Ngân hàng cạnh tranh vốn với doanh nghiệp sản xuất trong hoạt động phát hành trái phiếu
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn được xem là giai đoạn mới phát triển
Giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành tăng từ 237.000 tỷ đồng lên 950.000 tỷ đồng, tương đương 15,1% GDP. Tổng tín dụng cấp cho nền kinh tế 10 đồng thì trái phiếu chiếm 1 đồng.
2020-2022 có thể được xem là giai đoạn đột biến của thị trường TPDN với tổng quy mô phát hành hàng triệu tỷ đồng.
Tham luận tại Hội thảo "Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp" do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp tổ chức mới đây, TS. Đinh Thế Hiển cho biết kênh huy động vốn qua trái phiếu đóng vai trò quan trọng trong việc khai thông nguồn vốn cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Hiển phân tích: “Mặc dù giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã tăng mạnh trong giai đoạn 2018 - 2021 nhưng thị trường TPDN Việt Nam vẫn được xem là giai đoạn mới phát triển. Phương thức phát hành chủ yếu là phát hành riêng lẻ với nhà đầu tư chủ yếu là ngân hàng."
Bên cạnh đó, chuyên gia lưu ý nên tách bạch rõ trái phiếu của các tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán với các doanh nghiệp sản xuất. Nếu như trong năm 2021, các tổ chức tín dụng chiếm 32% và bất động sản chiếm 37% tổng giá trị TPDN phát hành thì đến 10 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này lần lượt là 56% và 21%. Các doanh nghiệp sản xuất phát hành TPDN với tỷ lệ không đáng kể.
Theo ông Hiển, cần thẳng thắn gọi trái phiếu riêng lẻ giai đoạn trên là trái phiếu công ty bất động sản. Do đó, nếu “giải cứu” thị trường TPDN hiện nay thì cũng đồng nghĩa với việc “cứu” trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản là chủ yếu. Làm rõ vấn đề đó chúng ta mới có giải pháp phù hợp cho thị trường TPDN.
TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ thêm: "Các doanh nghiệp được xếp hạng cao trên thế giới, bằng uy tín họ có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng. Còn các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chỉ thích đi vay ngân hàng, đến giai đoạn không vay được nữa họ mới chuyển sang kênh huy động vốn khác, trong đó có TPDN."
Ngân hàng cạnh tranh vốn với doanh nghiệp sản xuất
Theo TS. Đinh Thế Hiển, ngân hàng thương mại vừa là bên huy động, vừa là bên mua TPDN với tỷ lệ rất lớn, lần lượt chiếm 32% và 46% tổng giá trị TPDN được phát hành. Ở diễn biến khác, tỷ lệ tham gia vào thị trường trái phiếu của nhà đầu tư cá nhân tăng từ 10% ở thị trường sơ cấp lên 32% ở thị trường thứ cấp.
Do vậy, ngân hàng thương mại (NHTM) đang cạnh tranh với doanh nghiệp trong việc huy động vốn trên thị trường trái phiếu. Trong khi đó, NHTM đã có kênh huy động vốn là tiền gửi và các công ty sản xuất, bất động sản nếu huy động vốn từ trái phiếu cũng sẽ gửi vào ngân hàng theo hình thức tiền gửi không kỳ hạn.
"Phải chăng bằng uy tín, các ngân hàng phát hành trái phiếu và dùng vốn huy động được mua lại trái phiếu công ty bất động sản? Có hay không việc ngân hàng chuyển dần TPDN sang nhà đầu tư cá nhân để có room mua tiếp trái phiếu công ty bất động sản?
Nếu câu chuyện chỉ dừng ở đây thì không có vấn đề gì bởi đây là cuộc chơi giữa ngân hàng và công ty bất động sản, nhà nước sẽ có động thái điều tiết và đưa về mức an toàn. Hiện nay, Nhà nước đang kiểm soát rất tốt hệ thống ngân hàng. Hết quý IV này hệ thống ngân hàng sẽ ổn định, đến quý I/2023 lãi suất sẽ hạ nhiệt và nền kinh tế sẽ phát triển trở lại.
Câu chuyện nói trên chỉ có vấn đề khi để những TPDN này phát triển ra bên ngoài, làm các nhà đầu tư cá nhân mất tiền và làm rối loạn kinh tế - xã hội", chuyên gia đặt vấn đề.