Những cơn sóng dữ nào trong năm 2021 nhấn chìm giá heo hơi xuống dưới mức hòa vốn?
Năm 2021 là một năm sóng gió với ngành chăn nuôi heo khi giá nguyên liệu tăng phi mã trong khi thức ăn chăn nuôi chiếm 80-85% giá thành sản xuất.
Điều đáng nói, Việt Nam phải nhập khẩu 90% nguyên liệu từ nước ngoài nên giá thức ăn thành phẩm phụ thuộc và biến động theo thị trường thế giới.
Tính đến nay, giá nguyên liệu chăn nuôi như ngô, đậu tương, lúa mỳ liên tục tăng 16 - 46% vì sản lượng của các nước nhập khẩu giảm và cước vận tải tăng 200 - 300%, đội giá thành thức ăn chăn nuôi lên cao.
Cũng từ nguyên nhân trên, các doanh nghiệp như C.P, Greenfeed, CJ Vina Agri, Công ty US Feed, Hòa Phát Đồng Nai có 8, 9 đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi và mới đây ông lớn De Heus dự báo còn có đợt tăng thứ 10 vào cuối năm 2021.
Bão giá thức ăn chăn nuôi tác động xấu đến ngành chăn nuôi trong nước, đặc biệt khi giá heo hơi có xu hướng giảm.
Kể từ thời điểm tháng 1, giá heo hơi bắt đầu giảm nhẹ từ mức 78.000 – 85.000 đồng/kg xuống 67.000 – 70.000 đồng/kg vào cuối tháng 6, giảm 15 – 20%.
Với mức giá này vẫn đảm bảo cho các hộ chăn nuôi hòa vốn. Tuy nhiên, nếu giá heo hơi tiếp tục giảm, người chăn nuôi sẽ phải đối mặt với thua lỗ.
Ông Lưu Văn Nhiệm, Giám đốc Hợp Tác Xã (HTX) chăn nuôi và dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm cho biết HTX phải nhập 100% cám heo từ công ty C.P Việt Nam cho hơn 10.000 con heo.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá heo giảm đều khiến lợi nhuận của HTX giảm dần, quý I lãi được gần 2 tỷ đồng, quý II hòa vốn và quý III cầm chắc phần lỗ trong tay nếu giá heo giảm xuống 45.000 - 50.000 đồng/kg", ông Nhiệm nói.
Mức thiệt hại kinh tế có thể lớn hơn với những hộ nuôi nhỏ lẻ khi không chủ động về con giống, thức ăn chăn nuôi. Nhiều hộ phải xuất chuồng sớm để trả nợ.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Sỹ (Hưng Yên) cho biết, bình thường để nuôi một con heo xuất chuồng, riêng tiền thức ăn mất khoảng 3 triệu đồng.
Sau Tết, giá mỗi bao tăng gần 60.000 đồng nên để nuôi một con heo, người nuôi phải bỏ thêm gần 1 triệu đồng tiền thức ăn. Vì không gồng gánh nổi, gia đình ông quyết định cho heo xuất chuồng sớm.
"Trong lúc giá heo hơi đang giảm mạnh, xuất chuồng 120 con heo thịt, gia đình tôi không có lãi. Nếu tính cả công nuôi và chi phí chuồng trại, chúng tôi đang lỗ nặng. May tôi đã bán sớm", ông Sỹ nói.
Bão giá thức ăn chăn nuôi, giá heo giảm, các hộ chăn nuôi phải trầy trật tìm tiêu thụ bởi giãn cách xã hội, trong khi các địa phương "ngăn sông, cấm chợ" khiến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa khó khăn, gây ra tình trạng ứ đọng 30% đàn heo quá lứa 120 – 130 kg, tương đương với 1,5 triệu con.
Heo quá lứa tồn đọng cùng với nhu cầu tiêu thụ của người dân trong thời gian giãn cách xã hội giảm mạnh, các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể đóng cửa đã khiến giá heo hơi rơi tự do, xuống mức 33.000 – 37.000 đồng/kg, thậm chí heo mỡ chỉ còn dưới 30.000 đồng/kg vào cuối tháng 10.
Nhiều nông dân khốn khổ gồng lỗ khi đàn heo quá lứa ngốn tiền triệu thức ăn chăn nuôi mỗi ngày trong khi thương lái vẫn bặt vô âm tín.
