Nhờ đâu Coteccons thoát lỗ quý IV/2022?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) ghi nhận 6.230 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 172 tỷ, tương ứng biên lãi gộp đạt 2,76%, cải thiện so với quý III song vẫn ở mức thấp.
Trong kỳ chi phí tài chính tăng gấp 6,3 lần so với cùng kỳ lên hơn 59 tỷ do tăng mạnh chi phí lãi vay và xuất hiện khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 24 tỷ cùng khoản lỗ từ đầu tư chứng khoán gần 10 tỷ.
Dù có lãi gộp và thêm khoản doanh thu tài chính 70 tỷ quý IV song chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 183 tỷ (tương đương cùng kỳ) cùng chi phí tài chính và lỗ từ công ty liên kết hơn 7 tỷ khiến Coteccons lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 7 tỷ.
Tuy nhiên, trong kỳ Coteccons ghi nhận lợi nhuận khác 34 tỷ chủ yếu từ hoàn nhập chi phí công trình phải trả lớn hơn thực tế phát sinh và hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình. Kết quả, công ty vẫn có lãi ròng gần 19 tỷ đồng quý IV/2022, quý IV/2021 lỗ hơn 63 tỷ đồng.
Trong buổi giao lưu với cổ đông giữa tháng 1, Chủ tịch HĐQT Coteccons nhìn nhận: "2022 làmột năm không dễ dàng gì, thậm chí là rất chật vật với Coteccons. Năm 2022 là lúc chúng ta chỉ mới bước ra khỏi COVID, giá nguyên vật liệu tăng tới 25%, trong đó giá thép, giá bê tông tăng một cách điên cuồng". Qua đó, đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của Coteccons.
Người đứng đầu Coteccons tin rằng "từ năm 2023 kết quả của công ty sẽ tốt hơn". Giá trị backlog của năm 2023 là 17.000 tỷ đồng,
Luỹ kế năm 2022, Coteccons đạt 14.537 tỷ doanh thu thuần, tăng 60% so với 2021 nhờ vào khối lượng công việc bị dồn lại trong hai năm dịch bệnh COVID-19. Công ty lỗ thuần cả năm gần 54 tỷ song nhờ khoản lợi nhuận khác 88 tỷ giúp Coteccons vẫn lãi ròng gần 21 tỷ, giảm gần 14% so với năm trước đó.
Năm 2022, Coteccons đề ra mục tiêu 15.010 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng. Kết thúc quý IV, doanh nghiệp đạt 97% kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. EPS cả năm là 280 đồng.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm hơn 1.600 tỷ cả năm 2022
Về tình hình tài chính, quy mô tài sản cuối năm 2022 của Coteccons đạt 18.965 tỷ, tăng 26% so với đầu năm. Chỉ tiêu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản phải thu ngắn hạn với 11.231 tỷ tại ngày 31/12/2022, chủ yếu từ khách hàng và đã phải trích lập dự phòng 1.049 tỷ.
Khoản dự phòng nợ xấu này chủ yếu đến từ Công ty TNHH Bất động sản Ngôi sao Việt - đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh và CTCP Đầu tư Minh Việt.
Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn cuối kỳ là 2.089 tỷ cùng với khoản đầu tư trái phiếu gần 567 tỷ.
Bên cạnh khoản tiền gửi và đầu tư trái phiếu, Coteccons còn dành gần 249 tỷ tiền nhàn rỗi đầu tư vào cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Trong đó 200 tỷ được phân bổ vào cổ phiếu gồm FPT (hơn 28 tỷ), MWG (gần 26 tỷ), còn lại không được thuyết minh chi tiết. Coteccons phải trích lập dự phòng gần 61 tỷ tại ngày 31/12/2022 cho khoản đầu tư trên.
Nợ phải trả cuối quý IV là 10.224 tỷ, trong đó nợ vay của công ty là 1.077 với 547 tỷ vay ngắn hạn và 33 tỷ vay dài hạn từ ngân hàng. Còn lại là dư nợ trái phiếu. Trong năm qua, Coteccons thu 2.242 tỷ từ đi vay đồng thời trả nợ gốc 1.169 tỷ.
Vốn chủ sở hữu ghi nhận 8.214 tỷ cuối kỳ, bao gồm 4.667 tỷ quỹ đầu tư phát triển, 336 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Coteccons đã ghi nhận dương trở lại trong quý IV/2022 với 364 tỷ song tính chung cả năm dòng tiền này vẫn âm 1.626 tỷ, trong khi năm 2021 dương 421 tỷ do tăng mạnh các khoản phải thu và tồn kho.