triệu USD lớn nhất Đông Nam Á của Samsung xây dựng tại Hà Nội, lan truyền trên mạng xã hội đã thu hút được công chúng Việt Nam. Đây là dự án khởi đầu cho công cuộc biến Việt Nam thành công xưởng thế giới của các đại gia ngành điện tử. Một báo cáo khác của JP Morgan mới đây cũng cho thấy Apple lên kế hoạch để sản xuất 65% AirPods, 20% iPad cùng Apple Watch và 5% sản lượng MacBook tại Việt Nam vào năm 2025.

Trên đây chỉ là một phần của bức tranh hạ tầng công nghiệp bùng nổ ở Việt Nam. Vậy vì đâu Việt Nam bỗng hấp dẫn trong mắt các “ong chúa” - như cách dùng từ của bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield?

Vị trí và cơ sở hạ tầng

Trao đổi với chúng tôi, Cushman & Wakefield - một trong những công ty dịch vụ bất động lớn nhất thế giới, cho biết miền Bắc Việt Nam có vị trí địa lý rất gần với hành lang kinh tế phía Nam của Trung Quốc gồm một số vùng nổi bật như Thượng Hải, Hong Kong, Thẩm Quyến, Phúc Kiến và Quảng Đông.

Đây là vùng kinh tế được chọn làm nơi đặt trụ sở của các ông lớn công nghiệp sản xuất, hóa sinh, thương mại và công nghệ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng và phân bổ sản xuất trong khu vực.

Trong những năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng của miền Bắc đã được cải thiện rõ rệt. Hiện đang có 13 tuyến đường cao tốc kết nối các tỉnh phía Bắc với Hà Nội, tổng chiều dài 895,8 km. Đặc biệt cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (80 km) thông xe toàn tuyến nối ba cửa khẩu và đi đến ba sân bay quốc tế quan trọng nhất khu vực.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, dự kiến miền Bắc sẽ có 14 tuyến đường bộ cao tốc với tổng chiều dài khoảng 2.300 km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe. 

Theo Bộ Giao thông vận tải, khu vực miền Bắc còn có 7 cảng hàng không chở khách bao gồm Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Điện Biên và Đồng Hới; trong đó cảng hàng không quốc tế Nội Bài là nơi có nhà ga hàng hóa chuyên biệt với công suất 403.000 tấn hàng hóa/năm. Đối với hệ thống cảng biển, miền Bắc là khu vực có mức tăng mạnh nhất đạt 154% từ năm 2017 đến năm 2021 về mặt xuất khẩu vận tải so với các vùng còn lại.

 

Công nghiệp phụ trợ

Việc các nhà sản xuất công nghệ điện tử lớn đồng loạt đổ bộ vào khu vực đã tạo nên một làn sóng thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất phụ trợ cho các “ông trùm” này.

Điển hình, theo số liệu của Cushman & Wakefield, tính đến năm 2022, tổng số nhà cung cấp của doanh nghiệp Việt bao gồm cả cấp một và cấp hai của Samsung là 250 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp cấp một là 52 doanh nghiệp. Đây là sự gia tăng lớn so với chỉ 4 doanh nghiệp cấp một vào năm 2014.

Đối với Apple, theo danh sách các đối tác cung ứng sản xuất trong năm tài chính 2021 công bố hồi tháng 10 năm nay, Việt Nam có 25 đơn vị đối tác cung ứng trong số hơn 180 nhà cung cấp của Apple. Con số này đang có xu hướng tăng dần trong các năm qua khi vào năm 2020, Apple ghi nhận 21 đối tác sản xuất tại Việt Nam và 20 đơn vị vào năm 2019.

 

Các địa phương thuộc khu vực Bắc Bộ tập trung nhiều nhà máy sản xuất hàng Apple, như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng và Hà Nội. Hay tại các khu công nghiệp miền Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang; TP HCMhai tỉnh miền Trung là Nghệ An và Đà Nẵng.

Hồi tháng 6 năm nay, trao đổi với tờ Bloomberg, ông Young Liu, Chủ tịch Hon Hai Precision Industry, một công ty thuộc Foxconn cũng cho biết Việt Nam hiện là “cứ điểm” sản xuất lớn nhất của Foxconn bên ngoài Trung Quốc.

Sức hút từ chính sách

Từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nổ ra, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, các tập đoàn đa quốc gia nhận ra rằng hoạt động sản xuất phụ thuộc lớn vào Trung Quốc đang trở nên rủi ro hơn bao giờ hết.

Việt Nam đã có nhiều bước nhảy trong chính sách để thu hút các nhà sản xuất công nghệ. Từ miễn thuế, xây dựng hạ tầng mới cho tới tham gia nhiều thoả thuận thương mại tự do, cam kết đạt trung hoà carbon vào năm 2050,…

Việt Nam đang làm mọi thứ để thu hút các hãng công nghệ muốn mở rộng “cứ điểm” sản xuất. Bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ rằng: “Việt Nam trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Về cơ bản, Việt Nam đưa ra nhiều ưu đãi thuế, nếu không, họ sẽ chuyển sang quốc gia khác trong chớp mắt”.

 

Bằng chứng là tháng 11 vừa qua, tập đoàn Lego của Đan Mạch đã khởi công xây dựng nhà máy lớn nhất thế giới của họ tại Bình Dương, trị giá 1 tỷ USD. Đáng nói, theo tờ Thanh Niên, đây là dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được đánh giá “thần tốc” về thời gian từ khi ký kết biên bản ghi nhớ đến cấp giấy phép chỉ vỏn vẹn hơn 3 tháng. Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Christensen, tiết lộ rằng dự án này đã " nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các lãnh đạo Chính phủ Việt Nam".

Trước đó, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tổ công tác này nhiệm vụ tham mưu các cơ chế, chính sách, tiêu chí, chuẩn mực hợp tác đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế và các giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư.

Đồng thời chủ động bằng các biện pháp linh hoạt, phù hợp để có thể tiếp cận, đàm phán với các tập đoàn lớn, có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị nhằm vận động, xúc tiến, phù hợp với mục đích, yêu cầu hợp tác đầu tư cùng có lợi.

“Với các đặc điểm địa lý thuận lợi, cũng như cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ, và hàng loạt chính sách thúc đẩy đầu tư từ Chính phủ, có thể nói miền Bắc Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để thu hút loạt ‘ong chúa’ đến làm tổ,” bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield kết luận.

Trích Đặc san "Doanh nhân Việt Nam - Xuân Quý Mão"- Số tháng 1/2023

Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam.

Thiên Trường

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.