Những cảnh báo đỏ từ nền kinh tế Mỹ và ba kịch bản có thể làm Fed rối trí trên lộ trình tăng lãi suất
Theo Bloomberg Economics, một trong các kịch bản có thể xảy ra là Mỹ rơi vào bế tắc với đề xuất nâng trần nợ công, hoặc cú sốc của ngành bất động sản Trung Quốc lan tỏa ra thị trường toàn cầu, hoặc đơn giản là người dân vẫn thận trọng với đại dịch COVID-19.
Khi đó, tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm của Mỹ đều có nguy cơ bị tổn hại. Từ đó, các quan chức Fed có thể tạm ngưng kế hoạch thu hồi các biện pháp kích thích thời đại dịch, đồng thời lùi việc tăng lãi suất đến năm 2024 hoặc muộn hơn.
Ở kịch bản khác, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng có thể khiến lạm phát tiếp tục neo ở mức cao thay vì chạm ngưỡng kỳ vọng của Fed. Điều này lại buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải đẩy nhanh việc rút bớt kích thích tiền tệ và tăng lãi suất sớm vào năm 2022.
Ngoài ra, còn một khả năng khác, kết hợp hai kịch bản nêu trên. Nếu vậy, tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ chững lại đáng kể và giá cả sẽ leo thang chóng mặt. Dù không nghiêm trọng như tình trạng đình lạm (lạm phát kèm suy thoái) của những năm 1970, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp vẫn sẽ bị đẩy vào thế khó.
Để tìm hiểu kịch bản nào có khả năng xảy ra nhất, Bloomberg Economics đã sử dụng mô hình mới mang tên SHOK
Cảnh báo đỏ từ bên trong nền kinh tế
Dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chững lại là rất dễ thấy. Báo cáo việc làm tháng 8 là một chỉ báo khi mà Mỹ chỉ ghi nhận thêm 235.000 việc làm mới, bằng một phần ba so với con số dự kiến.
Ngoài ra, biến chủng Delta còn khiến người tiêu dùng tại Mỹ trở nên thận trọng. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan giảm điểm trong tháng 8 và trong quá khứ, tính từ khi chỉ số này ra đời vào năm 1978 thì chỉ có khoản 6 lần số liệu tụt mạnh hơn tháng 8 vừa qua.
Nhìn chung, đà phục hồi tưởng chừng không thể ngăn cản được của nền kinh tế Mỹ dường như đang bị hụt hơi. Bloomberg Economics đã hạ dự báo tăng trưởng quý III từ hơn 7% xuống còn 5% (tỷ lệ chuẩn hóa theo năm). Một số ngân hàng lớn còn dự đoán tăng trưởng sẽ giảm xuống còn gần 3%.
Một trong các dấu hiệu khác là sự bế tắc của Quốc hội Mỹ trong kế hoạch nâng trần nợ công. Dự kiến, chính phủ Mỹ sẽ cạn kiệt ngân sách vào khoảng tháng 10 năm nay. Nếu lưỡng viện không thể đi đến một sự đồng thuận, có thể chính phủ sẽ phải tuyên bố vỡ nợ và đây sẽ là một sự kiện khủng khiếp cho hệ thống tài chính toàn cầu.
Năm 2011, Washington từng rơi vào thế bế tắc tương tự. Trong ba tuần xoay quanh mốc này, chỉ số S&P 500 đã bốc hơi hơn 15% và chi phí đi vay của doanh nghiệp nhảy vọt.
Bloomberg Economics cho rằng nếu kịch bản cũ lặp lại, tăng trưởng GDP quý IV sẽ giảm khoảng 1,5 điểm % so với ước tính ban đầu. Hơn nữa, nền kinh tế sẽ bước vào năm 2022 một cách không thực sự bằng phẳng.
Không phải rủi ro nào cũng xuất phát từ quê nhà
Nỗi lo về sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc từ lâu đã ám ảnh các nhà đầu tư toàn cầu. Giờ đây, mục tiêu "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình càng biến điều đó trở thành một rủi ro thực.
Các cơ quan quản lý tại Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát nạn đầu cơ bất động sản và siết hoạt động cho vay, nhờ đó giá nhà và số lượng dự án mới đã giảm mạnh. Điều này đã đẩy Evergrande, một trong các công ty bất động sản lớn nhất nước, vào nguy cơ vỡ nợ.
Nếu "quả bom nợ" Evergrande phát nổ, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng vì bất động sản thường thúc đẩy nhu cầu của nhiều mặt hàng khác, từ thép, bê tông đến đồ nội thất và đồ điện tử gia dụng. Riêng bất động sản đã đóng góp 29% vào GDP của Trung Quốc.
