|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gọi đúng tên trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 2020-2022

13:10 | 01/12/2022
Chia sẻ
Trước năm 2020, doanh nghiệp bất động sản chủ yếu vay vốn ngân hàng trung - dài hạn để làm dự án, phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh do điều kiện vay vốn thuận lợi. Sau thời gian này, tín dụng cấp cho ngành bất động sản dần được kiểm soát chặt chẽ hơn, các doanh nghiệp tìm kiếm kênh huy động vốn khác, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.

 

Ít nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thị trường TPDN

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thuộc top sự kiện nóng trong thời gian vừa qua, gắn liền với câu hỏi có nên giải cứu thị trường bất động sản hay không và giải cứu bằng cách nào, thêm vào đó là các vấn đề về cơn khát vốn của nền kinh tế.

Tại Hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp” do Tạp chí Tài Chính Doanh nghiệp tổ chức mới đây, Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, cho biết mặc dù thị trường hiện nay bao trùm tâm lý lo lắng mất tiền khi đầu tư trái phiếu của nhà đầu tư nhưng các quỹ mở tại Việt Nam hầu như không mất tiền. Các quỹ này chỉ mua trái phiếu của doanh nghiệp niêm yết chứ không phải những doanh nghiệp mới thành lập, không rõ lịch sử kinh doanh,… và đầu tư với số tiền rất nhỏ.

Chuyên gia cũng chia sẻ thêm, ở các thị trường phát triển trên thế giới, nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán (bao gồm TPDN) chủ yếu là các quỹ đầu tư, trong đó quỹ mở chiếm 80% và hiện các quỹ mở này quản lý khối tài sản 44.000 tỷ USD. Lượng trái phiếu nắm giữ chiếm khoảng 45% tổng tài sản các quỹ quản lý.

Vào thời điểm mới ra đời, các quỹ mở này chưa được đánh giá cao nhưng đến nay đã trở thành loại hình quỹ lớn nhất thế giới bởi tích hợp được tính chuyên nghiệp của các chuyên gia quản lý quỹ và tính thanh khoản của nhà đầu tư cá nhân.

Theo chuyên gia, quỹ mở là nguồn vốn đầu tư quan trọng nhất cho trái phiếu nhưng tại Việt Nam, quỹ mở chỉ khoảng 0,5% GDP - một mức rất thấp so với các nước trong khu vực. Đồng thời, tổng giá trị đầu tư các quỹ trái phiếu tính đến tháng 11/2022 trên 18.700 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,6% so với lượng trái phiếu phát hành 1,2 triệu tỷ đồng.

“TPDN Việt Nam hiện nay có rất ít tổ chức đầu tư chuyên nghiệp tham gia, trong khi TPDN do các quỹ nắm vẫn giữ được giá trị. Từ năm 2017 đến nay, NAV của các quỹ tăng 70% lên 17.000 tỷ đồng”, TS. Đinh Thế Hiển cho biết.

 

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển. (Ảnh: Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp).

 

2020-2022 là trái phiếu công ty bất động sản

Trước năm 2020, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) chủ yếu vay vốn ngân hàng trung - dài hạn để làm dự án, phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh bởi nhìn chung vay vốn ở giai đoạn này thuận lợi. Sau thời gian này, tín dụng cấp cho ngành bất động sản dần được kiểm soát chặt chẽ hơn nên các doanh nghiệp tìm kiếm kênh huy động vốn khác, trong đó có TPDN.

Theo đánh giá của TS. Đinh Thế Hiển, quy mô và lãi suất TPDN Việt Nam giai đoạn 2019-2020 ở mức hợp lý. Trong đó, lãi suất vào khoảng 8,5%, vẫn đảm bảo nằm ở giữa ngưỡng lãi suất cho vay 9-10% và lãi suất huy động 6%. Giả sử lãi suất cho vay của ngân hàng là 10% thì lãi suất TPDN rủi ro có kiểm soát khoảng 14%. Trên mức lãi suất này là trái phiếu may rủi. Do vậy, trái phiếu an toàn tại Việt Nam nên có lãi suất tối đa 14%.

Đến giai đoạn 2020-2022, thị trường xuất hiện nhiều công ty phát hành TPDN có lãi suất cao, vượt qua lãi suất cho vay ngân hàng, bắt đầu đi vào khung trái phiếu có rủi ro và rủi ro cao.

2020-2022 là giai đoạn thâm dụng vốn rất mạnh, diễn ra cùng lúc với thị trường bất động sản phát triển. Nợ trên vốn của doanh nghiệp ở mức cao 1,5. Tăng trưởng tín dụng tăng nhanh hơn GDP trong 5 năm gần đây”, TS. Đinh Thế Hiển nhận định.

Cũng theo chuyên gia, các công ty bất động sản thâm dụng vốn rất lớn. 7 đồng vốn mới tạo ra được 1 đồng doanh thu. Lý do duy là doanh nghiệp bán không được hàng, dù thông tin trên thị trường đều phản ánh nhu cầu nhà ở rất lớn.

Còn ở các doanh nghiệp sản xuất như nhóm thủy sản có cơ cấu vốn rất tốt, dự kiến mang về nguồn thu ngoại tệ 11 tỷ USD trong năm nay, tương ứng tăng trưởng 30% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, TPDN hiện nay tập trung ở định chế tài chính là ngân hàng và công ty bất động sản (bao gồm một số ít công ty xây dựng). Kể từ tháng 3-4, Bộ Tài chính liên tục đưa ra cảnh báo và lập lực dòng vốn từ TPDN vào bất động sản khó khăn hơn.

Doanh nghiệp bất động sản không phát hành được không phải vì Chính phủ không cho phép mà bắt đầu có sự giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động liên quan đến phát hành, bao gồm điều kiện phát hành, mục đích sử dụng vốn,...

“Không nên gọi là trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2020-2022 mà gọi là trái phiếu công ty bất động sản, Bởi nếu gọi là trái phiếu doanh nghiệp thì chúng ta hình dung đến nền kinh tế, đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh,… và cố gắng để dòng vốn này chảy song song với vốn ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó, trái phiếu công ty bất động sản phải được xử lý bằng những giải pháp khác.

Phần lớn trái phiếu công ty bất động sản giai đoạn 2020-2022 do công ty chưa niêm yết phát hành với tỷ lệ 80%. Các trái phiếu này thuộc nhóm rủi ro cao (thường là tín phiếu, chất lượng tài sản đảm bảo thấp,…) nhưng lãi suất 14% là không tương xứng, nếu tính toán đúng theo góc độ tài chính phải là 25%/năm.

Những quỹ đầu tư chuyên nghiệp, quỹ cân bằng, quỹ mở đều không tham gia vào các trái phiếu này. Nhưng tại sao tổ chức phát hành vẫn bán được và ai là người mua?

Lưu ý khác với thị trường chứng khoán, hiện nay vẫn có nhà đầu tư sẵn sàng mua vào những mã cổ phiếu có giá dưới 10.000 đồng/cp và chấp nhận cuộc chơi lời ăn, lỗ chịu”, chuyên gia đặt vấn đề.

 

Nguyên Ngọc

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.