Ông Nguyễn Quang Thụy ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết sau thời gian dài giãn cách, đàn heo hơn 100 con của ông đến kỳ xuất chuồng nhưng vẫn chưa tiêu thụ được.
"Heo đẹp thì chỉ được 40.000 đồng/kg, còn heo mỡ thì không bán được.
Thực sự đây là thảm họa giá và đầu ra của người chăn nuôi, ở những đợt trước dù giá giảm nhưng vẫn có người mua nhưng lần này kêu đến 7 - 8 thương lái rồi mà cũng không ai mua", ông Thụy chia sẻ.
Giá heo hơi chạm đáy hai năm, những hộ nuôi nhỏ lẻ như ông Thụy có thể lỗ 1,5-2 triệu đồng/con vì giá thức ăn tăng mạnh, giá con giống lúc vào đàn ở mức cao 2,5 – 3 triệu đồng/con.
Cũng ở thời điểm này, những doanh nghiệp đầu ngành như Dabaco khó có thể duy trì tăng trưởng và lợi nhuận khi giá heo, nhu cầu tiêu thụ giảm sâu.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco cho biết chi phí nuôi một con heo đang ở mức rất cao, bao gồm 1 triệu đồng sản xuất heo giống; 2,7 triệu đồng cho thức ăn chăn nuôi; 1.400 – 1.700 đồng thuốc thú ý; 7.000 đồng chi phí chuồng trại; tỷ lệ chết/sống 5% giá thành một con heo…
"Giá heo cứ cao lại thấp thất thường, nông dân sẽ tiếp tục lỗ và lỗ mãi nếu không có chính sách kịp thời và dự báo sớm. Heo ăn hết cả sổ đỏ của nông dân, không còn gì để vay, thế chấp ngân hàng nữa", ông So nói.
Còn với Dabaco, dù chủ động về nguồn thức ăn chăn nuôi nhưng khó giữ lợi nhuận khi giá cước vận chuyển bằng giá mua ngô do đứt gãy chuỗi cung ứng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Dabaco ước đạt 13.669 tỷ đồng, tăng gần 85% so với 9 tháng năm 2020. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 718 tỷ đồng, giảm gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự Dabaco, doanh nghiệp chăn nuôi khép kín như Emivest Việt Nam với hệ thống sản xuất cám, thuốc thú ý, giống heo cũng đang rơi vào bế tắc.
Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam cho biết hiện giá bán heo đang thấp hơn giá thành khoảng 20.000 đồng/kg khiến doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề.
"Nếu dựa theo số liệu tiêu thụ 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm thì tổng lỗ của các công ty chăn nuôi và nông dân trong nước năm 2021 dự kiến cao gấp hơn 10 lần khoản lỗ của Vietnam Airlines công bố", ông Phương nói.
Những diễn biến tiêu cực của thị trường heo hơi giữa tháng 10 khiến nhiều người đặt ra giả thiết liệu cuộc khủng hoảng giá heo năm 2017 có lặp lại?
Ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do (Đồng Nai) đánh giá ở thời điểm này nguồn cung vượt cầu nhưng không quá nhiều như năm 2019.
Song, khi giá heo rơi xuống vùng 30.000 – 32.000 đồng/kg thì tương đương với mức đáy năm 2017 là 20.000 - 22.000 đồng/kg.
Bởi, nếu giá thức ăn chăn nuôi năm 2017 khoảng 9.000 đồng/kg thì hiện nay đang nằm ở mức khoảng 12.000 đồng/kg, kéo giá thành sản xuất tăng lên.
"Năm 2017, mức giá thấp nhất tôi bán ra là 22.000 đồng/kg, giá thành sản xuất khoảng 40.000 đồng/kg thì khi bán ra lỗ khoảng 1,8 triệu đồng/con (100 kg).
Và năm nay, với đà tụt không phanh hiện nay, khả năng tôi cũng sẽ chịu mức lỗ tương đương năm đó", ông Hậu chia sẻ.
Trong khi giá heo hơi liên tục lao dốc thì giá thịt heo bán lẻ tại các chợ truyền thống và siêu thị vẫn cao. Nghịch lý này không chỉ khiến các hộ chăn nuôi lao đao mà người tiêu dùng cũng bị thiệt thòi.
Cụ thể, giai đoạn cao điểm phòng dịch COVID-19 từ tháng 7 đến tháng 9, giá heo hơi dao động 45.000 – 65.000 đồng/kg nhưng giá thịt vẫn ở mức cao, khoảng 80.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại.
