|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành FMCG sẵn sàng rút hầu bao trả mức lương trên 100 triệu đồng/tháng để tìm được ứng viên

09:39 | 20/03/2022
Chia sẻ
Trả lương cao giữa bối cảnh khó khăn kinh tế cho thấy các doanh nghiệp trong ngành hàng FMCG đang khát nhân sự thế nào và các kế hoạch phục hồi sau dịch đang được gấp rút triển khai.
Ngành FMCG sẵn sàng rút hầu bao trả mức lương trên 100 triệu đồng/tháng để tìm được ứng viên - Ảnh 1.

Một nhân viên bán hàng trong siêu thị WinMart tại Hà Nội. (Ảnh: Thiên Trường).

Mới đây Adecco Việt Nam đã phát hành Báo cáo lương 2022, cung cấp bức tranh chi tiết về mức lương dựa trên kinh nghiệm làm việc trong các ngành chính ở khu vực Hà Nội và TP HCM.

Theo báo cáo, mặc dù thu nhập trung bình của các hộ gia đình tại Việt Nam đã giảm 12%, tác động nặng nề tới sức mua của người tiêu dùng, song đại dịch đã thúc đẩy sự chuyển dịch về lối sống, thực phẩm và đồ uống lành mạnh hơn.

Do đó, hoạt động tuyển dụng đã tăng lên trong lĩnh vực FMCG (Fast Moving Consumer Goods - ngành hàng tiêu dùng nhanh), đặc biệt là các vị trí như Giám đốc Thương mại điện tử, Giám đốc phát triển kinh doanh và Giám đốc Bán hàng & Tiếp thị.

Năm 2022, xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số sẽ thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến. Do đó, Adecco dự báo nhu cầu tuyển dụng sẽ tiếp tục tăng trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, thông qua các nền tảng bán lẻ và thương mại điện tử.

Với quan điểm trên, Adecco dự báo nhà tuyển dụng sẵn sàng chi trả cho vị trí Tổng giám đốc và Giám đốc điều hành kinh nghiệm 1 - 5 năm hoặc trên 5 năm mức lương từ 240 triệu đồng tới 450 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, TP HCM có dải lương cao hơn hẳn các vị trí tương ứng tại Hà Nội.

Trong khi đó, vị trí Giám đốc thương mại tại TP HCM được trả 250 - 350 triệu đồng/tháng và tại Hà Nội là 160 - 250 triệu đồng/tháng. Kinh nghiệm càng nhiều thì mức lương càng cao.

Ngành FMCG sẵn sàng rút hầu bao trả mức lương trên 100 triệu đồng/tháng để tìm được ứng viên - Ảnh 2.

Ở mảng bán hàng và marketing, doanh nghiệp cũng sẵn sàng dốc hầu bao chi lớn để có được nhân sự. Cụ thể, với vị trí Giám đốc bán hàng, mức lương cao nhất có thể nhận với người trên 5 năm kinh nghiệm là 300 triệu đồng và con số này là 350 triệu đồng cho Giám đốc tiếp thị.

Các vị trí như Trưởng phòng thương mại/thương mại hiện đại, Giám đốc kinh doanh toàn quốc được đề xuất với mức lương thấp nhất là 80 triệu đồng và cao nhất 200 triệu đồng. Quản lý bán hàng trên thương mại điện tử, Phụ trách bán hàng khu vực được offer lương từ 25 tới 100 triệu đồng mỗi tháng.

Một lĩnh vực khác trong nhóm ngành FMCG là bán lẻ cũng cho thấy việc khát nhân sự khi các vị trí việc làm đều được đề xuất mức lương khủng lên tới cả trăm triệu đồng. Với công việc này, thị trường Hà Nội lại được trả lương cao hơn TP HCM, điều này cho thấy sự "khó tính" của thị trường miền Bắc và để thâm nhập thị trường này không phải là điều dễ đối với các nhãn hàng.

Cụ thể, Giám đốc bán lẻ có kinh nghiệm 1-5 năm tại Hà Nội được đề nghị mức lương 90 - 110 triệu đồng/tháng và kinh nghiệm trên 5 năm được trả 100 - 150 triệu đồng/tháng. Con số này ở TP HCM lần lượt là 70 - 90 triệu đồng/tháng và 90 - 130 triệu đồng/tháng.

Ngành FMCG sẵn sàng rút hầu bao trả mức lương trên 100 triệu đồng/tháng để tìm được ứng viên - Ảnh 3.

96% nhân sự sẵn sàng tham gia đào tạo lại

Đại dịch đã làm thay đổi thói quen tuyển dụng nhân sự tại các doanh nghiệp. Doanh nghiệp giờ đây đã chú trọng hơn đến các nhu cầu về an toàn của nhân viên, chẳng hạn như làm việc từ xa, trang bị thiết bị bảo hộ cá nhân, hoặc giảm số nhân sự tại chỗ.

Ngoài ra, theo Adecco, trong bối cảnh hơn 96% nhân sự sẵn sàng tham gia các hoạt động đào tạo lại, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư một cách khôn ngoan vào các hoạt động đào tạo và phát triển trực tuyến.

Đại dịch cũng đã thúc đẩy sự thay đổi trong quy trình tuyển dụng. Các ứng viên dần quen với việc tìm việc, ứng tuyển và phỏng vấn trực tuyến. Các nhà tuyển dụng cũng triển khai rộng rãi hơn hình thức tuyển dụng trực tuyến. Cuộc khảo sát "Việc làm cho tân cử nhân trong đại dịch COVID-19" chỉ ra rằng 62,5% nhà tuyển dụng chuyển sang quy trình tuyển dụng ảo giữa tình hình dịch bệnh phức tạp.

Tuy nhiên, phương án thay thế này vẫn có những mặt trái nhất định. Các ứng viên thường gặp khó khăn trong việc đánh giá môi trường làm việc và định hướng tương lại thông qua màn hình máy tính. Nhà tuyển dụng cũng gặp trở ngại khi đánh giá ứng viên, ví dụ như khó quan sát ngôn ngữ cơ thể và phản ứng của ứng viên đối với văn hóa làm việc.

Đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều nhà tuyển dụng sử dụng các bài đánh giá kỹ năng trực tuyến. Ngoài việc kiểm tra tham chiếu thường thấy, đánh giá tâm lý cũng đang trở nên phổ biến hơn để xác định trình độ chuyên môn và khả năng phục hồi (resilience) của ứng viên. Thị trường này thậm chí còn được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ cao trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2027.

Báo cáo Hướng dẫn lương Adecco Việt Nam được phát hành thường niên kể từ năm 2014. Được thành lập tại Việt Nam vào năm 2011, Adecco Việt Nam - thành viên của Tập đoàn Adecco toàn cầu - là nhà cung cấp dịch vụ Tính lương, Tuyển dụng & Thuê ngoài nhân sự tại Việt Nam.

Chí Dũng