Nền kinh tế tỷ dân được dự báo sẽ bước vào năm 2022 với mức tăng trưởng khoảng 5%. Lĩnh vực bất động sản suy yếu có thể khiến con số đó tụt xuống còn 3%, từ đó giáng đòn đau cho các đối tác thương mại của Bắc Kinh, đè nén giá dầu thô và kim loại công nghiệp,…
Trong kịch bản nêu trên, Mỹ sẽ khập khiễng bước vào năm 2022 với một nền kinh tế sa sút và lạm phát một lần nữa rơi xuống dưới mức mục tiêu 2% của Fed. Chủ tịch Powell đã nhiều lần khẳng định rằng hai tiêu chí để Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nâng lãi suất là toàn dụng việc làm và lạm phát đạt ngưỡng mục tiêu.
Suy cho cùng, một cú đánh vào thị trường việc làm và nhu cầu hàng hóa, bất luận là do bế tắc về mức trần nợ công hay do cú sốc từ Trung Quốc, đều có thể đẩy mục tiêu của FOMC ra xa tầm với của Fed.
Khi đó, kế hoạch tăng lãi suất có thể bị lùi sang năm 2023 hoặc thậm chí 2024. Còn việc thu hồi các biện pháp kích thích thì có thể chưa bắt đầu vào cuối năm nay như tín hiệu trước đó.
Câu chuyện lạm phát tăng nóng do chuỗi cung ứng
Chuỗi cung ứng đang bị đứt đoạn, minh chứng các cảng biển rơi vào cảnh ách tắc, các ngành công nghiệp thiếu chất bán dẫn,… Gián đoạn chuỗi cung ứng là một trong các yếu tố chính kéo lạm phát của Mỹ vượt mức 5% vào mùa hè này.
Chủ tịch Powell gọi xu hướng tăng giá trên là "nhất thời" để xoa dịu thị trường. Chỉ số CPI thấp hơn trong tháng 8 dường như đã củng cố quan điểm của ông Powell.
Song, có nhiều bằng chứng cho thấy những cú sốc chuỗi cung ứng tiếp theo có thể giữ lạm phát duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Từ đồ điện tử cho đến hàng dệt máy, người tiêu dùng Mỹ đều chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung của các nước châu Á.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng tại nhiều quốc gia châu Á đang khá thấp, khiến các nước này dễ có nguy cơ phải phong tỏa trở lại, như trường hợp Trung Quốc đóng cửa một thành phố 4,5 triệu dân ở tỉnh Phúc Kiến.
Hay tại đảo Đài Loan, một trong những nút thắt chính trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ vẫn ở mức một con số, Bloomberg Economics chỉ ra. Tất cả dấu hiệu trên chứng tỏ, lạm phát sẽ còn nhích thêm.
Đối với Fed, lạm phát tăng nóng cho đến năm 2022 sẽ gây hại hơn nữa nếu nó khiến công chúng thay đổi suy nghĩ. Nếu doanh nghiệp cảm thấy thoải mái khi tăng giá hàng hóa tiêu dùng và người lao động yêu cầu mức lương cao hơn để bù đắp cho cú sốc giá cả, nước Mỹ có thể rơi vào vòng xoáy tiền lương - giá cả từng xuất hiện những năm 1970.
Kết quả là, Fed có thể phải đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm kích thích tiền và siết chặt chính sách ngay từ năm 2022 để ghìm cương lạm phát.
Kịch bản đen tối hơn hết
Một khả năng khác, tồi tệ hơn rất nhiều, sẽ xảy ra nếu hai "đòn tấn công" đến cùng lúc. Tức là, tăng trưởng kinh tế và việc làm chững lại và chuỗi cung ứng gián đoạn cũng như lạm phát tiếp tục leo thang.
Trong kịch bản đó, các quan chức Fed sẽ bị đẩy vào tình thế khó xử. Nếu nới lỏng chính sách tiền tệ để củng cố tăng trưởng, họ sẽ "đổ thêm dầu vào lửa" lạm phát. Nếu siết chặt chính sách để kiểm soát giá cả, đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ sẽ càng suy yếu, khiến nhiều người Mỹ mất việc hơn.
Bloomberg Economics lưu ý rằng khả năng xuất hiện kịch bản cuối cùng không quá cao. Khi lưỡng viện đạt được thỏa thuận hoặc một mình Đảng Dân chủ tự hành động thì rủi ro vỡ nợ của chính phủ Mỹ có thể được gỡ bỏ.
Ngoài ra, trong quá khứ, Trung Quốc đã tỏ ra rất khéo léo trong việc giữ cho bong bóng nhà đất không phát nổ. Tỷ lệ tiêm chủng của các nước châu Á cũng đang cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, một bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng COVID-19 là đừng nên lơ là trước các khả năng. Tại thời điểm đầu năm 2021, không mấy người dự đoán lạm phát sẽ tăng nóng cho đến những tháng cuối năm, mà thực tế lại trái ngược.
Ngay cả khi tại cuộc họp tháng 9, Fed đưa ra thông tin chi tiết hơn về lộ trình thu hồi kích thích và nâng lãi suất thì công chúng cũng nên kỳ vọng rằng ông Powell và các đồng nghiệp vẫn sẽ đề cao tính linh hoạt khi hoàn cảnh thay đổi. Nếu các tình huống rủi ro như Bloomberg Economics đưa ra xuất hiện, Fed sẽ rất cần sự linh hoạt.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/