Điều này tạo áp lực lên người tiêu dùng, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng, thu nhập của nhiều gia đình giảm.
Chị Bùi Thanh Thảo, chủ một tiệm cơm trên phố Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Báo đài ngày nào cũng đưa tin giá heo giảm nhưng khi ra chợ giá thịt vẫn cao ngất ngưởng.
Kinh doanh mùa dịch chỉ được bán mang về, lượng khách giảm một nửa, chúng tôi bán giữ khách chứ không lời lãi nhiều".
Ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết dịch COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi liên kết sản xuất – phân phối – tiêu dùng, việc vận chuyển từ vùng này sang vùng khác trở nên khó khăn, đặc biệt là các địa phương đang giãn cách xã hội.
"Người phân phối phải trả thêm nhiều chi phí phát sinh như kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, đội giá thịt heo lên cao.
Mặt khác, từ trang trại đến bàn ăn trải quá nhiều khâu trung gian, các tiểu thương lợi dụng việc đó tạo chênh lệch để hưởng lợi", ông Trọng nói.
Chính những nút thắt như thế khiến giá heo hơi giảm, giá thịt vẫn tăng. Người sản xuất phải bán giá thấp, người tiêu dùng phải mua giá cao, duy chỉ có khâu trung gian có lãi.
Ngay cả khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, giá thịt heo vẫn ở mức cao và có chênh lệch lớn giữa miền Nam và miền Bắc.
Cụ thể, đầu tháng 10, khi giá heo hơi ba miền dao động 38.000 – 47.000 đồng/kg nhưng giá thịt heo tại TP HCM vẫn neo ở mức cao dao động ở mức 130.000 – 160.000 đồng/kg, còn tại Hà Nội khoảng 80.000 – 120.000 đồng/kg.
Lý giải nguyên nhân tạo ra sự chênh lệch giá thịt heo giữa hai TP lớn, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết Hà Nội có thể tự chủ 80 – 90% thịt heo trong khi TP HCM chỉ tự túc được 5 – 10%, còn lại phải nhập thịt heo ở các tỉnh lân cận.
Trong khi, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở TP HCM và tỉnh ĐBSCL, việc vận chuyển khó khăn nên chênh lệch giữa giá xuất chuồng - giá bán lẻ và giá thịt heo ở các địa phương.
Trong khi giá heo hơi tụt dốc, giá thịt vẫn ở mức cao thì thịt heo đông lạnh nhập khẩu lại ồ ạt về Việt Nam.
Số liệu Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 80.850 tấn thịt heo đông lạnh với tổng trị giá 187 triệu USD, tăng 155% về lượng và tăng gần 145% về trị giá. Giá thịt heo nhập khẩu trung bình khoảng 2.314 USD/tấn (khoảng 53.000 đồng/kg).
Ông Nguyễn Văn Trọng nhận định lượng thịt heo nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 4 - 4,8% tổng lượng thịt cung cấp cho cả nước, không tác động quá lớn đến giá heo và giá thịt.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu thịt đông lạnh chủ yếu theo hợp đồng đã ký để phục vụ chế biến. Khi các hợp đồng hết hạn, các doanh nghiệp sẽ xem xét nguồn cung và giá trong nước để tính toán kế hoạch sử dụng nguyên liệu.
Minh chứng là trong tháng 10, nhập khẩu thịt heo đông lạnh khoảng 12.500 tấn, giảm 35% về lượng và giảm 39% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp, nhập khẩu thịt heo giảm mạnh.
Khi các địa phương chuyển sang trạng thái thích ứng với dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ phục hồi đặc biệt khi Tết đang đến gần đã "tiếp sức" cho giá heo hơi thoát khỏi mốc đáy 30.000 đồng/kg vào cuối tháng 10 và đạt mốc 50.000 đồng/kg kể từ tháng 11 cho đến nay.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: "Theo quy luật thời điểm cuối năm, các công ty chế biến tăng cường thu mua heo để chuẩn bị cho đợt hàng phục vụ lễ tết.
Điều này kéo theo nhu cầu heo tăng mạnh và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn bắt đầu tăng giá".
Giá heo khởi sắc, người chăn nuôi khá phấn khởi nhưng vẫn chưa dám tái đàn vì tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp, nhu cầu tiêu thụ khó dự đoán.
