|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những doanh nghiệp vượt bão COVID-19, báo lãi cao kỷ lục năm 2021

07:38 | 17/01/2022
Chia sẻ
Năm 2021 - năm khó khăn chưa từng có đối với các doanh nghiệp Việt dưới tác động của dịch COVID-19 song nhiều nhóm ngành vẫn tận dụng thời thế để ghi nhận lợi nhuận thăng hoa.

Bước qua năm COVID-19 thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thử thách thậm chí khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên sau khi "vượt bão" qua quý II và III, như chiếc lò xo bị nén, nhiều công ty đã báo lợi nhuận tăng vượt bậc trong quý IV, đẩy kết quả lợi nhuận cả năm vừa rồi cao kỷ lục.

Những doanh nghiệp vượt bão COVID-19 báo lãi cao kỷ lục năm 2021 - Ảnh 1.

Hiện tại CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) chưa công bố báo cáo tài chính quý IV nhưng công ty ước lượng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ BSR đạt 6.026 tỷ đồng, đây là mức lãi theo năm cao nhất kể từ sau cổ phần hóa, trong khi cùng kỳ 2020 lỗ ròng gần 2.819 tỷ đồng. Tính riêng quý IV, mức lợi nhuận tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh nghiệp cho biết trong quý IV, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, sức tiêu thụ của thị trường tăng lên đáng kể. Do đó BSR đã tăng công suất nhà máy, có thời điểm Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động ở công suất 108% - ngang bằng công suất trước khi các đợt dịch xảy ra.

Cùng ngành, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL - Mã: OIL) cũng báo cáo lợi nhuận năm cao nhất lịch sử hoạt động bất chấp tác động của dịch COVID-19. Nhân tố chính tạo nên thành quả này là giá dầu tăng nóng.

Kết quả, doanh thu hợp nhất năm của PV OIL ước đạt 55.000 tỷ đồng, thực hiện 98,7% kế hoạch năm và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước 884 tỷ đồng, vượt 121% mục tiêu năm trong khi năm 2020 lỗ gần 111 tỷ đồng.

Ngành nổi bật trong năm qua còn kể đến là ngành phân bón khi hai công ty đầu ngành là Đạm Cà Mau (Mã: DCM) và cả Đạm Phú Mỹ (Mã: DPM) đồng loạt ghi nhận lợi nhuận đạt đỉnh lịch sử nhờ giá phân bón tăng chóng mặt.

Tổng doanh thu năm 2021 của Đạm Cà Mau vào khoảng 10.011 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.823 tỷ, lần lượt tăng 32% và gấp 2,74 lần so với năm 2020.

Ban đầu công ty đặt kế hoạch năm khá thận trọng, song vào cuối năm đã phải nâng chỉ tiêu lên thêm 1.329 tỷ đồng về doanh thu và thêm 670 tỷ đồng cho lợi nhuận. Kết quả, Đạm Cà Mau vượt 9% về mục tiêu doanh thu và vượt 110% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đã điều chỉnh.

Tương tự, sản xuất kinh doanh hiệu quả cộng hưởng với giá phân bón thế giới tăng đã giúp Đạm Phú Mỹ lãi trước thuế kỷ lục 3.600 tỷ đồng năm 2021, tăng 324%. Nếu tính riêng quý IV, lãi trước thuế của công ty này gấp 16,3 lần so với quý IV/2020, đạt 1.810 tỷ đồng.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Đối với ngành thủy sản, nhờ thời tiết thuận lợi cho nuôi trồng và nhu cầu nhập khẩu tăng trưởng nên CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) đã có lãi thăng hoa trong 26 năm hoạt động với 280 tỷ đồng, tăng trên 15% so năm 2020.

Sao Ta cho biết năm 2021 là năm nuôi tôm thành công nhất trong lịch sử 10 năm theo đuổi nuôi tôm, góp phần bù đắp cho mảng chế biến nông sản của công ty trong năm qua.

Năm 2021 không thể không kể đến ngành vận tải biển khi giá cước nóng hơn bao giờ hết, giúp các doanh nghiệp trong ngành báo cáo lợi nhuận đầy tích cực.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - Mã: MVN) ghi nhận một năm kinh doanh đại thắng khi doanh thu toàn tổng công ty ước đạt 19.604 tỷ đồng, bằng 124% cùng kỳ. Lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lỗ 145 tỷ. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, Vinalines có lãi hàng nghìn tỷ.

Trong đó, khối vận tải biển từ lỗ sâu 874 tỷ đồng trong năm 2020, năm vừa rồi cũng lãi hơn 1.000 tỷ đồng.

Một số cảng có mức lợi nhuận cao như Cảng Sài Gòn đạt 852 tỷ đồng (vượt hơn 214% so với kế hoạch 2021), Cảng Hải Phòng đạt hơn 732 tỷ đồng (vượt 9% so với kế hoạch), Cảng Quy Nhơn lãi 420 tỷ đồng (vượt hơn 162% so với kế hoạch),…

Tương tự, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) - doanh nghiệp thu hút giới đầu tư vì cổ phiếu liên tục tăng nóng cũng báo kết quả năm vừa qua cao nhất lịch sử với 1.900 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 389 tỷ đồng; tăng lần lượt 59% và gần 165% so với năm 2020.

So với kế hoạch đề ra, HAH đã vượt 14% chỉ tiêu doanh thu và vượt 146% mục tiêu lợi nhuận năm.

Nguyên nhân tăng trưởng đến từ việc HAH có lợi thế kinh tế nhờ quy mô khi dẫn đầu thị trường vận tải container, tổng công suất gần 11.000 Teus. Nhờ đó công ty được hưởng lợi khi giá cho thuê tàu tăng, sản lượng vận tải tăng và giá cước vận tải biển lên cao.

CTCP Licogi 14 (Mã: L14) - đơn vị sở hữu cổ phiếu đắt đỏ nhất trên thị trường chứng khoán, năm vừa qua cũng báo lãi trước thuế 436 tỷ đồng, gấp hơn chục lần năm trước đó. Đây đồng thời là kết quả cao nhất của công ty kể từ khi công bố báo cáo tài chính (năm 2008). Hằng năm, lợi nhuận của Licogi 14 vào khoảng vài chục tỷ đồng. 

Kết quả năm 2021 này cũng đã giúp doanh nghiệp họ Licogi vượt tới 1.145% về chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Sau khi công bố kết quả kinh doanh, cổ phiếu L14 phiên 14/1 cuối tuần rồi đã tăng kịch trần lên 435.600 đồng/cp và tiếp tục giữ ngôi vương về thị giá trên thị trường chứng khoán.



Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Hằng

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.