Kể từ ngày phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên vào 23/1, Việt Nam chính thức bước vào cuộc chiến chống dịch đầy cam go.
Kể từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 đến nay, Việt Nam trải qua 2 tuần căng thẳng khi diễn biến dịch COVID-19 trên toàn cầu bùng phát mạnh mẽ, phức tạp. Trong khi đó, trong nước đã xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm cao của dịch bệnh.
Bởi vậy, trong suốt khoảng thời gian đó, lãnh đạo Chính phủ và các địa phương đều tập trung chỉ đạo chống dịch.
Chủ trì họp Thường trực Chính phủ về chống dịch COVID-19 chiều 13/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại việc thực hiện mục tiêu kép. Nhưng ông nhấn mạnh ưu tiên là bảo vệ sức khỏe tính mạng của nhân dân. Không vì kinh tế mà coi thường sức khỏe của nhân dân. Đó là nguyên tắc tối thượng trong xử lý công việc. Thủ tướng lưu ý nếu chúng ta lơi lỏng, dễ vỡ trận, xóa đi thành quả chúng ta đã đạt được mấy tháng qua.
Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 6/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nhiều quốc gia đang phải hứng chịu sự bùng phát của dịch bệnh giai đoạn 2. Vì vậy, Việt Nam cần thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội nhằm làm chậm, không để dịch lây lan trong cộng đồng. Làm tốt việc này sẽ không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn và làm tốt cách ly xã hội, Việt Nam sẽ không có đỉnh dịch.
Sau khi ban hành Chỉ thị 16, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vào 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải thích rõ hơn yêu cầu cách ly xã hội. Theo ông, đây là tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa giữ khoảng cách trong xã hội, chứ chưa phải phong tỏa, ngăn cấm giao thông.
Tại buổi họp báo liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố chiều 30/3, Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết trước khi có Chỉ thị 16, thành phố đã tính đến phương án dừng hoạt động sản xuất tại nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Theo ông, đại dịch này không phải cơ hội để kinh doanh. Kinh doanh mà phá hỏng công cuộc phòng, chống dịch là có tội với đất nước.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố chiều 10/4, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ chia sẻ thành phố đã vượt qua những thời điểm rất cam go, phức tạp như khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, rồi ca tại Bệnh viện Bạch Mai; đối mặt với nhiều ca phức tạp khi đi lại tiếp xúc với rất nhiều nơi, trực tiếp liên quan đến các cơ sở y tế. Bí thư Hà Nội đề nghị người dân cần chấp hành cách ly xã hội như mệnh lệnh thời chiến.
Tại buổi giao ban trực tuyến chiều 10/4 do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch và Bộ TTTT, Bộ Y tế tổ chức, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch. Nhưng nước ta mới chỉ chiến thắng từng trận đánh, từng chiến dịch, còn cả cuộc chiến vẫn ở phía trước. Việt Nam cần xác định chiến lược hàng đầu là ngăn không cho nhiều người nhiễm bệnh, có người nhiễm thì ngăn không cho nặng lên.
Kết luận cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chiều 1/4, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ lo ngại nếu dịch COVID-19 bùng phát ở Thủ đô. Theo ông, Hà Nội 8 triệu dân chỉ có 300 máy thở, nếu dịch bùng phát sẽ là đại họa. Vì thế, cách tốt nhất là phải phòng ngừa, không để xảy ra và hạn chế đến mức thấp nhất.
Trao đổi với Zing, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết ông rất lo khi thấy người dân thủ đô đổ ra đường trong những ngày cách ly xã hội.“Người dân ra đường đông như thế này, có lẽ các giải pháp chống dịch sẽ vỡ trận thôi, vì chắc chắn trong cộng đồng còn có những ca nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, biểu hiện gì mà vẫn có thể lây cho người khác”, ông Chung nói.
Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến với Thường trực Chính phủ về tình hình phòng chống dịch bệnh chiều 13/4, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng những kết quả ban đầu mà chúng ta đạt được trong phòng, chống dịch chưa thể khẳng định một chiến thắng cuối cùng. Vì vậy, TP.HCM sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ, nhất là làn sóng lây nhiễm thứ 2.
Chia sẻ với Zing về việc các địa phương triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói đây là yêu cầu chưa từng có tiền lệ. Nhiều địa phương nóng lòng, quyết tâm ngăn ngừa dịch, hiểu khái niệm cách ly là quản lý chia nhỏ theo địa phận cát cứ ở địa phương. Vì thế, họ cách ly với những nơi khác. Nhưng theo ông, cách ly xã hội là không được ngăn sông cấm chợ, không được làm các rào cản giao thông trên đường.
Chia sẻ với Zing về gói hỗ trợ an sinh dành cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, tác động bởi dịch COVID-19 , Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh gói hỗ trợ an sinh này đặc biệt có ý nghĩa bởi nó chính là gói hỗ trợ của "lòng dân, ý Đảng", kêu gọi người dân và doanh nghiệp chung sức cùng Chính phủ vượt qua khó khăn trong thời điểm này.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 3/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định cách ly xã hội là giải pháp quan trọng, rất kịp thời và đúng thời điểm để ngăn chặn triệt để lây nhiễm trong cộng đồng. Theo ông, nếu quyết liệt cách ly xã hội thì sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng, sức khỏe người dân.