Chia sẻ với báo Bạc Liêu, bà Nguyễn Thị Út Em cho biết: "Nghe giá heo tăng, bà con chăn nuôi trong xóm ai cũng phấn khởi. Thế nhưng nhiều người vẫn chưa dám tăng đàn mà chỉ nuôi cầm chừng.
Nếu cứ tính theo kiểu "đi trước đón đầu" không khéo lại phải chịu lỗ như những tháng trước khi giá heo lao dốc".
Theo ông Nguyễn Văn Trọng giá heo liên tục ngụp lặn trong thời gian giãn cách xã hội, người chăn nuôi nhỏ lẻ lỗ nặng, tâm lý ngại tái đàn, dẫn đến nguy cơ Tết Nguyên đán sắp tới thiếu thịt heo cục bộ là rất cao.
Do đó, Cục Chăn nuôi khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục tái đàn, tăng đàn heo phục vụ tiêu dùng gia tăng trong những tháng cuối năm 2021, nhất là nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng 10-12% dịp trước, trong Tết Nguyên đán 2022.
Dù các cơ quan chức năng dự báo giá heo hơi sẽ phục hồi vào dịp Tết Nguyên đán năm 2022 nhưng khi thu nhập của người lao động ở hầu hết các ngành kinh tế giảm mạnh sẽ khó đẩy giá heo hơi tăng mạnh như mọi năm.
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý III, thu nhập bình quân của người lao động ở đạt 5,2 triệu đồng/tháng, giảm 847.000 đồng so với quý trước và giảm 573.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trước những con số về thu nhập của người dân, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú dự báo mức tiêu thụ thịt heo của người dân vào dịp Tết Nguyên đán năm 2022 sẽ giảm khoảng 30% so với thời điểm 2019.
Ông Nguyễn Văn Trọng cũng cho rằng nhu cầu tiêu thụ thịt heo vào dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng nhưng không bằng các năm trước vì thu nhập người dân chưa phục hồi.
"Tổng đàn heo của cả nước vẫn duy trì ở mức 28 triệu con. Do đó, giá heo hơi dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng nhưng chỉ dao động ở mức 55.000 – 60.000 đồng/kg, mức giá hài hòa giữa 3 khâu sản xuất – lưu thông – tiêu dùng.
Sẽ rất khó có đột biến giá xảy ra bởi 16 doanh nghiệp chuẩn bị sẵn nguồn hàng 5,5 triệu con cho dịp Tết", ông Trọng nói.
Vị này cũng dự báo giá heo thời điểm sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ giảm nhẹ vì nhu cầu tiêu thụ giảm, thu nhập của người dân chưa tăng.
Đồng thời, diễn biến giá heo năm 2022 sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch COVID-19. Tuy nhiên, với chính sách thích ứng linh hoạt với dịch, giá heo hơi sẽ không có những biến động mạnh như thời điểm tháng 9,10 vừa qua.
Với triển vọng này, những hộ nông dân nhỏ lẻ đã hòa vốn và có lãi nhẹ. Còn các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi có thể lãi 10.000 – 15.000 đồng/kg vì chi phí sản xuất chỉ dao động 45.000 đồng/kg.
Như vậy, thị trường heo cuối năm được xem là "sân chơi" của các ông lớn có lợi thế về vốn và hệ sinh thái khép kín từ giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, dây chuyền giết mổ, sản xuất sản phẩm chế biến từ thịt đến hệ thống phân phối.
Dù vậy, nguồn cung của doanh nghiệp chăn nuôi chỉ chiếm 23 - 24% tổng đàn, mang tính cân bằng thị trường chứ chưa đủ sức điều hành, thao túng giá.
Cũng trong năm 2021, ngành chăn nuôi cũng chứng kiến nhiều thương vụ bạc tỷ giữa các ông lớn.
Cụ thể, mới đây De Heus Việt Nam mua lại 14 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan với tham vọng củng cố vị thế của mình trong ngành chăn nuôi Việt Nam.
Ngoài ra, De Heus cũng "bắt tay" với Hùng Nhơn xây dựng dự án nông nghiệp công nghệ cao với trang trại con heo cụ kỵ và ông bà, cung cấp nguồn gen tốt cho khu vực Tây Nguyên.
Theo xu hướng phát triển, doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi ngày càng lớn mạnh và số nông hộ nhỏ lẻ ngày càng thu hẹp. Ông Nguyễn Văn Trọng dự báo với đà này, nguồn cung heo, thịt heo của các doanh nghiệp lớn có thể chiếm tỷ trọng 30% trong năm 2022.